, //, :: GTM+7

"Vua" khóm Cầu Đúc

Nông dân Dương Văn Thanh (Bảy Thanh) ở xã Hỏa Tiến (TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) được nhiều người quen gọi là “vua khóm Cầu Đúc”, bởi ông là người xây dựng được vùng trồng khóm rộng nhất xứ này và mang lại hiệu quả cao nhất.

Chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi biết cánh đồng khóm rộng bạt ngàn đến 100ha do một cá nhân làm chủ. Càng khâm phục khi biết đó là một nông dân “Hai lúa”, đồng thời là một cựu chiến binh. Ông Bảy Thanh kể: Vùng đất này ngày trước lao sậy um tùm, đất bị nhiễm chua phèn… sản xuất không hiệu quả nên chẳng ai muốn bám trụ. Nhưng ông thì khác...

Quê gốc của ông Bảy Thanh ở huyện Gò Quao (Kiên Giang). Xuất thân trong hoàn cảnh khó khăn, khi lớn lên học hành chẳng đến đâu thì phải đi làm thuê kiếm sống; sau đó đi bộ đội… Sau xuất ngũ, ông về với nghề nông. Lúc đầu ông được Nhà nước cấp cho 1ha đất ở xã Hỏa Tiến (TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) để canh tác. Đây là vùng đất bị nhiễm phèn, do đó vợ chồng ông ngày đêm cày cuốc, phát hoang và lên liếp trồng khóm.

Hướng dẫn công nhân về kỹ thuật canh tác khóm.
Hướng dẫn công nhân về kỹ thuật canh tác khóm.

Lúc đầu, ông vừa trồng khóm, vừa đi làm thuê để kiếm tiền nuôi vợ con; những lúc không ai thuê thì đi lái ghe mướn chở khóm đi bỏ mối cho bạn hàng khắp các tỉnh miền Tây và TP HCM. Ngoài việc kiếm tiền “đong gạo”, vợ chồng ông Bảy Thanh tích cóp, dành dụm mua thêm đất để mở rộng sản xuất, không bao lâu ông có trong tay 3ha khóm. Năm 2009, ông là người đầu tiên ở địa phương mạnh dạn thuê gần 100ha đất bỏ hoang của tỉnh, rồi chạy đi hỏi nợ, tìm nguồn vốn… gần 7 tỷ đồng để khai hoang, lên liếp trồng khóm. Thấy ông “làm liều” như vậy, không ít người ở vùng này bảo ông điên, tự dưng nhảy vào chỗ chết. Ngay bạn bè thân thiết và cả vợ con cũng không đồng ý với việc làm này, song ông vẫn quyết làm.

Để sản xuất khóm hiệu quả, ông Bảy Thanh thiết kế những liếp khóm cao ráo, đào hệ thống kênh mương thông thoáng dùng để tưới tiêu, rửa phèn. Xây dựng đê bao xung quanh vùng khóm và cũng làm đường giao thông phục vụ đi lại, vận chuyển khóm chín khi thu hoạch cho thuận tiện… Nhờ cách làm bài bản, khoa học, nên mỗi héc-ta khóm cho năng suất khoảng 20 tấn/năm; cả trang trại rộng 100ha của ông mỗi năm xuất ra thị trường hàng chục ngàn tấn khóm.

Nhờ làm ăn hiệu quả nên ông Bảy Thanh liên tục đầu tư mở rộng qui mô sản xuất. Ông lên Tây Ninh thuê 35ha để mở rộng diện tích trồng khóm của mình. Bên cạnh đó, ông Bảy Thanh còn lập đại lý để thu mua khóm và chở đi các nơi tiêu thụ. “Từ những chuyến ghe ngược xuôi, tôi làm quen được rất nhiều bạn hàng và nhận thấy nhu cầu tiêu thụ khóm trên thị trường rất lớn, nhất là khóm Cầu Đúc của Hậu Giang; vì vậy tôi mới dám đi đến quyết định táo bạo xây dựng vùng khóm rộng cả trăm héc-ta, đồng thời làm đại lý thu mua khóm…. và đã thành công”, ông kể. Việc trồng khóm qui mô lớn và thu mua, buôn bán khóm Cầu Đúc, đã giúp ông có tổng doanh thu hàng năm từ cây khóm khoảng 30 tỷ đồng, lợi nhuận mỗi năm hơn 10 tỷ đồng…

Trang trại khóm bạt ngàn của ông Bảy Thanh ở Hậu Giang.
Trang trại khóm bạt ngàn của ông Bảy Thanh ở Hậu Giang.

Từ khó khăn vươn lên thành tỷ phú khóm, nhưng ông Bảy Thanh hàng ngày vẫn say mê ruộng khóm và sống rất giản dị, xuề xòa và mến khách. Hiện trang trại khóm của ông đang giải quyết công ăn việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho hơn 60 lao động thời vụ ở địa phương, trong đó có 30 lao động thường xuyên. Ngoài công việc thì ông Bảy Thanh luôn quan tâm đến đời sống của những hộ làm công cho mình.

Anh Nguyễn Văn Cường (người làm công hơn 5 năm cho ông Bảy Thanh), nhìn nhận: “Chú Bảy rất siêng năng, có kiến thức rất sâu về cây khóm nên hầu hết ruộng khóm của chú đều cho hiệu quả cao. Làm công cho chú lâu ngày nên học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong canh tác khóm Cầu Đúc đạt năng suất cao, chất lượng tốt. Ngoài ra, chú Bảy luôn giúp đỡ mọi người, hễ ai có khó khăn, thiếu tiền thì được chú hỗ trợ ngay…”.

Sống gần gũi, thương người nghèo… nhưng trong công việc thì ông Bảy Thanh bao giờ cũng nghiêm khắc, nhất là lúc thu hoạch khóm phải làm đúng giờ nhằm đảm bảo thời gian giao hàng cho khách; bởi nếu chậm trễ sẽ làm giảm chất lượng khóm khi chuyển đến nhà máy, gây mất lòng tin với khách hàng. Do đó, việc giữ chữ tín được ông Bảy Thanh đặt lên hàng đầu và ông cũng yêu cầu những người làm công tuân thủ việc này. Dù thuê nhiều người làm nhiều công đoạn, tuy nhiên ông Bảy Thanh luôn tự mình chỉ đạo mọi khâu từ quản lý đến điều hành và luôn theo sát để đôn đốc nhắc nhở mọi người...

“Bản thân tôi từng một thời nghèo khó và đi làm thuê, nên tôi rất trân trọng và thương mến những người làm công cho mình, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ họ khi cần thiết. Nhân công ở đây cũng xem tôi như người anh, người chú trong gia đình nên giữa tôi với họ dường như không có khoảng cách nào”, ông Bảy Thanh bộc bạch. Cũng theo ông Bảy Thanh thì do công việc quá nhiều nên lâu lắm rồi hai vợ chồng ông chưa được “ăn cơm riêng với nhau” (chỉ hai người), mà thường xuyên ăn cơm cùng với những người làm công, vừa để gần gũi vừa tâm sự công việc giữa ông với anh em công nhân… thỉnh thoảng buổi chiều nhâm nhi vài ly với họ.

Hướng dẫn công nhân về kỹ thuật canh tác khóm.
Hướng dẫn công nhân về kỹ thuật canh tác khóm.

Bên cạnh lối sống gần gũi, điều đáng quý ở ông “vua khóm” này là khi trở nên giàu có thì ông luôn quan tâm chia sẻ cùng cộng đồng bằng việc ủng hộ tiền, đặc biệt là quan tâm đến những người bạn, người đồng đội còn gặp khó khăn về nhà ở. Những năm qua ông đã hỗ trợ khoảng 400 triệu đồng để làm đường, cất nhà tình thương đồng đội… ở địa phương. Ông bảo, xưa mình cũng nghèo, nhờ quyết tâm vươn lên và may mắn thành đạt thì mình nên có trách nhiệm chia sẻ với những bà con còn khó; mong rằng một ngày nào đó họ cũng vươn lên như mình…

“Vua” khóm Cầu Đúc Bảy Thanh là một nông dân điển hình tiên tiến ở Hậu Giang; nhiều lần được mời dự hội nghị và báo cáo điển hình nông dân tiên tiến ở Hà Nội, TP HCM… nhận nhiều bằng khen của tỉnh và Trung ương. Năm 2014, ông nhận danh hiệu tiên phong vì sự phát triển nông nghiệp bền vững; năm 2015 nhận danh hiệu Sản phẩm Công nghiệp nông thôn phát triển bền vững; ông còn được trao tặng danh hiệu cựu chiến binh làm kinh tế giỏi 5 năm (2007 - 2011) và (2011 - 2016). Đặc biệt năm 2017, ông được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm đổi mới”…

Khóm Cầu Đúc thuộc giống Queen (Nữ hoàng). Đặc điểm của giống khóm này là trái có hình dáng thanh nhã, mắt lồi, cuống ngắn, hố mắt hơi sâu, lõi nhỏ, thịt màu vàng đậm, ít xơ, ít nước, ăn giòn và ngọt. Cây khóm Cầu Đúc khi trưởng thành cao trên 1m, trọng lượng từ 1,5 - 2kg/trái, năng suất trung bình 20 tấn/ha. Do đặc thù của thổ nhưỡng, nên khóm ở khu vực này có vị ngọt thanh, ăn ít rát lưỡi. Khóm gọt vỏ xong có màu vàng rất bắt mắt, hương vị ngọt thơm và ăn rất ngon miệng. Đặc biệt, trái khóm Cầu Đúc có thể để khoảng 10 - 15 ngày mà không hư. Năm 2006, khóm Cầu Đúc đã được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa Khóm Cầu Đúc Hậu Giang. Nhờ đó, ngày càng có nhiều người biết đến loại đặc sản Hậu Giang ngon tuyệt này.

Ph.Hữu - T.Hưng

Bình luận

Xem nhiều




Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm


Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất