, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 23/12/2021, 16:38

Vua rau sạch xứ sương mù

ĐÌNH THI
(nld.com.vn)
Thương hiệu Rau Đà Lạt canh tác hữu cơ của ông có mặt trong hầu hết các hệ thống siêu thị trên cả nước, thu nhập hàng chục tỉ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.

Nông dân trồng rau ở Lâm Đồng không ít nhưng trồng rau để được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021" dường như mới có ông Võ Tiến Huy (52 tuổi, ngụ xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng).

Không thất bại thì khó thành công

Ông Huy kể về duyên nợ của mình với nông nghiệp sạch, cho biết để có được thành công hôm nay mình từng gặp thất bại nặng nề tưởng chừng như không thể vượt qua.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt, ông đi làm công việc sửa chữa thiết bị điện tử. Cuộc sống khá ổn định. Nhưng rồi, nghề nông như duyên nghiệp của ông: "Vào năm 2006, tôi có một ông anh làm nông nghiệp tại TP Đà Lạt. Thời điểm đó, anh ấy làm rau xuất khẩu sang Malaysia, Singapore nên khá ổn định. Nhiều lần anh ấy bảo tôi về làm cùng, thấy tiềm năng nên tôi đã quyết định lấn sang thêm mảng nông nghiệp. Tôi đem sổ đỏ của gia đình đi thế chấp tại ngân hàng, được hơn 1,5 tỉ đồng, để góp vốn làm ăn. Thời gian đầu, mọi việc diễn ra thuận lợi và ổn định nhưng sau hơn một năm chúng tôi bị cú lừa của bạn hàng ở nước ngoài, mất hơn 15 tỉ đồng, xem như trắng tay" - ông Huy hồi tưởng.

Từ cú lừa đó, số tiền mất quá lớn, áp lực tiền lãi vay ngân hàng không chịu nổi nên trong một thời gian dài, tinh thần ông bị suy sụp, đôi lúc tưởng chừng không gượng dậy nổi. Thế nhưng, nhận thấy bạn hàng trong nước vẫn còn nên ông Huy quyết định làm lại từ đầu, gần như bằng hai bàn tay trắng.

Vua rau sạch xứ sương mù - Ảnh 1.
Ông Võ Tiến Huy và sản phẩm nông nghiệp sạch của mình

Sau khi tìm được đối tác, đạt được thống nhất từ nhiều hộ dân về xây dựng mô hình thí điểm trồng cây ớt ngọt trên đất chuyển đổi từ diện tích trồng cây cà phê đã già cỗi, ông bắt tay triển khai mô hình. Bên đối tác tiêu thụ sản phẩm chịu trách nhiệm cử đội ngũ cán bộ kỹ thuật trực tiếp cầm tay chỉ việc cho nông dân thực hành quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, từ công đoạn đầu tiên (làm đất xuống giống) đến công đoạn cuối cùng (thu hoạch, đóng gói); lúc này, ông Huy chỉ cung cấp nguồn giống ớt ngọt chất lượng cao cho người trồng và thu mua sản phẩm.

"Kết quả là sau hơn 75 ngày canh tác, sản lượng thu hoạch lứa ớt ngọt kéo dài trong 4 tháng đầu tiên đạt khoảng 70% chất lượng theo yêu cầu kỹ thuật; thu hoạch 4 tháng tiếp theo, tỉ lệ này tăng lên từ 80% - 85%. Đến vụ mùa ớt ngọt năm sau đó, các bên đã chính thức ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ lâu dài với giá ổn định, bảo đảm đạt mức lợi nhuận khá cho người trồng" - ông Huy nhớ như in.

Có hợp đồng lâu dài với đối tác đến từ TP HCM, ông Huy tiếp tục xuống giống các loại rau, củ, quả để xuất bán. Nhiều nông dân khác biết đến xin ông cùng làm, vì vậy, tạo nên nhóm các hộ chuyên canh nông sản. Thế nhưng, ông Huy nghĩ việc sản xuất nhỏ lẻ sẽ khiến tư cách pháp nhân của người trồng không được cao nên đã chuẩn bị hồ sơ, xin thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tiến Huy do ông làm giám đốc, chuyên canh nông sản sạch với thương hiệu "Rau Đà Lạt".

Đến nay, HTX Nông nghiệp Tiến Huy có 11 thành viên. HTX còn liên kết sản xuất với 40 hộ dân, với tổng diện tích đất sản xuất trên 45 ha. Đối với những hộ dân liên kết với HTX, họ đều nhận được kế hoạch sản xuất cụ thể để bảo đảm nguồn cung cấp rau, củ, quả liên tục cho các bạn hàng đối tác. HTX Tiến Huy cũng đã xây dựng thành công mô hình phối kiểm theo chuỗi thực phẩm an toàn trong sản xuất, sơ chế; được cấp chứng nhận VietGAP.

Vua rau sạch xứ sương mù - Ảnh 2.
Sản phẩm của HTX Tiến Huy mang thương hiệu “Rau Đà Lạt” được tiêu thụ mạnh tại các siêu thị trên toàn quốc

Người tham gia liên kết luôn có lợi

Gần 7 năm trước, một đối tác thuộc hệ thống siêu thị tại TP HCM đến đặt vấn đề với cơ sở sản xuất rau an toàn Tiến Huy để hợp tác trồng rau trong nhà kính ổn định, lâu dài. Nhận thấy đây là cơ hội quảng bá "Rau Đà Lạt" không thể bỏ lỡ nên ông liền đồng ý; đi tìm gặp nhiều nông hộ khác triển khai xây dựng mô hình nông nghiệp điểm tại địa phương. Người nông dân có đất và công lao động, việc sản xuất được áp dụng quy trình công nghệ mới do đội ngũ cán bộ kỹ thuật thuộc hệ thống siêu thị từ TP HCM hướng dẫn, chuyển giao.

HTX Tiến Huy mở rộng hợp tác, liên kết, đến nay đã có hơn 20 hộ nông dân ở phường 3 (Đà Lạt); Hiệp An, Hiệp Thạnh (Đức Trọng); Đạ Ròn (Đơn Dương)… canh tác hơn 12 ha nhà kính và nhà lưới; không chỉ sản xuất ớt ngọt mà còn sản xuất nhiều loại giống rau, quả cao cấp khác: cà chua, bông cải xanh baby, dưa leo baby, đậu côve, xà lách các loại…

"Chúng tôi đang liên kết với người dân sản xuất theo hướng bảo hộ, nghĩa là xã viên HTX sẽ trực tiếp làm việc, hướng dẫn người nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Người trồng cũng phải cam kết thực hiện đúng quy trình chăm sóc cây trồng, quy định về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Các quy trình canh tác của HTX phải được kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt, bảo đảm sản phẩm sạch và tuyệt đối an toàn cho người tiêu dùng" - ông Huy tự tin.

Cũng theo ông Huy, nông sản của nông hộ liên kết được HTX thu mua theo giá thị trường thỏa thuận từ trước. Nếu giá thị trường sụt giảm 30% so với giá thỏa thuận thì người nông dân sẽ phải chịu giảm giá khoảng 10%.

Ngược lại, nếu giá thị trường cao hơn giá thỏa thuận từ trước 30%, HTX sẽ hỗ trợ giá thêm cho nông dân. Điều này nhằm bảo đảm những nông hộ tham gia chuỗi liên kết lúc nào cũng được lợi hơn là tự sản xuất đại trà… Từ đó, nông sản có giá cả ổn định, quyền lợi của người nông dân được bảo đảm, các nông hộ yên tâm sản xuất. Hiện nay, HTX Tiến Huy đã tìm ra thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định cho 80% nông sản của mình.

Các mặt hàng rau, củ, quả của HTX Tiến Huy đều được đóng gói cẩn thận dán tem đúng quy chuẩn trước khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

Ông Huy nhẩm tính: "Đến nay, mỗi ngày chúng tôi cung cấp hơn 10 tấn nông sản an toàn các loại cho hệ thống các siêu thị. Năm 2020, HTX này đã cung cấp ra thị trường 4.000 tấn rau, củ, quả các loại; đạt doanh thu 18 tỉ đồng, lợi nhuận hơn 6 tỉ đồng. Ngoài liên kết sản xuất với hộ nông dân, chúng tôi còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 100 người, mức lương từ 6-7 triệu đồng/tháng" - ông Huy tự hào. 

Ghi nhận đóng góp của ông Võ Tiến Huy, UBND huyện Đức Trọng cùng các ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng đã tặng rất nhiều bằng khen, giấy khen cho ông.

Liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam và Viện Thực phẩm Việt Nam tin cậy cấp chứng nhận "Vietnam Trust Food 2014" cho sản phẩm nông nghiệp của ông. Ông vừa được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là một trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021".

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất