, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 26/05/2023, 17:10

Vùng trồng - công nghệ - thị trường

HUỲNH SƠN PHƯỚC
Quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu thuận với tự nhiên, đạt chuẩn xuất khẩu, sản xuất theo tín hiệu thị trường là một hệ thống giải pháp tích cực nhằm giải quyết triệt để tình trạng “chặt - trồng, trồng - chặt”, đồng thời khai thác tối đa lợi thế thổ nhưỡng, khí hậu để nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập của người nông dân. Việc trồng trọt theo quy hoạch vùng chuyên canh là bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị.

Ngày 3/4/2023, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT đã nhận công hàm của GACC (Tổng cục Hải quan Trung Quốc) thông báo 70 vùng trồng và 13 cơ sở đóng gói khoai lang vừa được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Với sản lượng hàng năm từ 1,2 – 1,3 triệu tấn, các lô khoai lang xuất khẩu sang Trung Quốc phải có chứng thư kiểm dịch thực vật với đầy đủ thông tin mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu về kỹ thuật liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm và các đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm.

Đầu tháng 2/2023, hai vùng trồng nhãn của Công ty Thái Lâm (diện tích 11ha), địa chỉ ấp Phú Sơn, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc và HTX Dịch vụ Nông nghiệp Nhân Tâm (diện tích 29,2ha), địa chỉ ấp Phú Lâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc đã đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của Nhật Bản và được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu thị trường Nhật Bản. Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng diện tích sản xuất nhãn là 1.675ha, phân bố chủ yếu tại các huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ, TX Phú Mỹ và TP Vũng Tàu. Giống nhãn sản xuất chủ yếu là nhãn xuồng cơm vàng, nhãn edor... cây nhãn cho năng suất trung bình 13,4 tấn/ha, với sản lượng ước tính khoảng 20.398 tấn.

Nhãn là trái cây thứ 4 của Việt Nam được xuất khẩu dạng quả tươi vào Nhật Bản sau xoài, thanh long và vải thiều.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, tính đến cuối năm 2022, tổng diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đạt 76.650ha, hơn 3,2 ngàn ha (tăng khoảng 4,37%) so với cùng kỳ năm ngoái. Toàn tỉnh có gần 1.200ha cây trồng đạt chứng nhận GAP; 105 mã số vùng trồng trên diện tích gần 22.000ha với 6 loại cây trồng (chuối, mít, thanh long, xoài, chôm chôm, chanh) và 41 mã số cơ sở đóng gói. Tỉnh đã xây dựng được 151 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ; 17 dự án cánh đồng lớn được phê duyệt.

Không chỉ tăng về diện tích, sản lượng nhiều loại cây ăn trái chủ lực trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng tăng mạnh do nông dân ứng dụng giống mới, khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất. Tổng sản lượng bưởi trên địa bàn tỉnh đạt hơn 89,4 ngàn tấn, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng sản lượng chuối đạt hơn 192 ngàn tấn, tăng hơn 38% so với cùng kỳ; sản lượng sầu riêng đạt hơn 50,2 ngàn tấn...

Từ đầu năm đến nay Đồng Nai đã xuất khẩu trên 200 ngàn tấn chuối tươi. Dự kiến năm 2023, tỉnh xuất khẩu trên 500 ngàn tấn sang các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, trong đó chủ yếu là thị trường Trung Quốc. Đến nay, 95% diện tích chuối trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm; 100% diện tích chuối xuất khẩu được bao buồng.

Đồng Nai đang đứng đầu cả nước về diện tích trồng chuối, chiếm tỷ lệ 8,5% diện tích toàn quốc và 71% vùng Đông Nam bộ. Cây chuối ở Đồng Nai được thu hoạch quanh năm, tập trung vụ chính từ tháng 9 đến tháng 5 năm sau. Tổng sản lượng ước đạt khoảng 350 ngàn tấn, trong đó, tỷ lệ quả tươi tiêu thụ nội địa 15%, đưa vào chế biến 5%, xuất khẩu 80 – 85%.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Long An Nguyễn Thanh Truyền, quy hoạch vùng trồng là nhiệm vụ rất quan trọng của ngành vì vừa đảm bảo mục tiêu xây dựng vùng hàng hóa tập trung, vừa giúp cho công tác đầu tư đúng mục tiêu, tránh dàn trải. Trong thời gian qua, đối với từng cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh, Long An có quy hoạch đề án phát triển cụ thể như: Quy hoạch vùng lúa chất lượng cao 40.000ha khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh, Đề án phát triển cây chanh, thanh long, tôm nước lợ…

Tại Bến Lức, cây chanh được trồng tập trung tại các xã Thạnh Hòa, Lương Hòa, Bình Ðức, Thạnh Lợi... với tổng diện tích gần 3.000ha. Cây chanh giúp nông dân Bến Lức có thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/năm.

Trước mắt giai đoạn 2021 - 2025, Long An tiếp tục thực hiện Chương trình ứng dụng công nghệ cao đối với cây lúa, rau, thanh long, chanh, con bò thịt và con tôm nước lợ để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt yêu cầu xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khó tính và gắn với xây dựng thương hiệu.

Từ kết quả thực hiện quy hoạch, chúng tôi nhận thấy quan trọng nhất là phải thay đổi cho được nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân, vì điều đó sẽ giúp thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị.

Theo Ðề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2025 sẽ hình thành 5 vùng sản xuất nguyên liệu sản phẩm nông, lâm nghiệp quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các hợp tác xã nông nghiệp với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ; Ðề án này sẽ góp phần phát triển và nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trong chuỗi giá trị nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và giảm giá thành sản phẩm nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến và tiêu thụ. Ðề án được thực hiện trên địa bàn 46 huyện, thành phố của 13 tỉnh (Hòa Bình, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Ðắk Lắk, Ðắk Nông, Kon Tum, Ðồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang).

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất