, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 13/08/2022, 08:00

Vườn trái cây ĐBSCL: liên kết để tăng cơ hội phát triển

TÂN THÀNH
Để ngành hàng trái cây phát triển bền vững, việc liên kết các hộ dân lại để hình thành vùng sản xuất lớn là vấn đề cấp thiết...
Thu hoạch quýt đường ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

Lâu nay, ĐBSCL được xem là vùng trồng trái cây chủ lực của cả nước. Trái cây ở ĐBSCL có quanh năm với chất lượng tốt và đa dạng chủng loại. Tuy nhiên, do đầu ra không ổn định nên nhiều nông dân còn khó khăn…

Liên kết cho hiệu quả sản xuất cao hơn

Dẫn chúng tôi tham quan vườn bưởi xanh mát, ông Đào Văn Minh, tổ phó Tổ hợp tác sản xuất Bưởi da xanh Phú Thành (xã Qưới Sơn huyện Châu Thành - Bến Tre) cho biết: “Mấy ngày nay thương lái và doanh nghiệp tìm đến tận vườn thu mua bưởi da xanh với giá 30.000 - 40.000 đồng/kg (tùy loại). Giá này tuy không cao nhưng cũng đảm bảo cho nông dân có lời”. Bưởi da xanh là nguồn thu nhập chủ yếu của nhiều hộ dân ở Châu Thành. Theo ông Minh, từ năm 2006, được sự khuyến cáo của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương, ông và hàng chục hộ dân xung quanh đã đứng ra thành lập Tổ hợp tác sản xuất Bưởi da xanh Phú Thành để liên kết sản xuất trên qui mô lớn, có sự hỗ trợ kỹ thuật, vật tư cũng như tiêu thụ của doanh nghiệp và canh tác theo tiêu chuẩn GAP của ngành nông nghiệp. “Chính từ hướng làm ăn bài bản này mà 8 công bưởi da xanh của gia đình tôi luôn đạt chất lượng trái tốt và không lo đầu ra. Từ 2016 đến 2018, bưởi da xanh được giá 50.000 - 60.000 đồng/kg đã giúp gia đình tôi có nguồn thu gần 1 tỷ đồng/năm…”, ông Minh khoe. Cũng theo ông Minh, từ thành công của Tổ hợp tác, gần đây nhiều thành viên tiếp tục tham gia vào HTX Bưởi da xanh Quới Sơn cũng như HTX nông nghiệp tỉnh Bến Tre.

Các tỉnh ĐBSCL mở rộng diện tích cây ăn trái, trong đó có nhiều nông dân sản xuất tiêu chuẩn VietGAP.

Là doanh nghiệp nhiều năm gắn bó với trái bưởi da xanh vùng ĐBSCL, ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở kinh doanh trái cây Hương Miền Tây (Bến Tre), cho biết: “Để đảm bảo nguồn hàng quanh năm và nâng cao chất lượng trái cây, cơ sở chúng tôi đã đầu tư, hợp tác với hơn 30 HTX và tổ hợp tác sản xuất bưởi da xanh ở ĐBSCL, Đông Nam bộ... Qua đó, bình quân mỗi năm cơ sở thu mua hơn 15.000 tấn bưởi da xanh phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Cái lợi của việc hợp tác là doanh nghiệp có sản lượng ổn định để chủ động ký hợp đồng xuất khẩu, còn nông dân có nơi tiêu thụ thường xuyên không sợ ế hay bị ép giá… Nhiều HTX và tổ hợp tác khi sản xuất bưởi da xanh theo “đơn đặt hàng” đạt năng suất từ 12 - 15 tấn/ha, đảm bảo thu nhập từ 400 - 450 triệu đồng/ha/năm trở lên”. Cũng theo ông Hưng, cơ sở Hương Miền Tây vừa ký bao tiêu thêm khoảng 600 hecta bưởi da xanh ở Bến Tre sản xuất theo hướng GAP, có truy xuất nguồn gốc, cấp mã vùng…

Tại Cần Thơ, theo ông Nguyễn Văn Triều, phó giám đốc HTX nông nghiệp Ðồng Tâm (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ): “Nhiều xã viên của HTX có thu nhập khá tốt nhờ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nhãn Idol. Hiện nay, HTX có 56 xã viên với 120 hecta nhãn, trong đó có 24 hecta trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Những xã viên có diện tích trồng nhãn lên đến vài hecta thì thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm là không khó”.

Nông dân tỉnh Tiền Giang thu hoạch mít Thái.

Theo Sở NN&PTNT Cần Thơ, thành phố hiện có hơn 23.500 hecta cây ăn trái, với sản lượng hơn 168.250 tấn/năm. Nhiều vườn cây giúp nông dân đạt được mức lợi nhuận từ 200 - 800 triệu đồng/ha/năm, thậm chí cao hơn. Các loại cây ăn trái được trồng ở TP Cần Thơ khá đa dạng về chủng loại, trong đó có nhiều cây ăn trái ngon, đặc sản như sầu riêng, vú sữa, nhãn, cam, bưởi, dâu Hạ Châu... mang lại giá trị kinh tế cao. TP Cần Thơ đã hình thành được nhiều vùng cây ăn trái tập trung chuyên canh như vùng trồng sầu riêng, vú sữa và dâu Hạ Châu tại huyện Phong Ðiền; vùng nhãn tại quận Ô Môn và huyện Thới Lai; vùng xoài ở huyện Cờ Ðỏ... Đồng thời với đó là xây dựng nhãn hiệu tập thể cho nhiều loại cây ăn trái như cam xoàn và nhãn Idol ở phường Thới An, quận Ô Môn; dâu Hạ Châu ở xã Nhơn Ái huyện Phong Ðiền; sầu riêng xã Tân Thới và vú sữa Trường Khương A (thuộc xã Trường Long huyện Phong Ðiền)... Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm gắn với tiêu thụ và phát triển du lịch sinh thái.

Tăng cường liên kết, mở rộng thị trường

Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ, cho biết: “Ngành nông nghiệp đang định hướng và hỗ trợ nông dân phát triển các vùng cây ăn trái chuyên canh có giá trị kinh tế cao; chú trọng mở rộng diện tích vườn cây đặc sản như sầu riêng, vú sữa, nhãn, xoài cát Hòa Lộc; tăng cường liên kết, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu cho trái cây và đẩy mạnh chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Đáng mừng là thời gian qua nhiều loại trái cây của TP Cần Thơ như sầu riêng, vú sữa... đã xuất khẩu thành công vào các thị trường khó tính, đặc biệt là châu Âu…”.

Nông dân tỉnh Tiền Giang thu hoạch mít Thái.

Mặt được là vậy, nhưng nhìn chung, tình hình sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu trái cây ở ĐBSCL còn nhiều khó khăn như giá vật tư cao đẩy chi phí sản xuất tăng, trong khi giá bán lên xuống thất thường; việc phát triển các vùng chuyên canh lớn còn chậm, số lượng doanh nghiệp bao tiêu trái cây chưa nhiều, việc hình thành các HTX trái cây cũng chưa như mong muốn; đầu ra của một số loại trái cây còn phụ thuộc thị trường Trung Quốc, trong khi thị trường này gần đây giảm “ăn hàng” khiến kim ngạch xuất khẩu trái cây bị ảnh hưởng.

Sản xuất bưởi da xanh VietGAP ở Tổ hợp tác Phú Thành (xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre).

Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, lưu ý: “Thị trường Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều về yêu cầu chất lượng sản phẩm khi họ kiểm tra nghiêm ngặt tiêu chuẩn sản phẩm. Do đó, chúng ta cần kịp thời thông tin đến nông dân, HTX biết và có sự phối hợp tốt từ các bộ ngành trung ương, địa phương cũng như các bên liên quan trong chuỗi ngành hàng trái cây nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng khả năng tiêu thụ cả nội địa lẫn xuất khẩu…” Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), năng lực chế biến trái cây ở nước ta còn hạn chế, chủ yếu chỉ bán và xuất khẩu trái tươi; do đó, nếu gặp khó khăn về xuất khẩu sẽ lập tức ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ trái cây của nông dân. Về lâu dài, cần phát triển mạnh ngành chế biến và tổ chức lại sản xuất theo hướng đẩy mạnh liên kết trên quy mô lớn, tăng chất lượng, giảm chi phí và mở rộng thị trường tiêu thụ...”.

Sản xuất bưởi da xanh VietGAP ở Tổ hợp tác Phú Thành (xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre).

Năm 2010, diện tích cây ăn trái của ĐBSCL là 287.300 hecta, đến năm 2020 là 377.700 hecta. Các cây trồng chủ lực như thanh long, sầu riêng, khóm, xoài, bưởi, chuối, chôm chôm, mít Thái, chanh, cam đều tăng diện tích qua từng năm; trong đó, các cây trồng chủ lực của vùng Nam bộ như sầu riêng, xoài, chôm chôm, nhãn, bưởi, cam, mít, bơ, chuối, chanh… được nông dân đẩy mạnh đầu tư, hình thành một số vùng sản xuất tập trung như thanh long ở Long An, Tiền Giang, Đồng Nai; xoài ở Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Nai; sầu riêng ở Tiền Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Phước và Tây Ninh; nhãn ở Vĩnh Long, Đồng Tháp Tây Ninh và TP Cần Thơ; bưởi da xanh ở Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long và Đồng Nai; quýt ở Đồng Tháp; cam ở Vĩnh Long và Hậu Giang; khóm ở Tiền Giang và Kiên Giang; chôm chôm ở Đồng Nai, Bến Tre và Vĩnh Long; mít Thái ở Tiền Giang, Hậu Giang và Đồng Nai; chanh ở Long An…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất