, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 15/05/2022, 06:02

Vườn trên sân thượng ở các siêu đô thị

PHƯƠNG MINH
Ahsan Rony, người sáng lập tổ chức Green Savers cho biết: “Chúng tôi không có không gian để trồng cây, nhưng chúng tôi có 500.000 mái nhà có khả năng chịu tải trọng của một khu vườn trên sân thượng”. Và từ đó, ý tưởng phủ xanh các siêu đô thị bằng những khu vườn trên sân thượng ra đời.
Tổ chức Schaduf có trụ sở tại Cairo giúp người dân thành phố trồng rau xanh ở các khu vườn thủy canh trên sân thượng.

Ô nhiễm không khí ở các siêu đô thị

Khu vực dành cho cây xanh ở Cairo - thủ đô Ai Cập - chỉ chiếm 4% tổng diện tích xây dựng đô thị. Vậy nhưng nhiều dự án mới đang tiếp tục mọc lên và góp phần phá hủy nhanh chóng các mảng xanh vốn đã thưa thớt của thành phố này. Ở các siêu đô thị khác như Dhaka (thủ đô Bangladesh), việc thiếu không gian xanh cũng phổ biến và khiến ô nhiễm không khí gia tăng, nhiệt độ ngày càng cao, làm tăng bức xạ tia cực tím. Môi trường ô nhiễm ở các siêu đô thị trở nên nguy hiểm đối với sức khỏe cư dân. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ô nhiễm không khí ngoài trời giết chết 4,2 triệu người mỗi năm. Con số này tập trung chủ yếu ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Ở các quốc gia có mật độ đô thị dày đặc, ô nhiễm không khí ngoài trời còn nguy hiểm hơn. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng ở Cairo, có 19% trường hợp tử vong (khoảng 20.000 ca mỗi năm) do tiếp xúc lâu dài với hai chất ô nhiễm không khí phổ biến là nitơ dioxit và chất hạt mịn (PM2.5).

Mặc dù môi trường tự nhiên có những vai trò nhất định nhưng việc quy hoạch và các chính sách phát triển đô thị mới là điều kiện quan trọng ảnh hưởng đến môi trường sống. Như Cairo, vốn là một sa mạc, điều kiện tự nhiên ít thuận lợi để phát triển mảng xanh nhưng chính tình trạng đô thị hóa nhanh chóng mới là yếu tố khiến những mảng xanh quý giá ở thành phố này mất đi nhanh chóng.

Các bác sĩ thực vật của Green Savers bảo vệ và chăm sóc các khu vườn trên sân thượng ở Dhaka, Bangladesh.

Những mái nhà xanh

Nhiều tổ chức hoạt động vì môi trường đô thị đã xây dựng các dự án phủ xanh các thành phố ở Ai Cập và Bangladesh. Urban Greens và Schaduf ở Cairo, Green Savers ở Dhaka đã cam kết phủ xanh các thành phố này bằng mô hình “Những khu vườn trên sân thượng”. Schaduf là một doanh nghiệp xã hội, khởi đầu bằng cách cung cấp các khoản vay nhỏ để làm vườn cho những người Ai Cập có thu nhập thấp. Sau đó, họ mở rộng sang việc tạo các không gian xanh trên những nóc nhà khắp cả nước. Hiện nay, Schaduf trở thành một trong những công ty đi đầu trong việc thiết kế và thực hiện các không gian xanh cho đô thị như bức tường xanh, những khu vườn trên mái nhà…

Năm 2019, Bộ Môi trường Ai Cập đã phát động Chiến dịch Mái nhà xanh trên toàn quốc nhằm khuyến khích việc trồng cây trên mái các tòa nhà như một phần phát triển bền vững đô thị và thúc đẩy nông nghiệp bền vững. Chiến dịch đã thu hút sự quan tâm của người dân và các nhóm thanh niên hoạt động vì cộng đồng bền vững ở Ai Cập. Nhiệm vụ của các nhóm hoạt động là cung cấp tất cả các thiết bị cần lắp đặt, kết nối với người dân và truyền đi thông điệp, ý nghĩa của chiến dịch. Chính phủ sẽ hỗ trợ về chi phí cho chiến dịch này. Làm vườn trên sân thượng không chỉ là cách sử dụng thông minh các không gian hạn chế mà còn là mô hình có tác động tích cực đến môi trường, góp phần giảm ô nhiễm không khí và điều hòa nhiệt độ cho thành phố. Đây cũng là một trong những giải pháp chính yếu xây dựng đô thị xanh, nhằm nâng cao chất lượng sống thông qua các hoạt động thay đổi môi trường và xã hội.

Khi tầng thượng được phủ xanh, những khu vườn đã che nắng cho các căn hộ bên dưới, tránh được nóng bức. Đặc biệt là ở các tòa nhà thiếu lớp cách nhiệt tại các khu định cư không chính thức, những khu vườn này giúp giảm hấp thụ nhiệt và làm cho thành phố mát mẻ hơn.

Khi thành phố trở nên mát mẻ, lượng ozon ở mặt đất ít đi, mức độ ô nhiễm không khí cũng giảm. Các nghiên cứu chỉ ra rằng thực vật có thể loại bỏ ozon, bụi mịn và các khí độc hại khỏi không khí.

Ước tính có khoảng 60% dân số  của Cairo (tương đương 12 triệu người) sống ở các khu vực không chính thức với nhiều khu nhà cao tầng san sát nhau đến mức không đủ cho hai làn xe chạy. Hầu hết các tòa nhà này không được cấp phép từ Chính phủ, nên cư dân ở đây không được hưởng các chính sách cư trú của thành phố.

Urban Greens hợp tác với các trường học ở Cairo để dạy làm vườn người trẻ.

Từng bước phủ xanh thành phố

Kể từ khi thành lập vào năm 2010, Green Savers đã hoàn thiện hơn 5.000 khu vườn trên sân thượng của những ngôi nhà ở Bangladesh, hầu hết tập trung ở Dhata, một trong những thành phố đông dân nhất thế giới. Dần dần, mô hình được mở rộng đến các thành phố khác như Cox’s Bazar và Sylhet. Green Savers cũng đã góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Bangladesh khi tiến hành thuê và đào tạo những người trẻ tuổi trở thành các “kỹ sư nông nghiệp” cho những khu vườn trên sân thượng.

Cũng là một tổ chức hoạt động về mảng xanh đô thị, được thành lập vào năm 2018, Urban Greens đã hợp tác với nhiều nhà tài trợ để cung cấp miễn phí vật tư cho các khu vườn thủy canh ở những gia đình có thu nhập thấp và cung cấp vật tư giá rẻ cho các gia đình có điều kiện. Hiện tại, Urban Greens đang khởi động các dự án mới ở Thượng Ai Cập. “Mạng lưới cây xanh đô thị” là trang web do Urban Greens vận hành với hy vọng truyền cảm hứng làm vườn cho nhiều cư dân thành phố ở Ai Cập. “Chúng tôi muốn tạo ra một mạng lưới các học viên để chia sẻ kiến thức, thông tin và truyền thông điệp của tổ chức đến nhiều người”, vị giám đốc kinh doanh và là đồng sáng lập Urban Greensl cho biết.

Những khu vườn trên sân thượng có thể cải thiện chất lượng không khí, giảm nhiệt độ và tạo thu nhập cho người dân.

Thách thức lớn nhất đối với các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này là thuyết phục nhà tài trợ và cư dân địa phương về giá trị của các khu vườn trên sân thượng. Không chỉ mang lại lợi ích về môi trường, vườn trên sân thượng còn có thể cung cấp thực phẩm và thu nhập cho các gia đình. Thông qua hội thảo cộng đồng và các chương trình trường học, họ đã từng bước thay đổi nhận thức và tạo thêm niềm tin cho cộng đồng về mô hình canh tác trên sân thượng. Nhiều học sinh sau khi biết về mô hình đã thuyết phục ba mẹ họ nghiên cứu và cùng tham gia trồng vườn trên các mái nhà.

Khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng, các siêu đô thị như Cairo hay Dhata càng cần thêm những mô hình phủ xanh hiệu quả. Những “mái nhà xanh” có thể không giải quyết được hoàn toàn các vấn đề của thành phố nhưng đã mang lại nhiều lợi ích cho đời sống của cộng đồng và là nền tảng, động lực cho những mô hình phủ xanh đô thị khác được đưa vào thực tế.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất