, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 04/11/2022, 08:18

Vướng quy định, nông dân TP.HCM không thể sơ chế rau củ tại chỗ

NGUYỄN CẨM
(phunuonline.com.vn)
Việc không được phép xây dựng trên đất nông nghiệp khiến nông dân TP.HCM không có nơi sơ chế rau củ tại chỗ.
Một HTX rau củ tại huyện Củ Chi dựng lán tạm để sơ chế rau tại ruộng - Ảnh: Đ.T

Thực trạng này được khá nhiều hợp tác xã nông nghiệp tại TP.HCM nêu ra tại buổi “Gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp) TPHCM tổ chức ngày 3/11.

Ông Lâm Ngọc Tấn - Giám đốc hợp tác xã (HTX) Tuấn Ngọc (TP.Thủ Đức) - cho biết HTX đang trồng 10.000m2 rau thủy canh, sử dụng công nghệ để đạt năng suất cao trên diện tích canh tác nhỏ. Vì nhu cầu thị trường cao, HTX muốn mở rộng thêm diện tích canh tác nhưng lại không thể vì quy định không được phép xây dựng trên đất nông nghiệp.

Theo các HTX tại TP.HCM, muốn nâng giá trị nông sản, cần phải có các công trình phụ trợ như nhà sơ chế, đóng gói cạnh vùng sản xuất, thế nhưng việc xin phép xây dựng các công trình này hiện rất khó khăn.

Ông Tống Đức Tiến - Trưởng phòng cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng TP.HCM - cho biết, hiện nay TP mới thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất trên đất nông nghiệp tại huyện Cần Giờ, Nhà Bè và Củ Chi. Đồng thời có kế hoạch mở rộng thêm đến huyện Bình Chánh cũng như kéo dài thời gian thí điểm đến năm 2025. Các quận, huyện có đất nông nghiệp muốn phát triển loại hình nào phải phù hợp với quy hoạch. Mỗi địa phương có đặc thù sản xuất nông nghiệp khác nhau, TP khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị, TP. Thủ Đức sẽ khảo sát, xem xét lại quy hoạch, loại hình phát triển làm sao phù hợp quy hoạch và tư vấn từng trường hợp cụ thể.

“Hiện, các quận, huyện và TP. Thủ Đức còn nhiều đất nông nghiệp nhưng lại vướng quy hoạch công trình công cộng hay công viên cây xanh... khiến việc canh tác, sản xuất nông nghiệp của người dân gặp khó khăn”, ông Tiến nhìn nhận.

Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - cho hay ngành nông nghiệp sẽ phối hợp cùng các quận, huyện và TP. Thủ Đức đưa ra kế hoạch chuyển đổi một phần đất nông nghiệp sang đất nông nghiệp khác (được phép xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp như kho chứa vật tư, nhà sơ chế…).

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp đánh giá, trong tất cả các lĩnh vực đầu tư tại TP.HCM, nông nghiệp cần đầu tư nhiều nhưng lại chịu nhiều rủi ro. Giá trị sản xuất và hiệu quả canh tác trên địa bàn TP rất thấp. Chưa kể, quỹ đất nông nghiệp của TP ngày càng bị thu hẹp và không ổn định về lâu dài là thách thức lớn cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp.

Theo dự kiến, từ năm 2021 - 2030 TP sẽ mất 1.500ha đất nông nghiệp/năm, năm 2030 còn khoảng 50.000ha. TP cần phải áp dụng công nghệ vào sản xuất để phát triển nông nghiệp đô thị như một số nước đang làm, chẳng hạn mô hình canh tác theo hướng đứng (trồng rau theo trục đứng thay vì trục ngang) của Dubai tiết kiệm tới 95% lượng nước tưới và không cần ánh sáng mặt trời, chỉ cần ánh sáng nhân tạo. Với diện tích canh tác chỉ 3ha nhưng mỗi năm cung cấp được hàng ngàn tấn rau. Hay, mô hình chăn nuôi của Trung Quốc cung cấp 600.000 con heo/năm - gấp 4 lần so với sản lượng chăn nuôi heo tại TP.HCM.

“Nếu áp dụng công nghệ cao vào sản xuất thì diện tích canh tác ít không phải là trở ngại. TP.HCM đi đầu về công nghệ, vốn đầu tư, tại sao không làm những mô hình như vậy? Quỹ đất 50.000ha vẫn đủ để TP phát triển ngành nông nghiệp đô thị. Các Sở, ngành cần phối hợp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để giúp ngành nông nghiệp đô thị TP.HCM phát triển. Sở đề xuất UBND TP có chính sách mới cho người dân TP đầu tư, phát triển nông nghiệp TP”, lãnh đạo Sở Nông nghiệp nhấn mạnh.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất