, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 18/01/2022, 13:25

Vượt qua đại dịch - Hiệu quả từ chuyển đổi số

HẠNH NHUNG - THANH HẢI
(sggp.org.vn)
Đại dịch Covid-19 lần thứ 4 kéo dài nhiều tháng khiến TPHCM thực hiện giãn cách nghiêm ngặt, nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thế nhưng, trong bối cảnh vật lộn với khó khăn đã xuất hiện những ý tưởng mới, dẫn đến thay đổi công nghệ, áp dụng cách thức quản trị thích hợp, đem lại thành công cho nhiều doanh nghiệp.

Liên quan đến tiền, nhất là số tiền lớn, lâu nay theo truyền thống giao dịch trực tiếp phải là “chữ ký sống”, tức là có mặt tại quầy giao dịch, nhưng trong đại dịch, cứ ngồi nhà, mọi việc đã có… công nghệ.

Vượt qua đại dịch - Bài 1: Hiệu quả từ chuyển đổi số ảnh 1
Nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán tìm kiếm cơ hội trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bạc tỷ “lướt” qua điện thoại

Những ngày cuối tháng 6-2021, TPHCM bị đại dịch bủa vây, nhưng chẳng lẽ cứ ngồi nhà bó gối trông chờ đại dịch sẽ qua, trong khi nhu cầu học hành của con cái, khám chữa bệnh, chi tiêu, chăm sóc gia đình… không thể nào hoãn mãi. Từ suy nghĩ đó, anh Nguyễn Lương gọi điện cho bạn bè khắp nơi để tìm kiếm cơ hội đầu tư. “Chỉ có chứng khoán thôi. Vì ngồi nhà có thể mở tài khoản, chuyển tiền, rút tiền mà không cần phải đi đâu”, một người bạn rủ rê.

Câu hỏi lấn cấn trong đầu anh Lương là lâu nay việc mở tài khoản, chuyển tiền đều phải đến công ty chứng khoán để thực hiện. Nhưng rồi, nhân viên môi giới của Công ty CP chứng khoán Đại Việt đã giải đáp toàn bộ thắc mắc đó. Đầu tiên, anh Lương chụp giấy chứng minh nhân dân 2 mặt gửi cho nhân viên môi giới, sau đó anh được cấp số tài khoản và mật mã, yêu cầu tải app về máy điện thoại thông minh. Tiếp theo, nhập tài khoản, thực hiện định danh khách hàng trực tuyến (eKYC).

“Bước cuối cùng là tự đổi lại mật khẩu, sau đó chuyển tiền online bằng điện thoại vào tài khoản là giao dịch được. Bảo mật cho anh tuyệt đối”, cô nhân viên môi giới khẳng định chắc nịch. Thế là, từ cuối tháng 6 đến nay, có những lúc anh Lương chuyển vào tài khoản vài chục tỷ đồng, hoặc rút ra cũng vậy, thực hiện hàng trăm lệnh mua - bán chứng khoán. Tất cả đều qua điện thoại.

Lãnh đạo Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt cho biết, giải pháp định danh khách hàng trực tuyến (eKYC) chính là cuộc cách mạng trong lĩnh vực chứng khoán. Ưu điểm lớn nhất của công nghệ này là toàn bộ quá trình đăng ký trực tuyến diễn ra chỉ trong ít phút với vài thao tác đơn giản. Nhà đầu tư có tài khoản chứng khoán giao dịch ngay tại nhà mà không phải di chuyển, ở đâu có internet đều làm được. Nhờ nền tảng này mà tài khoản cá nhân mở mới trên thị trường chứng khoán tăng vọt. 

Thống kê của năm 2021, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm (từ 2017-2020), đạt 1,04 triệu tài khoản. Sự tăng mạnh của các tài khoản cá nhân đã đem đến sự thăng hoa cho thị trường chứng khoán.

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết, tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán trong 11 tháng đầu năm 2021 đạt 444.941 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; huy động vốn cho ngân sách nhà nước thông qua đấu thầu trái phiếu Chính phủ tăng 1,3% với giá trị đạt 301.017 tỷ đồng.

Triển lãm ảo ở trời Tây

Trong giỏ tiền thu về từ xuất khẩu năm rồi, riêng mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đạt tới 14,8 tỷ USD. Đó là thành quả đáng khích lệ cho Hội Mỹ nghệ - Chế biến gỗ TPHCM (HAWA). Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HAWA, tâm sự, 2 năm dịch bùng phát khiến nhiều quốc gia thực hiện lệnh phong tỏa biên giới, hạn chế đi lại và tạm ngưng các hoạt động không thiết yếu. Các hoạt động triển lãm, hội chợ truyền thống phải hủy bỏ khiến nhà sản xuất lẫn khách hàng toàn cầu bị hạn chế tiếp cận. Trong lúc bế tắc, một doanh nghiệp thành viên HAWA lóe lên ý tưởng xây dựng nền tảng triển lãm trực tuyến để ngành gỗ có cơ hội tiếp cận khách.

Vượt qua đại dịch - Bài 1: Hiệu quả từ chuyển đổi số ảnh 2
Sản xuất gỗ thương phẩm tại Công ty CP chế biến gỗ Thuận An

Triển khai vào công việc, HAWA đã thuê rất nhiều công ty chuyên về công nghệ thực hiện. HOPE ra đời, là triển lãm trực tuyến gồm có showroom, nhà xưởng, mô hình sản phẩm 3D mang lại sự trải nghiệm không gian trực quan, sống động; ứng dụng các nền tảng công nghệ vào thương mại điện tử, tiếp thị số, tổ chức sự kiện, hội thảo… Đặc biệt, hoạt động triển lãm có sự tham gia của robot. Robot thay mặt con người, “tung hoành” trong không gian ảo, tương tác 24/24. Thông qua robot, khách hàng sẽ tìm kiếm nhà cung cấp, sản phẩm để kết nối trực tiếp, hoặc quan sát tổng thể lẫn chi tiết gian hàng mọi lúc mọi nơi, đặt các câu hỏi cụ thể cho nhà sản xuất. Vì thị trường gỗ chủ yếu là Mỹ và châu Âu, nên nhờ triển lãm trực tuyến, khách hàng có thể vào xem bất cứ lúc nào, cũng như không bị trở ngại bởi chênh lệch múi giờ. 

Để HOPE được nhiều doanh nghiệp trên thế giới biết đến, HAWA thường xuyên tổ chức hội nghị kết nối với các tham tán thương mại, tạp chí nước ngoài,  xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Nhờ vậy, trong 2 năm đại dịch, HAWA tổ chức thành công nhiều hội chợ trực tuyến.

“Sản phẩm từ gỗ phải tiếp xúc trực tiếp mới nắm bắt được đầy đủ chất lượng cũng như nghệ thuật. HOPE đã thỏa mãn được điều đó, rất tinh xảo, đúng như thật”, ông Nguyễn Chánh Phương nhận xét. Tất nhiên, sự thành công của ngành gỗ phải đến từ các công ty sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt chống dịch, thực hiện “3 tại chỗ” nên đảm bảo đơn đặt hàng. Nhờ vậy, trong 2 năm 2020 và 2021, ngành gỗ xuất khẩu phát triển mạnh, tăng trưởng nhanh.

Xây dựng nhà máy để “giữ” vùng nguyên liệu

Nhờ hợp tác chặt chẽ với nông dân nên nhiều năm qua Phúc Sinh Group đã hình thành chuỗi liên kết vùng nguyên liệu cà phê, tiêu ở miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên. Khi dịch bùng lên, nhằm tránh chuỗi cung ứng bị đứt gãy, công ty buộc phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy chế biến tại vùng nguyên liệu. Nếu như không có cơ sở chế biến, công ty sẽ có nguy cơ mất vùng nguyên liệu đã liên kết trước đó. 

Công ty TNHH xuất khẩu trái cây Chánh Thu có vùng nguyên liệu là sầu riêng và bơ ở Tây Nguyên. Lâu nay, công ty chỉ vận hành bằng cách thuê phương tiện chở trái cây về nhà máy ở miền Tây để chế biến. Tuy nhiên, do chi phí vận chuyển quá cao, đặc biệt tránh đứt gãy nguồn cung, công ty đã đi đến quyết định xây dựng nhà máy chế biến tại Đắk Lắk để giữ vùng nguyên liệu…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất