, //, :: GTM+7

Xã 135 Yên Lâm với nỗ lực xây dựng Nông thôn mới

VŨ QUANG
(TTXVN)
Yên Lâm là xã 135 còn nhiều khó khăn của huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang với tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng kém đồng bộ, xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới thấp… Xã có hơn 1.200 hộ dân với hơn 5.200 nhân khẩu, trong đó người dân tộc thiểu số như Mông, Dao… chiếm trên 72% dân số.
Chú thích ảnh
Đường bê tông thôn Ngòi Sen, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang).

Chia sẻ về những khó khăn trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương, ông Vũ Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã Yên Lâm cho biết: Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã còn ở mức cao, với 35,6 % hộ nghèo và 16,6 % hộ cận nghèo. Phần lớn các hộ dân trên địa bàn xã là người dân tộc thiểu số, mức sinh cao, trung bình từ 5 - 6 khẩu/hộ (đặc biệt là dân tộc Mông) dẫn đến thiếu đất ở, đất sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo giảm chậm. Một số hộ nghèo còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, do địa hình, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, tình hình an ninh trật tự còn phức tạp… nên quá trình xây dựng nông thôn mới ở Yên Lâm gặp nhiều khó khăn hơn các địa phương khác. Các tiêu chí chưa đạt của xã Yên Lâm hiện nay đều là những tiêu chí khó: Thu nhập; giao thông; nhà ở; giảm nghèo; môi trường…

Chủ tịch UBND xã Yên Lâm cho biết: Chính quyền địa phương luôn trăn trở tìm các giải pháp phù hợp nhất để thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, xã đặc biệt coi trọng tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ vai trò, lợi ích trong xây dựng nông thôn mới; vận dụng, lồng ghép sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ để thực hiện xây dựng nông thôn mới… Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, sự đoàn kết, nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Yên Lâm đã đạt được kết quả tích cực. Diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, đời sống người dân từng bước được cải thiện.

Tại thôn Ngòi Sen, xã Yên Lâm, bà Nguyễn Thùy Linh, Trưởng thôn cho biết: Những năm qua, thôn luôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, cùng chung sức, đóng góp xây dựng nông thôn mới. Không chỉ tuyên truyền qua các cuộc họp thôn, thôn còn lồng ghép tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới trong các buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ… Nhờ đó, người dân trong thôn đã hiểu được lợi ích, vai trò của mình trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, là việc thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn, người dân không chỉ đóng góp ngày công lao động, mà  11 hộ dân còn tự nguyện hiến trên 300m2 đất để làm tuyến đường liên thôn.

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự đóng góp của nhân dân đến nay tuyến đường liên thôn ở Ngòi Sen đã được bê tông hóa, giúp việc đi lại vận chuyển hàng hóa của người dân được thuận lợi. Có đường bê tông khang trang, người dân trong thôn đã có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ngòi Sen có 149 hộ dân, trong đó trên 80% là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Mông. Thôn hiện còn 66 hộ nghèo, giảm 13 hộ so với năm 2021.

Trưởng thôn Ngòi Sen cho biết thêm: Trước đây, vì sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin và bị dụ dỗ, lôi kéo nên người Mông ở thôn Ngòi Sen đã từng nghe, tin theo lời kẻ xấu bỏ bê đồng ruộng, nhà cửa, không chịu làm ăn… khiến cuộc sống bị xáo trộn đã khó khăn càng thêm khó khăn hơn. Nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của các cấp ủy, chính quyền địa phương, cuộc sống người Mông nói riêng và người dân thôn Ngòi Sen nói chung đã bước sang trang mới với những đổi thay rõ rệt. Ở thôn, ngày càng nhiều ngôi nhà vững chãi mọc lên, đường sá đi lại thuận tiện, bà con được sử dụng điện lưới, nước sạch… Mọi người đoàn kết chung sức xây dựng nông thôn mới, an ninh trật tự trong thôn được đảm bảo.

Là hộ dân tự nguyện hiến đất để làm đường, bà Hà Thị Loan, dân tộc Tày, thôn Ngòi Sen chia sẻ, khi Nhà nước hỗ trợ làm đường bê tông, được cán bộ thôn vận động và hiểu được tầm quan trọng của tuyến đường trong việc đi lại, phát triển kinh tế nên gia đình bà đã tự nguyện hiến trên 100m2 đất vườn. Trước đây, đường vào thôn là đường đất rất nhỏ, hẹp, khi trời mưa thì trơn trượt, trời nắng thì bụi, khiến cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng từ ngày có đường bê tông, hàng hóa của người dân trong thôn đã có thương lái vào tận nơi thu mua, rất thuận tiện.

Vừa thoát khỏi diện hộ nghèo, ông Đào Văn Sính, dân tộc Mông cho biết, từ khi từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, gia đình ông đã tập trung lao động sản xuất để mong đủ ăn đủ mặc, không bị cái nghèo đeo bám. Hiện nay, gia đình ông đang chăm sóc 300 cây cam, gần 1ha ngô và nuôi 1 con bò sinh sản. Có đường giao thông thuận tiện, nên những lúc nông nhàn ông Sính còn đến thôn khác để làm thuê tăng thêm thu nhập cho gia đình. Năm 2022, nhờ trồng trọt và chăn nuôi gia đình ông đã thu về được trên 50 triệu đồng; mua thêm nhiều vật dụng phục vụ sinh hoạt.

Cùng với giao thông, cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang hơn, tư duy sản xuất của người dân ở Yên Lâm đã có nhiều thay đổi. Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Yên Lâm là một trong những đơn vị đi đầu của xã trong việc thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Chị Nguyễn Thị Tĩnh, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ: Trước kia, đầu ra của quả cam phụ thuộc rất nhiều vào thương lái, những quả cam to đạt chuẩn được bán ra thị trường, nhưng còn cam loại 2 loại 3 thì chỉ bán với giá rất rẻ, chỉ khoảng 2 nghìn đồng/1kg. Cảm thấy tiếc công sức của bà con nên năm 2021, chị đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Yên Lâm với 16 thành viên tham gia, đầu tư chế biến cam sấy khô. Từ năm 2022 đến nay, Hợp tác xã đã cung ứng ra thị trường hơn 2 tấn cam sấy khô với giá bán 150-200 nghìn đồng/kg và được người tiêu dùng đón nhận. Thị trường tiêu thụ của sản phẩm này chủ yếu tại các địa phương: Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh… Tham gia Hợp tác xã, bà con có thêm nguồn thu nhập ổn định từ bán cam sấy khô, áp lực tiêu thụ cam tươi vào cao điểm thu hoạch cũng được giảm bớt.

Chú thích ảnh
Những ngôi nhà mới khang trang ở xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang).

Dù đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, cuộc sống của người dân đã có nhiều khởi sắc, song việc xây dựng nông thôn mới ở Yên Lâm còn rất nhiều khó khăn. Do xuất phát điểm thấp, nên dù có nhiều nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới nhưng đến hết năm 2022, xã Yên Lâm mới chỉ hoàn thành 11/19 tiêu chí.

Theo ông Thịnh, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về chương trình xây dựng nông thôn mới; phát động phong trào “Hiến đất và tài sản trên đất trong giải phóng mặt bằng” phục vụ thi công các công trình xây dựng, với phương châm cán bộ, đảng viên gương mẫu làm trước, vận động nhân dân làm theo; vận động người dân tập trung phát triển những cây trồng, vật nuôi có lợi thế theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, xã tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về công tác giảm nghèo, có ý thức tự lực, tự cường trong phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, tạo thêm nguồn lực xây dựng nông thôn mới tại địa phương…

Bên cạnh việc duy trì và giữ ổn định các tiêu chí đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới, xã phấn đấu đến hết năm 2023 hoàn thành thêm 3 tiêu chí về thu nhập, giao thông, quốc phòng - an ninh và về đích nông thôn mới vào cuối năm 2024.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất