, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 15/04/2021, 08:55

Xanh tươi Thái Bình Trung

VŨ THÙY AN
Trên đường đưa tôi đến xã Thái Bình Trung (huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An),chị Lê Thị Lệ đã "bật mí" rằng đây là xã có số hộ dân làm hàng rào cây xanh nhiều nhất

Trên đường đưa tôi đến xã Thái Bình Trung (huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An), chị Lê Thị Lệ - chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện - đã “bật mí” rằng đây là xã có số hộ dân làm hàng rào cây xanh nhiều nhất, và cũng là một trong số ít xã có cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp nhất huyện. Nhưng trả lời cho câu hỏi “Vì sao?” của tôi thì chị Lệ chỉ cười cười: “Gặp Bí thư rồi hỏi…”

Các tuyến đường liên ấp của xã Nông thôn mới Thái Bình Trung đã được nhựa hóa khang trang sạch đẹp.
Các tuyến đường liên ấp của xã Nông thôn mới Thái Bình Trung đã được nhựa hóa khang trang sạch đẹp.

Đang mường tượng Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thái Bình Trung là một ông đứng tuổi cao to, vững chãi và đầy nhiệt huyết, nên tôi đã hơi bất ngờ khi người mà tôi đang chờ gặp lại là một phụ nữ nói năng nhỏ nhẹ và có vẻ ngoài rất khả ái.

Chị tên Trần Thị Yến, trước là Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị của huyện, sau đó là Phó ban tổ chức Huyện ủy rồi là Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Vĩnh Hưng trước khi chuyển công tác về xã Thái Bình Trung được 3 năm nay.

Sau buổi trò chuyện cùng chị, thêm một điều làm tôi bất ngờ nữa là độ quyết liệt trong công việc của người phụ nữ dịu dàng này không hề kém cạnh so với cánh mày râu…

Hơn 8 năm phấn đấu cho một quyết định

Thái Bình Trung là một trong 5 xã biên giới của huyện Vĩnh Hưng, có 12km đường biên giới (giáp Campuchia). Xã có 7 ấp với 1.444 hộ dân, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông trên 3.074ha đất sản xuất nông nghiệp trong tổng số 3.684ha đất tự nhiên.

Được chọn là xã xây dựng Nông thôn mới theo đề án huyện Vĩnh Hưng phê duyệt từ năm 2011, nhưng mãi đến năm 2020, sau hơn 8 năm xây dựng với 2 lần điều chỉnh đề án quy hoạch (năm 2015 và 2018), Thái Bình Trung mới được công nhận đạt xã Nông thôn mới. “Xã không có tài nguyên khoáng sản, nguồn thu hạn hẹp, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đời sống bà con còn nhiều khó khăn nên công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng Nông thôn mới phải kiên trì lắm! Vì vậy mà quá trình triển khai thực hiện đề án cũng bị ảnh hưởng”… - chị Yến chia sẻ.

Với Thái Bình Trung, để đạt đủ 19 tiêu chí của một xã Nông thôn mới, những khó khăn mà xã nghèo vùng biên này vấp phải có lúc tưởng chừng không vượt qua được. Nhưng, như anh Võ Văn Bảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng nhận xét: “Thái Bình Trung là một xã có nhiều sáng kiến hay nên được bà con ủng hộ và đạt những kết quả rất đáng ghi nhận”. Việc huy động nguồn lực để thực hiện thành công đề án Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2014 - 2019 là một nỗ lực rất lớn của các cấp lãnh đạo huyện, xã cũng như từ chính cộng đồng người dân. Nhờ vậy, bộ mặt Thái Bình Trung sau 5 năm xây dựng Nông thôn mới đã đổi thay đến mức người dân địa phương cũng ngạc nhiên.

Hiện nay, cơ sở hạ tầng cầu đường cơ bản ở xã đều đã hoàn thành, các tuyến đường liên ấp được nhựa hóa, các đường trục chính nội đồng được cứng hóa, 100% tuyến đường xóm, ấp sạch, không lầy lội vào mùa mưa. Xã đã có chợ cơ bản đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa trong khu vực, có trạm y tế được xây dựng đạt chuẩn, có 2/2 trường đạt chuẩn quốc gia. Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng cũng được đầu tư xây dựng với đầy đủ trang thiết bị phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của người dân, 7/7 ấp có nhà văn hóa... Xã còn thường xuyên phối hợp các ngành chức năng tổ chức các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, góp phần tạo việc làm ổn định, giúp thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua từng năm, đến nay đã đạt con số 41 triệu đồng/người/năm.

Cuối năm 2019, Thái Bình Trung đã gửi hồ sơ đăng ký xã Nông thôn mới, nhưng do dịch Covid-19 nên việc thẩm định bị chậm. Tháng 10/2020, Thái Bình Trung chính thức chạm đích, trở thành xã thứ ba của huyện Vĩnh Hưng, sau hai xã Khánh Hưng và Vĩnh Bình, đạt chuẩn Nông thôn mới.

Thái Bình Trung là một trong số ít xã có cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp của huyện Vĩnh Hưng.
Thái Bình Trung là một trong số ít xã có cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp của huyện Vĩnh Hưng.

Bà Chủ tịch xã rất... chì

Ngày biết Thái Bình Trung được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, chị Yến mừng đến rưng rưng. Chị xúc động kể: “Khó khăn kéo dài nhất chính là làm sao để đạt được tiêu chí Nhà ở dân cư và Môi trường. Do người dân quá khó khăn, không có điều kiện để xây nhà kiên cố, cứ ở “cắm dùi” vậy nên làm sao mà xây dựng cảnh quan môi trường được. Phải đến mấy năm sau này, khi xã vận động được các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng được các cụm dân cư khang trang, điện nước đầy đủ để đưa bà con về, thì 2 tiêu chí này mới đạt được”.

Nghe câu chuyện chị Yến cùng lãnh đạo địa phương đau đáu tìm đủ cách để vận động người dân hiến đất xây cầu, vận động doanh nghiệp ủng hộ kinh phí xây nhà ở cho những hộ gia đình khó khăn, sống tạm bợ ven kênh rạch, rồi “lỳ lợm” đeo bám thuyết phục bà con chịu rời bỏ nơi ở dù tạm bợ nhưng đã sống mấy chục năm để về những khu dân cư được quy hoạch… mới thấy bà Chủ tịch xã Thái Bình Trung “chì” quá. Và quả thật đó là một hành trình vô cùng ngoạn mục!

Một số cán bộ huyện vẫn hay nhắc lại chuyện “bà Chủ tịch xã Thái Bình Trung” dù bị la rầy cỡ nào cũng lò dò xuống nhà chú Ba Sắt cả năm trời để vận động chú hiến gần 50 mét ngang đất mặt tiền làm đường dân sinh, từ đó mới hoàn thành được dự án xây cầu Long Khốt. Giờ thì chú Ba thương “con nhỏ Yến chẳng có bà con họ hàng gì xứ này mà sao cứ lăn vào năn nỉ cho người khác” lắm, như là con gái vậy! Còn anh Đỗ Văn Dương, một người dân trước ở nhà tạm dọc kênh Hưng Điền, cho biết lúc được vận động về Khu dân cư mở rộng ấp Trung Trực anh cũng lo lắm, không muốn đi. Nhưng giờ có ai hỏi thăm thì anh lại rất vui vẻ trả lời: “Ở đây “ngon lành”, sạch sẽ khang trang hơn nhà cũ. Con cái đi học cũng thuận đường xá hơn. Tui ưng lắm”!

Mới đây, khi huyện vận động di dời 46 hộ dân sống trong khu vực quy hoạch xây dựng công trình Đền tưởng niệm liệt sĩ Đồn Long Khốt, người dân lại thấy “bà Chủ tịch xã” suốt một tuần lễ ngày nào cũng xuống địa bàn từ sáng đến tối để vận động bà con. đôi mắt đỏ hoe, chị khóc cùng những ông bà cụ 80 - 90 tuổi đã chấp nhận rời bỏ nơi sống cùng con cháu mấy chục năm vì một công trình có ý nghĩa quan trọng của huyện. “Người dân không hiểu thì giận hờn la rầy, mình cũng buồn nhưng không để bụng. Khi mình giải thích, họ hiểu và chấp nhận dời đi rồi, thấy họ khóc vì quyến luyến nơi ở cả đời, thì mình lại không cầm được nước mắt vì thương bà con quá”! - Chị Yến nói.

Hỏi “bí quyết” nào để thuyết phục được người dân đồng thuận với chính quyền như vậy, chị Yến nói mình phải lấy được lòng tin của người dân, phải tuyên truyền vận động để cho họ hiểu, khi đó họ sẽ đồng cảm với mình. Làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện mọi việc một cách công khai minh bạch, để người dân thấy được việc mình làm thật sự vì lợi ích của dân thì sẽ tạo được sự đồng thuận và tích cực tham gia của người dân. “Một điều vô cùng quan trọng nữa mà mình rút ra được từ thực tế chính là phải có sự tập trung, đoàn kết, thống nhất từ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt cho đến các cấp thừa hành thì việc xây dựng Nông thôn mới mới hiệu quả được”.

Khi tôi thực hiện bài viết này thì Thái Bình Trung đã bước vào kế hoạch xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao và “bà Chủ tịch xã” vừa mềm mỏng, kiên trì cũng vừa quyết liệt, dứt khoát lại tiếp tục nghĩ cách kêu gọi sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo, vận động người dân chung tay nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí để có thể về đích sớm nhất.

Widget 'Chân trang - Nông thôn mới'

Bình luận

Xem nhiều




Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất