, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 01/01/2018, 07:00

Xây dựng những cánh đồng "thông minh" ở Đồng bằng sông Cửu Long

Đó là một trong những gợi mở của người đứng đầu Chính phủ trong cuộc làm việc với lãnh đạo các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP.HCM nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, giải ngân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế diễn ra cuối tuần trước.

 

Hình minh họa
Hình minh họa

Quyết liệt hơn nữa thực hiện mục tiêu kép

Đây là cuộc làm việc thứ 4 của Thủ tướng trong gần 2 tuần qua nhằm kiểm tra các địa phương về việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để không đứt gãy nền kinh tế đặt ra càng nặng nề hơn với tất cả chúng ta, trong đó có vùng ĐBSCL. Thủ tướng nêu rõ, càng khó khăn, chúng ta càng phải quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để thực hiện tốt mục tiêu kép.

Nêu việc ngày 1/8, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, trên 85% dòng thuế được xóa bỏ, Thủ tướng cho rằng điều này sẽ tác động tốt đến ĐBSCL - một trung tâm sản xuất lương thực, trái cây, thủy sản của Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng bày tỏ mong muốn ĐBSCL với trên 20 triệu dân, với vị thế chiến lược, điều kiện tốt về kinh tế cần phấn đấu quyết liệt, đóng góp cho cả nước và giải quyết đời sống nhân dân. Theo Thủ tướng, ĐBSCL không chỉ là cứ điểm chiến lược về nông nghiệp, vùng sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản mà còn là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế cả nước; do đó, nếu cả nước phát triển mà vùng ĐBSCL không phát triển hay phát triển chậm hơn sẽ là trách nhiệm rất lớn của chúng ta.

Thủ tướng đề nghị cần có các giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ 2020 ở địa phương một cách bứt phá. Thủ tướng nêu rõ, về chống dịch, không được chủ quan. Cùng với đó, cần làm rõ các vướng mắc khiến giải ngân chậm trên địa bàn; thúc đẩy giải ngân; tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn về môi trường kinh doanh. Theo Thủ tướng, ĐBSCL cần chuẩn bị sẵn điều kiện để đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam cũng như đề xuất cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, giải pháp đột phá kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng.

Bằng mọi biện pháp giải ngân 100% vốn đầu tư công

Về nhiệm vụ giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ tinh thần làm gì, tình hình thế nào thì cũng phải bình tĩnh, phát triển; có ý chí và quyết tâm vượt qua khó khăn. Bên cạnh công tác phòng chống dịch bệnh, các địa phương cần cố gắng thúc đẩy mọi giải pháp để có tăng trưởng dương; phấn đấu để tăng trưởng GRDP toàn vùng không thấp hơn mức trung bình cả cả nước. 

Nêu rõ yêu cầu bằng mọi biện pháp giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%, Thủ tướng đề nghị các Bí thư, Chủ tịch các địa phương phải ra tay để có mặt bằng cho thi công. Thủ tướng gợi mở, ngoài kinh tế truyền thống, các địa phương cần chú ý phát triển một số ngành mới như kinh tế số, thương mại điện tử, kinh tế ban đêm… Lãnh đạo các địa phương phải cố gắng tháo gỡ lực cản đối với phát triển ở địa phương.

Về nông nghiệp, Thủ tướng gợi mở, hướng sản xuất là nông nghiệp hàng hóa chất lượng, giá trị và giá trị gia tăng cao thích ứng với biến đổi khí hậu với 3 trọng tâm là thủy sản - cây ăn quả - lúa gạo theo tỷ lệ, cơ cấu phù hợp với diễn biến của khí hậu, môi trường. Các trường, trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao, đại học đa năng chất lượng cao theo mô hình đào tạo gắn liền với nhu cầu về nhân lực và hoạt động sản xuất của các nhà máy, khu công nghiệp, khu kinh tế. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phát triển kinh tế số dựa vào tiềm năng, thế mạnh, lợi thế của các địa phương trong vùng; tăng cường áp dụng công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng những cánh đồng “thông minh”. Cùng với đó, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển doanh nghiệp, hội nhập; quản lý tốt tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, nhất là xâm nhập mặn.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành Trung ương tích cực, chủ động hỗ trợ các địa phương trong vùng kết nối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tập đoàn đa quốc gia đang có xu hướng chuyển dịch vốn đầu tư vào Việt Nam để thu hút đầu tư thời gian tới. Tại cuộc làm việc, Thủ tướng cũng đã chứng kiến công bố quyết định và ra mắt Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL.

Theo MINH NGỌC (baophapluat.vn)

 

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất