, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 01/03/2021, 08:18

Xây dựng Nông thôn mới: Bước ngoặt trong phát triển nông thôn

NGUYỄN VĂN VIỆT
(Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT))

Năm 2020 là cột mốc kết thúc giai đoạn 10 năm 2010 - 2020 của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (gọi tắt là xây dựng NTM). Trong 10 năm qua, cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, xây dựng NTM đã trở thành phong trào rộng khắp, thu hút sự tham gia của toàn thể người dân và đoàn thể các cấp.

Giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí được thực hiện tốt trong quá trình xây dựng NTM.
Giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí được thực hiện tốt trong quá trình xây dựng NTM.

Nhiều mục tiêu quan trọng về xây dựng NTM đã hoàn thành ngay trong năm 2019, sớm hơn 18 tháng so với kế hoạch được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao.

Đổi mới toàn diện

Một trong những nội dung quan trọng của Chương trình xây dựng NTM là vấn đề sinh kế, nâng cao thu nhập của người dân vùng nông thôn.

Thực tế, sau 10 năm triển khai Chương trình, kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng khá và chuyển mạnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ, ngành nông nghiệp đang chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và từng bước thu hẹp khoảng cách với đô thị. Công nghiệp, dịch vụ nông thôn đã và đang trở thành giải pháp quan trọng tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn (tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm từ 49,5% năm 2010 xuống còn dưới 35% năm 2020). Thu nhập của cư dân nông thôn đã tăng từ 12,8 triệu đồng năm 2010 lên 39,3 triệu đồng/người năm 2019, ước năm 2020 đạt 43 triệu đồng/người, gấp 3,3 lần so với năm 2010, góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn.

Cùng với đó, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đã có những đổi thay vượt bậc, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang; từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đời sống và sản xuất của người dân. Trong đó, nổi bật nhất là hạ tầng giao thông nông thôn. Cả nước đã xây mới và nâng cấp trên 206.743km đường giao thông trong 10 năm; trên 97% số xã có đường giao thông từ trụ sở xã đến UBND huyện được nhựa, bê tông hóa; khoảng 80% số xã đã trải nhựa, bê tông đường ngõ xóm; trên 65% số đường trục chính nội đồng đươc cứng hóa nhằm đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm. Hệ thống thủy lợi cũng ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất và thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở các địa phương.

Công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã có bước đột phá lớn, tạo ra những dấu ấn có tác dụng lan toả rộng khắp, nhất là vấn đề xử lý rác thải khu dân cư và cải tạo cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp. Những phong trào như “Sạch làng, đẹp ruộng”, “Thắp sáng làng quê”… đang dần dần nâng cao ý thức của cư dân nông thôn về giữ gìn môi trường sinh thái và môi trường xã hội. Mặt khác, chất lượng đời sống văn hóa của người dân tiếp tục được nâng cao; an ninh trật tự, quốc phòng tiếp tục được giữ vững. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM được triển khai hiệu quả đã tạo dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, đa màu sắc trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn.

Theo tổng hợp điều tra của Ban Dân vận Trung ương, trong tổng số mẫu điều tra có đến 92,7% người dân nông thôn có biết về Chương trình. Đặc biệt, qua báo cáo kết quả lấy ý kiến người dân của trên 100 đơn vị cấp huyện xét công nhận đạt chuẩn NTM, tỷ lệ hài lòng của người dân đều đạt từ 94 đến 99%. Có thể nói, Chương trình xây dựng NTM đã trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp trên cả nước và đã đạt được những thành tựu to lớn, lịch sử, tạo nên bước ngoặt trong phát triển nông thôn nước ta.

Không để ai lại phía sau

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng kết quả xây dựng NTM của một số vùng còn thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước, vẫn còn khoảng cách chênh lệch về kết quả thực hiện giữa các vùng, miền. Một số vùng tỷ lệ xã đạt NTM cao như vùng Đồng bằng sông Hồng (90,7%), Đông Nam bộ (74,7%) trong khi đó một số vùng tỷ lệ xã đạt NTM còn thấp như miền núi phía Bắc (31,7%), Tây nguyên (41,2%). Một số địa phương có tỷ lệ xã đạt chuẩn rất thấp, dưới 25% như Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Kon Tum.

Để khắc phục tình trạng xây dựng NTM chưa đồng đều, còn khoảng cách lớn giữa các địa phương và giữa vùng, miền trong giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 4 đề án hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn của 4 tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Bắc Kạn, Nghệ An để đẩy nhanh tiến độ và cải thiện chất lượng xây dựng NTM; đề án hỗ trợ các thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững.

Trong giai đoạn tới, cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực, hỗ trợ cho gần 40% số xã còn lại chưa đạt chuẩn hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM để phấn đấu đến 2025, cả nước có ít nhất 80% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Những xã hiện tại chưa đạt chuẩn NTM hầu hết thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đặc thù (vùng khu vực biên giới, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...), trong đó có trên 1.540 xã (khoảng 41%) ở khu vực miền núi phía Bắc và khoảng 668 xã (17,6%) ở vùng Bắc Trung bộ. Do vậy, Chương trình cần phải ưu tiên đầu tư cho các đối tượng này thông qua việc áp dụng các tiêu chí ưu tiên trong phân bổ nguồn lực. Bên cạnh đó, cần tiếp tục dành một phần kinh phí trong tổng các nguồn vốn ngân sách trung ương của Chương trình để tiếp tục thực hiện các chương trình, đề án đặc thù hỗ trợ trực tiếp cho các địa bàn khó khăn; chủ động lồng ghép, tập trung nguồn lực từ Chương trình MTQG Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Chương trình MTQG Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững cho các xã thuộc các đối tượng trên.

Tập trung nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn

Qua đánh giá kết quả thực hiện cũng cho thấy, trong quá trình triển khai Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020, vẫn còn nhiều địa phương chưa chú trọng đến phát triển kinh tế nông thôn; việc nâng cao thu nhập cho người dân còn thiếu bền vững, tình trạng người dân di cư từ khu vực nông thôn ra thành thị để tìm kiếm cơ hội việc làm còn phổ biến.

Bước sang giai đoạn mới, Bộ NN&PTNT xác định phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn là một trong những nội dung trọng tâm của Chương trình. Theo đó, cần tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể như đưa nội dung về dịch vụ thương mại, thu nhập, tổ chức sản xuất, môi trường, chất lượng môi trường sống và các tiêu chí quan trọng khác vào Bộ tiêu chí quốc gia xã NTM giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với công nghiệp hóa nông nghiệp, đô thị hóa nông thôn, tập trung vào các nội dung: phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với liên kết chuỗi giá trị, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển công nghiệp chế biến nông sản, phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản chủ lực...

Bên cạnh đó, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm nên được triển khai theo hướng đa dạng hóa và nâng cao hơn nữa chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu. Nên chú trọng đến các mô hình du lịch nông thôn, du lịch sinh thái trong phát triển kinh tế du lịch.

Không chỉ phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, cần quan tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistic phục vụ nông nghiệp cũng như phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tại một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất