, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 13/10/2016, 16:24

Xây dựng Nông thôn mới: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập cuộc

 

Vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng NTM là vấn đề đã được đề cập nhiều lần trên các diễn đàn Quốc hội, hội nghị, hội thảo. Thực tế, doanh nghiệp đã góp phần quan trọng vào thành quả xây dựng Nông thôn mới trong 5 năm qua, nhưng nhìn chung, hiệu quả vẫn chưa tương xứng với tiềm lực của doanh nghiệp.

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN trả lời phỏng vấn trong hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong đầu tư nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”. Ảnh: Cao Thăng.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN trả lời phỏng vấn trong hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong đầu tư nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”. Ảnh: Cao Thăng.

Nông nghiệp - nông thôn không phải là mảnh đất lành?

Phát biểu tại Diễn đàn “Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới” vừa được tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, kể từ năm 1990 đến nay, tốc độ tăng trưởng năng suất đã chậm lại và chậm hơn so với hầu hết các nước cùng trình độ phát triển trong khu vực. Một trong những nguyên nhân là do phương thức sản xuất nông nghiệp ở nước ta chủ yếu dựa trên quy mô sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún; doanh nghiệp, hợp tác xã chậm phát triển; sản xuất kinh doanh nông nghiệp thiếu liên kết. Số lượng các doanh nghiệp nông nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ và tốc độ phát triển rất chậm, năm 2014 DN nông nghiệp chỉ chiếm dưới 1% trong tổng số các doanh nghiệp được điều tra (3.844 DNNN/ 420.251 DN được điều tra). Giai đoạn 2010 - 2014, số lượng doanh nghiệp nông - lâm - thủy sản tăng bình quân 10,6%/năm, thấp hơn so với mức tăng doanh nghiệp nói chung 10,9%/năm. Năm 2015, số doanh nghiệp nông nghiệp giảm xuống 3.640, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 96,53%); có khoảng 50% doanh nghiệp ngành nông - lâm - thủy sản có quy mô hoạt động siêu nhỏ (dưới 10 lao động); doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 47,63%, tiếp đến là thủy sản (chiếm 35,43%) và ít nhất là lâm nghiệp (chiếm 16,94%).

Đồng quan điểm này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định,  thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thời gian qua còn rất hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng, cũng như nhu cầu phát triển của ngành nông nghiệp. Nghị định 210 của Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa thực sự phát huy hiệu quả vì áp dụng trên mọi vùng miền, không phân định điều kiện tự nhiên, kinh tế khác nhau. Hơn nữa áp dụng chính sách hỗ trợ sau đầu tư theo Nghị định 210 mức tối đa chỉ 2,5 tỷ đồng. Trong khi đầu tư vào nông nghiệp rủi ro lớn, một số ngành hàng cần có nguồn vốn lớn…  Mặt khác, sự liên kết giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học và nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất còn ít và chưa chặt chẽ, dẫn đến chi phí cao, khả năng cạnh tranh thấp; chuỗi giá trị ngành hàng bị cắt đoạn, hiệu quả thấp.

Tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp

Theo ông Phạm Công Nhân, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Giang, tuy các địa phương đã đề ra các cơ chế, chính sách ưu đãi, nhưng đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp rất tốn kém, mất nhiều năm để thu hồi vốn và khả năng thua lỗ cao hơn đầu tư vào các lĩnh vực khác. Những vướng mắc về thủ tục hành chính, nhất là thủ tục về chuyển quyền sử dụng đất, thuê đất xây dựng nhà máy và trồng cây nguyên liệu; thủ tục xét duyệt phương án bảo vệ môi trường... đều là những “cửa ải” khiến DN chùn chân, nản chí…

Tìm giải pháp để xử lý những “rào cản”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, muốn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư làm nông nghiệp phải có chính sách tích tụ ruộng đất và đẩy mạnh kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Không thể để nông dân tự phát canh tác trên thửa ruộng manh mún của mình cũng như không thể thu hồi đất của dân để giao cho doanh nghiệp. Do vậy, cần có thêm cơ chế chính sách để đẩy mạnh việc liên kết doanh nghiệp với nông dân, trong đó, doanh nghiệp đầu tư - nông dân góp đất cùng liên kết sản xuất. Lợi ích của doanh nghiệp và quyền lợi của nông dân phải hài hòa.

Để thu hút doanh nghiệp tham gia sâu hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, cần cụ thể hóa các chủ trương, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài ở từng lĩnh vực, chuyên ngành thành các nhiệm vụ cụ thể, triển khai đến các địa phương. Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, nhất là các doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân theo chuỗi giá trị, doanh nghiệp chế biến, sản xuất giống, vật tư và các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động ở nông thôn. Đồng thời, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển theo các nghị quyết của Chính phủ; đơn giản hóa thủ tục hành chính và tiết kiệm thời gian, kinh phí từ các thủ tục hành chính. Đồng thời rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.

Chánh Văn phòng Điều phối Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Trung ương Nguyễn Minh Tiến, cho biết, tới đây, Văn phòng điều phối sẽ tham mưu để xây dựng các cơ chế hỗ trợ cho những doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Bởi, hỗ trợ cho các tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp trong giai đoạn khó khăn thì mới có thể liên kết được số lượng lớn nông dân làm theo quy trình sản xuất tiến bộ, làm ra sản phẩm có giá trị, có tầm vóc…

Với các đề xuất từ đại diện những cơ quan có chức năng cao nhất trên lĩnh vực nông nghiệp đã nêu ở trên, hy vọng vai trò của doanh nghiệp trong đầu tư nông nghiệp, góp phần xây dựng Nông thôn mới thời gian tới sẽ có nhiều tín hiệu lạc quan.

Theo Tạp chí Nông thôn Việt

 

Widget 'Chân trang - Nông thôn mới'

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất