, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 19/12/2021, 13:42

Xây dựng quốc gia có khả năng quản lý rủi ro thiên tai

ĐỖ HƯƠNG
(baochinhphu.vn)
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 379/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây được xem là giải pháp căn cơ để giảm tổn thất về người và tài sản, từng bước xây dựng quốc gia có khả năng quản lý rủi ro thiên tai để phát triển bền vững.
Ông Tăng Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Ông Tăng Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Chủ động phòng chống thiên tai

Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai (PCTT), từ đầu năm 2021, Việt Nam chịu ảnh hưởng của 8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, 325 trận dông lốc, mưa đá, 6 đợt mưa lũ lớn; 128 trận động đất... Có thể nói thiên tai năm 2021 diễn ra không cực đoan, dị thường như năm 2020, tuy nhiên vẫn xảy ra dồn dập, đặc biệt từ giữa tháng 9 đến tháng 11, khu vực miền Trung đã chịu ảnh hưởng liên tiếp của 4 cơn bão và 6 đợt mưa lũ diện rộng.

Cùng với những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, thiên tai, dịch bệnh  đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân đặc biệt là khu vực miền Trung. Trong 11 tháng thiên tai đã làm 93 người chết và mất tích; 277 nhà sập, 8.913 nhà bị hư hại, tốc mái; 27.000 nhà bị ngập; 131.286 ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 11.826 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị đổ, gãy; 125.687 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 3.300 ha nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại; 113 km đê kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 47 km bờ biển, sông bị sạt lở; 203km đường giao thông, đường sắt Bắc Nam bị sạt lở hư hỏng; khối lượng đất, đá sạt lở khoảng 1,4 triệu m3; 99 cây cầu, 147 cống bị hư hỏng, cuốn trôi. Ngoài ra, còn rất nhiều cơ sở hạ tầng và các công trình dân sinh khác bị hư hỏng, sạt lở,..., ước tổng thiệt hại về kinh tế trên 4.400 tỷ đồng.

Ngày 17/3/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 379/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. So với Chiến lược phòng chống thiên tại đến năm 2020 có nhiều đổi mới quan trọng.

Ông Tăng Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết Chiến lược mới đưa ra 5 quan điểm và 5 nguyên tắc phòng, chống thiên tai rất rõ nét. Trong đó, điểm đặc biệt là xác định mục tiêu “chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước; từng bước xây dựng quốc gia có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng”, đồng thời đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể như giảm 50% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất; thiệt hại về kinh tế do thiên tai không vượt quá 1,2% GDP và thấp hơn giai đoạn 2011-2020…

Cùng với đó, Chiến lược xác định 7 nhiệm vụ và giải pháp chung về phòng chống thiên tai. Ngoài các giải pháp về hoàn thiện thể chế, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, Chiến lược đưa ra các giải pháp như nâng cao nhận thức về thiên tai, rủi ro thiên tai, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn; nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai,…

Chiến lược mới cũng xác định nhiệm vụ và giải pháp cho 7 vùng miền trên cả nước. So với Chiến lược năm 2020, Chiến lược giai đoạn này xác định các vùng cũng như giải pháp trọng tâm cho các vùng phù hợp với điều kiện cụ thể và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Áp dụng nhiều cách làm mới

Theo ông Tăng Quốc Chính, với những mục tiêu đã đề ra, cùng những nhiệm vụ và giải pháp chung và giải pháp cụ thể cho từng vùng, miền, trong năm 2021, Tổng cục PCTT đã có những giải pháp, cách làm cụ thể hoá để thực hiện Chiến lược.

“Hiện chúng tôi đang tập trung rà soát, hoàn thiện và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai, trong đó đã ban hành 2 Nghị định; 3 Thông tư và 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Kiện toàn công tác cơ quan chỉ đạo, chỉ huy PCTT các cấp theo Nghị định 66/2021/NĐ-PC (thay thế Nghị định số 160/2018/NĐ-CP); Ban Chỉ đạo, các Bộ ngành địa phương rà soát, cập nhật kịch bản, phương án ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch COVID-19, trong đó tăng cường sơ tán xen ghép và đảm bảo an toàn dịch bệnh cho người dân tại nơi sơ tán-Thủ tướng Chính phủ đã có 2 văn bản, công điện chỉ đạo về nội dung này”, ông Chính cho biết.

Cùng với đó là việc tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, chuyển từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến trong chỉ  đạo ứng phó thiên tai; Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích PCTT cấp xã theo Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 29/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Ban Chỉ đạo đã ban hành tài liệu để các địa phương tổ chức tập huấn cho lực lượng này (Quyết định số 15/QĐ-TTWPCTT ngày 23/7/2021); Tiếp tục triển khai hoạt động Quỹ PCTT cấp tỉnh và thành lập Quỹ PCTT trung ương theo Nghị định số 78/2021/NĐ-CP… cũng được Tổng cục PCTT đẩy mạnh.

Từ thực tiễn PCTT và tổng kết đánh giá từ địa phương, các mô hình điển hình về PCTT đã và đang phát huy hiệu quả. 

Cụ thể, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp tỉnh-cơ quan tham mưu về PCTT được kiện toàn, nâng cao năng lực, đã tổ chức theo dõi, giám sát, chủ động tham mưu ứng phó hiệu quả các đợt thiên tai lớn trong 5 đợt mưa lũ lớn năm 2016, mưa lũ sau bão số 12/ 2017 và đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2020.

Mô hình phòng, chống thiên tai tại cơ sở theo phương châm 4 tại chỗ như tại xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, khu vực “rốn lũ” điển hình của miền Trung với khoảng 200 hộ dân hàng năm đều bị ngập sâu. Khoảng 50% các hộ dân đều có nhà vượt lũ với tầng trên có thể đảm bảo vượt mức lũ lịch sử cao nhất; mỗi hộ có 1-2 chiếc thuyền để đi lại trong lũ. Các hộ dân đều dự trữ lương thực, thuốc men, chất đốt, nước sạch; vật nuôi được di chuyển lên núi khi có cảnh báo ngập lụt; điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ cho phù hợp với tình hình thiên tai… Tại xã Tân Hóa, (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình),  là khu vực rốn lũ của tỉnh Quảng Bình với 150 hộ dân. Khi có cảnh báo về mưa lũ, người dân chủ động chuẩn bị ứng phó từ sớm, dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm; các hộ dân đều xây dựng nhà phao để chống lũ.

Do vậy, trong đợt mưa lũ, 2 địa phương nêu trên đều không bị thiệt hại về người mặc dù ngập sâu trong thời gian kéo dài.

Ông Tăng Quốc Chính cũng cho biết thêm Thừa Thiên-Huế là tỉnh điển hình về PCTT. Tỉnh đã xây dựng mô hình điểm về lực lực lượng xung kích tại cơ sở; nâng cao năng lực Văn phòng Thường trực cấp tỉnh với sự hỗ trợ của Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT với các công cụ như bản đồ phòng, chống thiên tai, công cụ hỗ trợ điều hành hồ chứa khẩn cấp, hiệu quả, mô hình nhà an toàn chống lũ bão với hơn 34.000 căn nhà… 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất