, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 07/04/2022, 08:35

Xây dựng thói quen bảo hiểm nông nghiệp

CẨM HÀ
Có lẽ sẽ không ai tranh luận về sự cần thiết phải thực hiện hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, một lĩnh vực rủi ro cao, thành công hay thất bại phụ thuộc rất lớn vào những biến động khó lường của thiên tai, dịch bệnh. Nhưng có cơ sở để nêu câu hỏi: Tại sao số lượng sản phẩm và địa bàn được hỗ trợ lại còn khá ít ỏi như vậy?
 
 
 
 
 

Xác định rõ những nhóm đối tượng, địa bàn và mức độ hỗ trợ

Theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) cho giai đoạn sau năm 2021, những đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ thuộc 3 nhóm. Về cây trồng có: lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê. Vật nuôi có trâu, bò, heo và nuôi trồng thủy sản có tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra. Các địa bàn cụ thể cũng đã được xác định đối với từng loại cây trồng, vật nuôi. 

Đối với cây lúa, 7 tỉnh được hỗ trợ BHNN: Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp. Cây cao su tại 8 tỉnh: Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai. Cà phê tại 7 tỉnh: Sơn La, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước. Hồ tiêu tại 6 tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Điều tại 6 tỉnh: Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai. Đối với vật nuôi, BHNN với trâu, bò được hỗ trợ tại 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương; heo tại 9 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Bắc Giang, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đắk Lắk, Đồng Nai. Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra tại 5 tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể triển khai toàn bộ địa bàn hoặc trên một số địa bàn cấp huyện, xã. Mức hỗ trợ phí BHNN tối đa cho cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo: 90%; cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo: 20% phí bảo hiểm nông nghiệp và tổ chức sản xuất nông nghiệp đáp ứng các điều kiện cụ thể: 20%... 

Với mức độ này, Bộ Tài chính ước tính sơ bộ kinh phí hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp của ngân sách nhà nước là khoảng 88,4 tỷ đồng/năm. Trong đó kinh phí hỗ trợ bảo hiểm cây trồng khoảng 31,9 tỷ đồng/năm; kinh phí hỗ trợ bảo hiểm vật nuôi khoảng 47,5 tỷ đồng/năm; kinh phí hỗ trợ bảo hiểm nuôi trồng thủy sản khoảng 9 tỷ đồng/năm. 

 
 

Lợi ích lớn, sao vẫn chưa phổ biến?

Con số thực sự không lớn so với ngân sách quốc gia, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn đối với người nông dân… Vì thế, hẳn sẽ không ai tranh luận về sự cần thiết phải thực hiện hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Nhưng một số người không tường tận tình hình có thể sẽ nêu vấn đề: Tại sao số lượng sản phẩm và địa bàn được hỗ trợ lại còn khá ít ỏi như vậy? 

Theo Bộ Tài chính, việc lựa chọn đối tượng bảo hiểm căn cứ trên cơ sở cân đối ngân sách nhà nước và theo đề xuất của Bộ NN&PTNT và các địa phương. Các đối tượng được hỗ trợ có quy mô, diện tích mang tính đại diện cho các vùng miền, tạo thuận lợi cho việc triển khai bảo hiểm theo nguyên tắc lấy số đông bù số ít. Đây cũng là các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, phù hợp với mục tiêu, định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. 

Giải trình thêm về địa bàn được hỗ trợ, Bộ Tài chính cho biết, một số địa phương đề nghị được đưa vào danh sách địa bàn được hỗ trợ cho một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù của địa phương như: Sơn La (xoài, nhãn, mận), Kon Tum (rừng trồng trên đất lâm nghiệp, gia cầm), Bình Dương (cây ăn quả có múi), Tiền Giang (rau, cây ăn quả), Tây Ninh (gia cầm, cá tra). 

Tuy nhiên, đối tượng bảo hiểm mà các địa phương này đề xuất không có quy mô, diện tích lớn, không thuận lợi cho việc triển khai bảo hiểm theo nguyên tắc lấy số đông bù số ít. Phần lớn cũng không phải là sản phẩm bảo hiểm chủ lực của ngành nông nghiệp; hoặc không thuộc đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP; hoặc doanh nghiệp bảo hiểm chưa triển khai nên Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ chưa đưa vào nội dung Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho giai đoạn này (2022 - 2025).

 
 
 
 

Cũng phải thấy rằng BHNN cho đến nay cơ bản vẫn là sản phẩm mới, phức tạp, không chỉ đối với bản thân người nông dân mà còn đối với đội ngũ cán bộ thực thi chính sách tại cơ sở. Nhận thức của một số bộ phận người nông dân đối với BHNN vẫn còn hạn chế. Thêm vào đó, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nông dân. Còn các địa phương thì ưu tiên nguồn lực để triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh thay vì bố trí ngân sách cho mục tiêu này.

Thực tế mới chỉ có 4/19 tỉnh (Nghệ An, Thái Bình, Hà Giang và Bình Định) có kết quả triển khai bảo hiểm; mới chỉ triển khai được 2/3 đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ là cây lúa và vật nuôi (trâu, bò)…

Để đảm bảo nguyên tắc liên tục, ổn định và bền vững với trọng tâm là hỗ trợ hiệu quả cho người nông dân, bảo đảm hài hòa với lợi ích của nhà nước và lợi ích hợp pháp, hợp lý của DNBH, yếu tố then chốt là sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp chính quyền địa phương (đặc biệt là cấp cơ sở). Các tổ chức chính trị - xã hội trong cũng cần hỗ trợ, tuyên truyền, động viên người nông  dân hiểu rõ ích lợi và tham gia bảo hiểm.

Các giải pháp thực hiện cũng phải ổn định, lâu dài, không bị ngắt quãng, không “sáng nắng chiều mưa” để quyền lợi cho người nông dân được đảm bảo, cũng như các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức thực hiện được thuận lợi. 

 

CẨM HÀ

 
Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất