, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 14/12/2020, 07:14

Xây dựng thương hiệu gạo riêng mang tên Ngọc Nhân

Theo NGÔ CHUẨN (baoangiang.com.vn)

Chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực lúa gạo nhưng giám đốc trẻ Lê Thanh Tuấn (ấp Hòa Long 4, thị trấn An Châu, Châu Thành, An Giang) không đi vào những dòng gạo thông thường mà bỏ vốn liếng, công sức, tâm huyết đầu tư lai tạo những giống lúa độc đáo, sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, hữu cơ. Bước đầu, thương hiệu gạo Ngọc Nhân đã tạo được thị trường riêng.

 

Thương hiệu gạo Ngọc Nhân dần tìm được thị trường riêng.
Thương hiệu gạo Ngọc Nhân dần tìm được thị trường riêng.

Trăn trở với hạt gạo

“Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng nhắc đến thương hiệu gạo, người ta biết đến gạo Thái Lan nhiều hơn. Tôi cứ trăn trở phải làm sao chung tay xây dựng được những thương hiệu gạo Việt uy tín, trước hết là phục vụ người tiêu dùng trong nước, sau đó cạnh tranh trên thế giới” - thanh niên Lê Thanh Tuấn (sinh năm 1987) mở đầu lý do chọn nông nghiệp để khởi nghiệp dù biết trước sẽ gặp nhiều gian nan, vất vả.

Để hiện thực hóa giấc mơ xây dựng thương hiệu cho gạo Việt, Tuấn đã đi du lịch nhiều nước trên thế giới kết hợp nghiên cứu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng. Năm 2013, khi thành lập Công ty TNHH Tín Thành ATC, Tuấn khởi đầu hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực phân phối các chế phẩm sinh học và phân bón hữu cơ nhập khẩu từ Hoa Kỳ, đồng thời tập trung vào sản xuất lúa giống.

Khi tích lũy được vốn, Tuấn tài trợ kinh phí và là đồng tác giả với nhóm nghiên cứu để lai tạo ra những giống lúa mới, độc đáo. Bằng nhiều nỗ lực, nhóm của Tuấn đã lai tạo được 3 giống lúa là: lúa tím, huyết rồng và ST86. Sẵn có nguồn chế phẩm sinh học và phân bón hữu cơ, Tuấn canh tác lúa theo hướng hữu cơ sinh học, không sử dụng phân bón, thuốc hóa học nhằm tạo ra loại gạo sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Ngoài đất ruộng của gia đình ở Vĩnh Thành, Vĩnh Lợi (Châu Thành), Tuấn còn đặt hàng nông dân vùng lúa - tôm ở Sóc Trăng, huyện An Minh (Kiên Giang) canh tác lúa theo tiêu chuẩn của Công ty TNHH Tín Thành ATC. “Đây là những giống lúa dài ngày (thời gian sinh trưởng trên 105 ngày), năng suất chỉ ở mức trung bình nhưng bù lại, phẩm chất gạo rất thơm ngon, bổ dưỡng. Khi liên kết với nông dân, công ty hợp đồng giá lúa ngay từ đầu vụ và đảm bảo thu mua hết nên nông dân yên tâm sản xuất. Với giống lúa ST86, khi canh tác ở vùng lúa - tôm, cho ra loại gạo đặc biệt ngon” - Tuấn nhấn mạnh.

Cùng với tạo ra giống lúa mới, giám đốc trẻ Lê Thanh Tuấn cũng chú trọng xây dựng thương hiệu gạo Ngọc Nhân (đăng ký bảo hộ độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ), phát triển thị trường cho các sản phẩm gạo. “Gạo tím là loại gạo thảo dược, phục vụ cho người ăn kiêng, tiểu đường, đang điều trị bệnh. Trong khi đó, gạo huyết rồng dùng cung cấp cho các công ty sản xuất bột gạo, bánh, sữa gạo lứt. Với gạo ST86, cung ứng cho các đơn vị phân phối chủ yếu trong phân khúc thị trường cao cấp ở TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh” - Tuấn thông tin.

Lúa huyết rồng dùng sản xuất những sản phẩm giá trị gia tăng.
Lúa huyết rồng dùng sản xuất những sản phẩm giá trị gia tăng.

Không từ bỏ đam mê

Dù biết trước chọn khởi nghiệp trong nông nghiệp rất gian nan, vất vả nhưng bản thân Lê Thanh Tuấn cũng không lường trước lại nhiều khó khăn đến vậy. Quá trình lai tạo, đưa ra được những giống lúa mới vào sản xuất đã ngốn của chàng giám đốc trẻ không ít thời gian, vốn liếng. Khi tạo ra sản phẩm mới, tiếp cận thị trường cũng không phải dễ.

“Lúc đầu, do chưa am hiểu về thị trường, chưa nắm vững kỹ thuật sấy, chế biến, bảo quản nên công ty gặp rất nhiều khó khăn. Suốt mấy năm, tôi chủ yếu dùng lợi nhuận trong lĩnh vực phân phối các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ và sản xuất lúa giống để bù lỗ cho hoạt động kinh doanh gạo tím, huyết rồng và ST86.

Bù lại, mình xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định theo hướng hữu cơ sinh học 6-7 năm nay. Từ năm 2019, gạo Ngọc Nhân đã tìm được thị trường riêng. Hiện nay, công ty chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng của đối tác. Nhà phân phối cần bao nhiêu sẽ đặt trước 1 vụ để mình bắt tay vào sản xuất, cung ứng, tránh để hàng tồn kho ảnh hưởng đến phẩm chất gạo” - Tuấn chia sẻ.

Giám đốc Công ty TNHH Tín Thành ATC cho biết, để xây dựng thương hiệu gạo Ngọc Nhân, công ty chọn lựa lúa rất kỹ lưỡng. Lúa nguyên liệu được trồng theo quy trình VietGAP, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học. Lúa nguyên liệu sau khi thu hoạch được chuyển về phân xưởng để sấy khô và đưa vào kho trữ bảo quản. Sau đó, chuyển đến nhà máy chế biến gạo hiện đại để xay xát và đóng gói đảm bảo theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng chất bảo quản, thuốc chống mọt, chống mối. Trong quá trình kinh doanh, công ty được tỉnh, huyện hỗ trợ đi xúc tiến thị trường, tham gia hội chợ; được huyện Châu Thành hỗ trợ máy xay xát mẫu gạo.

“Tôi thấy những năm gần đây, Chính phủ và các địa phương rất quan tâm đến chất lượng, giá trị và xây dựng thương hiệu hạt gạo, chứ không chạy theo số lượng gạo thô xuất khẩu như trước đây. Việc giống gạo ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua đạt giải nhất cuộc thi gạo ngon nhất thế giới, một số doanh nghiệp tạo dựng được uy tín, thương hiệu gạo Việt trong nước và quốc tế đã tạo động lực để tôi theo đuổi đam mê, tâm huyết của mình. Sắp tới, cùng với quan tâm xây dựng, củng cố thương hiệu gạo Ngọc Nhân, công ty sẽ chú trọng thêm mảng marketing, kinh doanh trên các trang thương mại điện tử” - Lê Thanh Tuấn khẳng định.

Gạo Ngọc Nhân của Công ty TNHH Tín Thành ATC là một trong những sản phẩm đầu tiên được xét công nhận sản phẩm OCOP tỉnh An Giang (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Đây là niềm tự hào, là động lực để giám đốc trẻ Lê Thanh Tuấn theo đuổi đam mê với gạo Việt.

 

Theo NGÔ CHUẨN (baoangiang.com.vn)

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất