, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 15/04/2022, 20:00

Xây dựng thương hiệu nông sản, gia vị Việt bằng sản phẩm chế biến

MỸ PHƯƠNG
(vnanet.vn)
Nền kinh tế nông nghiệp luôn có thế mạnh về nông sản, gia vị. Đây là một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của con người.

Đặc biệt, gia vị giữ vai trò quan trọng trong việc tạo sự khác biệt giữa các sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp và quốc gia. Đây là nhận định của các chuyên gia tại Tọa đàm "Dòng chảy thị trường gia vị" do Hội hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ở TP.HCM, ngày 15/04.

Chú thích ảnh
Thu hoạch ớt Chánh Phong tại xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp). Ảnh minh họa: Nguyễn Văn Trí/TTXVN

Cải tiến chất lượng, tiện lợi

Theo các chuyên gia, nhiều mặt hàng nông sản, gia vị Việt Nam đang rất cạnh tranh trên thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Điều này cho thấy, đa dạng sản phẩm nông sản, gia vị chế biến đã tiếp cận được thị trường và từng bước khẳng vị thế thương hiệu, mang đậm bản sắc dân tộc và văn hóa Việt trong tiêu dùng, ẩm thực.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, hàng loạt sản phẩm nông sản, gia vị chế biến được tung ra thị trường và nhiều mặt hàng truyền thống được nâng cấp, cải tiến theo hướng sơ chế, chế biến sẵn. Đồng thời, từ chất lượng, tiêu chuẩn... cho đến bao bì, nhãn mác ngày càng đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng trong và ngoài nước.

Điển hình, có thể kể đến nông sản, gia vị chế biến đã đa dạng chủng loại, mẫu mã trên thị trường như muối thì không dừng lại ở muối ớt, muối tiêu mà có thêm nhiều sản phẩm mới như muối tiêu, muối ớt kết hợp nông sản như kim quất, mơ rừng... Hay có thể kể đến những sản phẩm sấy thành tinh bột, gồm: chanh, dừa, củ dền, cà pháo...

Đầu bếp Nguyễn Huỳnh Đăng Tuyên chia sẻ, ngoài yếu tố cân bằng khẩu vị cho người dùng, hương vị cho món ăn, thì gia vị còn giúp cân bằng dinh dưỡng và sức khỏe. Do đó, không chỉ người tiêu dùng, mà ngay cả đội ngũ đầu bếp và nấu ăn chuyên nghiệp cũng có nhu cầu sử dụng đa dạng gia vị chế biến hoặc bán thành phẩm để tăng tính mới lạ, độc đáo cho món ăn. 

Ẩm thực cũng là văn hóa; trong đó, gia vị đóng vai trò làm nổi bật tài nguyên bản địa nên dự báo trong tương lai thị trường gia vị rất tiềm năng. Vì vậy, đơn vị sản xuất kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực nông sản, gia vị chế biến cần không ngừng nỗ lực tìm hiểu văn hóa của các nước, cũng như văn hóa ẩm thực quốc tế để tăng thêm cơ hội trở thành nhà cung cấp cho chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Với một số thị trường xuất khẩu nông sản, gia vị Việt như Nhật, Mỹ... bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ và Sản xuất Trí Việt Phát cho hay, có yêu cầu cao về dinh dưỡng trong sản phẩm hoặc đòi hỏi sản phẩm phải mang văn hóa bản địa địa phương. Cùng với những chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, thì đối với mặt hàng nông sản, gia vị chế biến còn phải đảm bảo tính "chuẩn vị" mới có thể tiếp cận khách hàng và duy trì đơn hàng bền vững.

Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, qua kinh nghiệm tiếp cận và trở thành nhà cung cấp của nhiều đối tác hoạt động trong ngành ẩm thực, nhà hàng, khách sạn... hay một số thị trường cho thấy, yêu cầu về chất lượng mặt hàng nông sản, gia vị chế biến không khác gì sản phẩm của nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác trong nhóm ngành lương thực, thực phẩm. Chính vì vậy, đơn vị sản xuất kinh doanh tham gia thị trường nông sản, gia vị chế biến cần chuẩn hóa sản phẩm ngay từ đầu, đăng ký sở hữu trí tuệ, có chứng nhận chất lượng sản phẩm...

Chuẩn hóa mô hình sản xuất

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu và độ mở sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam thì để cung ứng sản phẩm vào doanh nghiệp FDI hay chuỗi cung ứng của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đa quốc gia thì doanh nghiệp Việt phải thay đổi quản trị công ty, vận hành quy trình sản xuất... Doanh nghiệp bắt buộc phải xây dựng đội ngũ lao động, tích lũy nguồn lực, đầu tư công nghệ... theo tiêu chuẩn quốc tế mới có thể mở cửa chào đón khách hàng công nghiệp đến tham quan, khảo sát và tìm kiếm đơn hàng xuất nhập khẩu. 

Đánh giá thị trường nông sản, gia vị chế biến rất tiềm năng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, nhưng ông Ngô Đình Dũng, Giám đốc điều hành Công ty Giải pháp quản trị tổng thể (ISM) cho rằng, doanh nghiệp cần cởi mở tư duy, đổi mới sáng tạo sản phẩm để tăng sự phong phú cho ngành hàng này. Mặt khác, tất cả sản phẩm ra thị trường quốc tế thì trước hết phải có thương hiệu tại thị trường nội địa và chinh phục người tiêu dùng. 

"Vấn đề quan trọng hiện nay, là doanh nghiệp có chiến lược nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng, khai thác được tiềm năng của thị trường nông sản, gia vị chế biến để có định hướng sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng. Điển hình, khi nói đến nông sản, gia vị thì mọi người thường nghĩ về yếu tố tài nguyên bản địa, bí truyền... nhưng trong bối cảnh hiện nay có thể mở rộng đáp ứng tiêu chuẩn về dinh dưỡng, an toàn, tiện lợi...", ông Ngô Đình Dũng cho biết thêm. 

Để thương hiệu nông sản, gia vị chế biến định vị thương hiệu trên thị trường, thì gia công cũng là một trong những bước cần thiết mang lại điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt xây dựng năng lực sản xuất kinh doanh, hiểu biết thị trường, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng... Hơn thế nữa, những doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn lực chưa đủ sức triển khai nhiều chiến lược toàn diện cùng một lúc như sản xuất, tiếp thị, bán lẻ... thì có thể tham gia chuỗi cung ứng ở những mắt xích phù hợp và tận dụng được lợi thế của mình. 

Nông sản, gia vị và ẩm thực Việt rất phong phú, nên sản phẩm đưa ra thị trường cần chú trọng đảm bảo tính nhận biết sản phẩm, nhận diện thương hiệu, hoặc tuỳ theo phân khúc thị trường mà chuẩn hóa quy trình sản xuất kinh doanh cơ bản cần được ưu tiên hàng đầu. Tiếp theo, doanh nghiệp có thể phát triển thêm một số dòng sản phẩm đặc thù, nâng cấp thương hiệu, hướng đến những phân khúc khách hàng cao cấp.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao khuyến khích, các đơn vị sản xuất kinh doanh nông sản, gia vị chế biến cần "bắt tay" để xây dựng thương hiệu và làm thị trường cho những ngành hàng này, cũng như phát triển sản phẩm nông nghiệp Việt.

Nếu không xây dựng được thương hiệu thì giá cả sản phẩm và năng lực cạnh tranh của nông sản, gia vị chế biện Việt nam sẽ yếu thế trên thị trường khu vực và toàn cầu. Đồng thời, con đường mang sản phẩm xuất khẩu ra thế giới khó rộng mở cho doanh nghiệp. 

Từ thực tế trong hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương, một số doanh nghiệp tại TP.HCM cũng chia sẻ kinh nghiệm, các đối tác, nhà nhập khẩu, người mua hàng... ưa chuộng phương thức trao đổi và chào hàng bằng tiêu chuẩn chất lượng trên cơ sở cung cấp quy trình, hình ảnh, thông tin... sản xuất kinh doanh sản phẩm. Do đó, những doanh nghiệp chuẩn bị và chủ động phương thức kết nối với chuẩn hóa thông tin bằng cơ sở dữ liệu, có nhiều cơ hội nhận được đơn hàng và khách hàng hơn là phương thức giao thương chỉ bằng ngôn ngữ.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất