, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 07/01/2023, 15:17

Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phải gắn với tiêu thụ sản phẩm

ĐỖ HƯƠNG
(baochinhphu.vn)
Muốn xây dựng được vùng nguyên liệu lớn đáp ứng quy mô công nghiệp phải xây dựng mối liên kết giữa nông dân, HTX, qua đó liên kết với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm đầu ra.
Hội thảo "Triển vọng phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ngô, sắn tại khu vực Tây Nguyên" - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ngày 5/1, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo "Triển vọng phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ngô, sắn tại khu vực Tây Nguyên".

Tại hội thảo, Tổ chức Phát triển HTX Hà Lan đã chia sẻ nghiên cứu về phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum. Nghiên cứu cho thấy, các địa phương này có lợi thế phát triển ngành kinh doanh cung ứng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại chỗ về điều kiện tự nhiên phù hợp và diện tích sản xuất sắn, ngô lớn so với cả nước.

Năng suất ngô ở Tây Nguyên cao so với các vùng khác của cả nước và liên tục tăng trong những năm gần đây. So sánh hiệu quả kinh tế cho thấy, cây ngô và cây sắn có khả năng cạnh tranh khá cao với các cây hàng năm khác ở Tây Nguyên.

Khảo sát cũng chỉ ra rằng, người sản xuất ngô, sắn còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, như giá đầu vào cao, thiếu hướng dẫn kỹ thuật, thiếu vốn, lao động…

Nhiều công nghệ tiên tiến về giống, kỹ thuật canh tác, bảo quản, chế biến sắn chậm phát triển, hoặc đưa vào sản xuất ở mức độ khiêm tốn. Nhiều vùng trồng sắn, ngô còn độc canh, kỹ thuật không bền vững, dẫn đến cạn kiệt chất dinh dưỡng của đất và suy thoái môi trường.

Việc cơ giới hóa trong sản xuất sắn và ngô còn hạn chế. Việc sản xuất ngô, sắn còn nhỏ lẻ, chưa được tổ chức tốt, dẫn đến hạn chế về chất lượng và độ đồng đều của sản phẩm, làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường. Các nhà máy chế biến chưa gắn với phát triển vùng nguyên liệu…

Hiện nay, theo tính toán của Bộ NN&PTNT, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước hiện chỉ đáp ứng từ 30 - 35% so với nhu cầu, trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm đến 65 - 70% giá thành. Do vậy, nếu không chủ động nguồn nguyên liệu, sẽ ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm chăn nuôi, giảm năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi...

Ông Nguyễn Quang Tin, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) nêu ý kiến: "Ngô và sắn đều có những kỹ thuật canh tác có thể sản xuất ra sản phẩm cạnh tranh với các loại cây trồng khác, tuy nhiên phải được tính toán được giá của sản phẩm khi sản xuất. Để thuận lợi khi triển khai, cần đưa ra giá cạnh tranh qua đó ký kết hợp đồng với nông dân và địa phương".

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cũng nhấn mạnh đến việc phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp triển khai các mô hình liên kết từ giống cây trồng, sơ chế, chế biến và thu mua nguyên liệu thông qua nông dân và các HTX. Nhiều ý kiến đề nghị cần có cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư và chuyển giao các giải pháp kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất đến nông dân. Đồng thời hỗ trợ thành lập và phát triển các HTX ngô và sắn để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ đầu vào cho nông dân trong sản xuất, bảo quản, chế biến để mở rộng quy mô, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm.

Ông Nguyễn Như Cường cho rằng, Tây Nguyên là vùng thuận lợi để phát triển một số loại cây trồng làm thức ăn xanh sinh khối như ngô, sắn. Để cạnh tranh với những loại cây trồng khác ở khu vực này phải làm sao nâng cao được hiệu quả kinh tế. Muốn xây dựng được vùng nguyên liệu lớn đáp ứng quy mô công nghiệp phải xây dựng mối liên kết giữa nông dân, HTX, qua đó liên kết với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, vai trò của ngành chăn nuôi là rất quan trọng trong tăng trưởng của ngành NN&PTNT. Để xây dựng ngành chăn nuôi tự chủ, một trong những giải pháp là phải chủ động được nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước. 

Thành lập vùng nguyên liệu, quan trọng nhất là đầu ra tiêu thụ, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, qua đó giúp nông dân và HTX nơi triển khai dự án được hưởng lợi.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất