, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 15/10/2021, 06:00

Xóa vị trí độc nhất của chuỗi cung ứng truyền thống

TS NGUYỄN QUANG NHƯ QUỲNH
Đại dịch Covid-19 thay đổi hoàn toàn cách thức vận hành của chuỗi cung ứng và chính người tiêu dùng đã thúc đẩy việc tìm kiếm các giải pháp khắc phục cũng như đổi mới để vượt qua khó khăn.
Hình thức mua bán online ngày càng phổ biến hơn.

Người mua kẻ bán đều khó

Sau hơn nửa tiếng lùng sục trên “cõi mạng” để tìm nguồn cung thực phẩm cho gia đình giữa những ngày bị giãn cách không thể đi chợ, cuối cùng, chị N. ở quận 3 cũng đã đặt đươc 10kg rau các loại từ một cửa hàng online. Chị N. chia sẻ: Mấy tháng qua, việc săn lùng thực phẩm, nhu yếu phẩm của gia đình chị hoàn toàn thông qua các công cụ số. “Nếu không có hệ thống bán hàng online thì không biết lấy gì ăn”, chị N. than thở.

Trường hợp chị H. tại một phường thuộc vùng đỏ trong quận 1 thì lại khác. Khu vực chị ở bị ngăn cách hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Gia đình chị phải thông qua việc “đi chợ hộ” để có được thực phẩm. Dân đông, các chú bộ đội và lực lượng hỗ trợ của địa phương có hạn nên rau củ, thịt cá khi đến được nhà chị thường đã không còn tươi, chưa kể thiếu thứ này thứ khác do nơi bán không đủ hàng và mỗi tuần, chỉ được nhờ đi chợ một hoặc hai lần. Chị H. ước ao có lực lượng giao hàng chuyên nghiệp (như các shipper của Grab, Ahamove…) được tiêm vắc-xin và trang bị đồ bảo hộ đầy đủ để chị có thể đặt hàng trực tiếp với cửa hàng online rồi lực lượng này đi giao hàng sẽ nhanh hơn, tiện hơn và đỡ cực cho các chú bộ đội hơn. “Tôi và nhiều người khác sẵn sàng trả giá cao hơn để đảm bảo được nhu cầu mua sắm cũng như chất lượng hàng hóa trong mùa dịch”, chị H. cho biết.

Trong điều kiện bình thường, nông sản, thực phẩm từ các tỉnh sau khi thu hoạch sẽ được thu mua và vận chuyển về TP.HCM, tập trung phần lớn tại các chợ đầu mối nằm ở các quận ven như Thủ Đức, Hóc Môn, quận 8 hoặc các trung tâm phân phối chính của các siêu thị, trung tâm thương mại. Sau đó, hàng hóa từ những nơi này được phân phối về các chợ, các đầu mối bán lẻ để đến tay người tiêu dùng thông qua việc người tiêu dùng trực tiếp đi chợ, siêu thị hoặc các cửa hàng. Theo thống kê, toàn bộ chuỗi cung ứng truyền thống này đáp ứng khoảng 70% nhu cầu của người tiêu dùng.

Dịch Covid-19 bùng phát, toàn bộ chuỗi cung ứng này bị đứt gãy, gián đoạn do các biện pháp giãn cách hoặc phong tỏa địa bàn để dập dịch. Hệ quả là nông sản, thực phẩm bị ứ đọng tại các vùng nuôi trồng, sản xuất khiến giá giảm trong khi các thị trường tiêu thụ chính, như TP.HCM, lại thiếu hàng hóa làm giá cả tăng vọt.

Tại Lâm Đồng, rau, hoa đã đến kỳ thu hoạch bị ứ lại tại vườn do việc vận chuyển về TP.HCM gặp khó khăn. Chi phí vận tải tăng gấp 2 đến 3 lần, nông dân đành bỏ vườn không thu hoạch vì càng bán càng lỗ nặng.

Tại Cà Mau, tỉnh có diện tích nuôi tôm hơn 280.000ha với sản lượng thu hoạch hàng năm đạt khoảng 200.000 tấn. Dịch bệnh bùng phát, giá tôm tại vùng nguyên liệu bị giảm mạnh vì đầu ra không đảm bảo do hoạt động vận chuyển gặp khó khăn, các nhà máy chế biến thì ngưng hoạt động khi nhiều địa phương áp dụng biện pháp giãn cách xã hội. Hiện nay, giá tôm sú tại Cà Mau giảm 30%, giá tôm thẻ chân trắng giảm 15% so với cùng kỳ trong khi giá vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất tăng trung bình khoảng 10%.

Hoạt động tại chợ truyền thống.

Ứng dụng công nghệ số - nền tảng cho chuỗi cung ứng mới

Chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm truyền thống bao gồm 4 thành phần chính: các nông trại, đơn vị chăn nuôi, trồng trọt; khâu thu hoạch, sơ chế, đóng gói vận chuyển từ nơi nuôi trồng tới thị trường tiêu thụ; tổng phân phối tại thị trường bao gồm công ty phân phối lớn, chợ đầu mối và hệ thống đại lý; người tiêu dùng và cộng đồng người vận chuyển nhỏ lẻ.

Khi xảy ra đại dịch, 4 thành phần trên đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn tới đứt gãy toàn bộ chuỗi cung ứng; trong đó, các nông trại, đơn vị chăn nuôi, trồng trọt gặp rủi ro lớn nhất do phải chịu chu kỳ sản xuất dài nhất trong chuỗi nên khả năng thích ứng với các biến động trên thị trường thấp nhất. Hiện tại, họ đang phải đối diện với bài toán vận hành hiệu quả bằng cách nào khi chi phí đầu vào gia tăng, giá cả bán ra trên thị trường sụt giảm, năng suất cũng sụt giảm do thời gian thâm canh quá nhiều.

Khâu thu hoạch, sơ chế, vận chuyển cũng đứng trước nhiều khó khăn lớn khi toàn bộ hệ thống tổng phân phối (kho vận và chợ đầu mối) bị ngưng hoạt động hoàn toàn. Trên thực tế, hoạt động của thành phần thứ hai trong chuỗi này phụ thuộc chủ yếu vào các tổng đại lý và chợ đầu mối. Trong thời gian tới, nên có các hệ thống khác ngoài các tổng đại lý và chợ đầu mối nhằm giảm tính phụ thuộc vào hệ thống này của khâu thu hoạch, sơ chế và vận chuyển.

Thành phần thứ ba trong chuỗi là hệ thống tổng phân phối. Dịch bệnh khiến hệ thống này đứng trước hai áp lực; một là tiếp nhận lượng hàng từ các vùng sản xuất và hai là áp lực phân phối hàng nông sản ra thị trường trong điều kiện giãn cách. Các điểm bán hàng như siêu thị, cửa hàng trong chợ truyền thống bị đóng cửa đã tạo ra sức ép vô cùng lớn cho chợ đầu mối. Bài toán này cần phải được giải quyết thông qua các giải pháp công nghệ và chuyển đổi số trên toàn chuỗi, song hành với các hệ thống Smart Logistics có khả năng thích ứng và thay đổi linh hoạt.

Người tiêu dùng và lực lượng shipper - thành phần cuối cùng và cũng là nguyên nhân tồn tại của cả chuỗi cung ứng - là thành phần chịu hậu quả cuối cùng khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn; đồng thời cũng là động lực thúc đẩy, kiến tạo những phương pháp cung ứng, phân phối mới trên thị trường. Trong đại dịch, khi nhu cầu tiêu dùng và vận chuyển bị gián đoạn trên quy mô lớn, người tiêu dùng buộc phải xoay xở tiếp cận nguồn cung thực phẩm và nông sản theo các cách khác, như 2 ví dụ về chị N. và chị H. ở trên.

Thực trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong đợt dịch hiện tại đã chỉ ra chuỗi cung ứng truyền thống gần như đang là chuỗi cung ứng độc nhất trên thị trường hiện nay. Do đó, để khắc phục, hạn chế tình trạng khủng hoảng thị trường do đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, đã đến lúc phải thiết kế thêm chuỗi cung ứng thứ hai trên nền tảng ứng dụng công nghệ và chạy song hành với chuỗi cung ứng truyền thống để đảm bảo trong tương lai, khi có các biến động không mong muốn, thị trường vẫn có thể vận hành ổn định.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Thnam Chmay diễn ra từ 13-16/4.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất