, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 22/03/2017, 15:29

Xót xa những ngôi làng cổ dần chìm trong ký ức

Theo THÙY DƯƠNG (Pháp Luật Việt Nam)
Nhà cao tầng tấn công nhà cổ Đường Lâm
Nhà cao tầng tấn công nhà cổ Đường Lâm


 

Làng cổ chỉ còn cái tên

Làng xưa vốn là đơn vị cư trú cơ sở mà người dân quê gắn bó về tình cảm. Lối sống làng với những không gian đóng kín, tính cá nhân thay cho tính cộng đồng. Những mái ngói nâu trầm, những cổng làng tuy cũ kĩ, bong tróc, rêu phong nhưng phủ lên đó là thời gian lịch sử cùng chiều dài, chiều sâu văn hóa làng xã vốn là cái gốc của người Việt.

Theo thống kê, Hà Nội có khoảng 60 làng cổ như: Đông Ngạc (Từ Liêm), Bát Tràng (Gia Lâm)… Nhiều ngôi làng có sự đan xen phong cách truyền thống với phong cách Pháp như làng Cựu (Phú Xuyên), Cự Đà (Thanh Oai)… Trong số 60 làng ấy, chỉ có một làng cổ được công nhận là Di tích quốc gia đó là Đường Lâm. Đáng buồn, Đường Lâm - làng được quan tâm nhất cũng có sự lai tạp.

Cũng bởi dân số tăng, nhiều gia đình phải chia nhỏ mảnh đất cha ông để lại cho các con xây nhà ở riêng, chứ không chung sống theo kiểu gia đình ba, bốn thế hệ trong ngôi nhà truyền thống lợp ngói không tiện nghi hay chật hẹp.

Làng cổ mai một, xuống cấp, biến dạng. Nhiều làng chỉ còn có ý nghĩa của cái tên vì trên thực tế nó đã thay đổi rất nhiều như làng Ngọc Hà, làng Nhật Tân… những ngôi làng này cần chú ý giữ gìn những giá trị còn lại của các yếu tố phi vật thể.

Nét cổ kính xưa của làng Tây Mỗ (Từ Liêm) có được nhờ những hàng cổ thụ lâu năm, cánh đồng xanh vút tầm mắt, không gian sống thanh bình… giờ đang bị các khu đô thị mới “bủa vây”, tàn phá. Các thôn của xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì) xưa đều có cổng làng riêng, nay chỉ còn thôn Thượng Phúc giữ được cổng làng truyền thống.

Làng Mơ (còn gọi là Kẻ Mơ) thuộc quận Hoàng Mai nay không còn giữ được cảnh quan làng mạc, không còn ruộng vườn; làng mang tên phố nhưng dân cư vẫn sống theo thôn, xóm, đường sá chật hẹp, vòng vèo. 

Các làng ven hồ Tây trước nằm trong hệ thống sông, hồ, ao chằng chịt. Tuy nhiên đến nay, có sông không còn dấu vết, các ao đầm bị san lấp hoặc ô nhiễm, tù đọng nước thải. Những điều này khiến cho nhiều năm qua, các làng cổ biến dạng, bị làm xấu, làm bẩn, bị ô nhiễm nặng nề, nhưng việc chống lại, làm chậm lại tốc độ chóng mặt đó lại rất yếu ớt.

Cách đây hai năm, khi dự án Khu đô thị Thanh Hà đi qua gần làng cổ Cự Đà, người dân ở đây được nhận tiền đền bù đất ruộng đã quay về phá những ngôi nhà cổ hàng trăm năm để xây nhà cao tầng. Vật liệu và kiến trúc xa lạ.

Quảng cáo ngay cổng làng mất mỹ quan phản cảm; sự ứng xử; tốc độ, sức ép đô thị hóa; cách ứng xử chưa phù hợp với một di sản sống. Không chỉ người dân Hà Nội mà kiều bào xa xứ đều tỏ ra tiếc nuối mỗi lần ghé thăm ngôi làng.  

Con sông Nhuệ bị lấp dần để xây nhà xưởng, nhiều dấu vết văn hóa xưa kia đã biến mất. Ngay cả tấm biển đề tên làng cũng bị biến dạng đến thảm thương. KTS Lê Thành Vinh không khỏi chua xót: “May còn có cổng vào chứ không chúng tôi khó lòng nhận ra những địa danh ấy nữa”.  

Làng Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam vốn được biết đến với nghề dệt lụa truyền thống. Tuy nhiên, không chỉ nổi tiếng về lụa, ngôi làng này còn tự hào về những ngôi nhà cổ được xây dựng theo kiến trúc Pháp độc đáo có tuổi đời cả trăm năm.

Theo những người dân trong làng kể lại, từ những năm 1920, người dân Nha Xá đã biết đem lụa của làng mình dệt ra đi bán ở khắp nơi, nhiều lái buôn tơ lụa ở Nha Xá trở nên giàu có, nhiều người đã mở được cửa hiệu tơ lụa lớn ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Sài Gòn, thậm chí là Hồng Kông, Nhật Bản…

Cũng trong khoảng thời gian những năm 1920-1940, khi mà cả nước chìm trong đói nghèo thì làng Nha Xá đã dần xuất hiện những ngôi nhà được xây dựng với lối kiến trúc Pháp. Đến nay, cả làng còn hơn 20 ngôi nhà cổ còn giữ được, quá nửa số đó đang xuống cấp, ngôi còn, ngôi mất. 

Vào rạng sáng 25/6/2016, nhiều người dân Mông Phụ khi đi qua cổng làng đã phát hiện cổng làng phía bên phải bị ô tô tông khiến cột trụ bị lệch, gạch lõi bên trong bị xô hẳn sang một bên, kết cấu cột trụ bị biến dạng, có nguy cơ bị đổ xuống bất cứ lúc nào…

Cổng làng Mông Phụ được xây dựng vào đời Vua Lê Thần Tông (1553), mở lối cho trục đường chính dẫn vào làng. Cổng được làm theo kiểu “Thượng gia hạ môn” có nghĩa là trên là nhà, dưới là cổng. Cổng được xây bít đốc, có trụ đỡ mái và đầu nóc, bên trong có khung gỗ, kèo, hoành, rui, trên mái lợp ngói. Thượng lương còn rõ dòng chữ khắc trên gỗ “Thế hữu hưng nghi đại”, nghĩa là “Cuộc đời muốn được hưng thịnh cần phải thích nghi”. 

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân

Thế nhưng không thể bắt người ta có tiền mà lại cứ sống khổ trong nhà cổ, nhà cũ. Với người dân làng cổ Đường Lâm cũng vậy. Chuyện người dân rủ nhau ký đơn trả danh hiệu di sản có rất nhiều nguyên do. Chẳng ai có thể chịu mãi cảnh không có giường nằm, không thể xây nhà vệ sinh, không có quyền sửa sang lại tường cổng?

Bà Nguyễn Thị Hoa, dân làng cổ Đường Lâm thở dài: “Ngày nào cũng có vài ba đoàn khách du lịch. Họ vào xem, ngó nghiêng, ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình người dân. Dân làng ra sức gìn giữ vốn quý, vốn cổ. Chúng tôi bỏ thời giờ, trà nước tiếp đón khách trong khi lợi lộc, người khác hưởng. Dân làng ai còn hào hứng nữa”.

Người ta gọi Cự Đà là “làng đi ở nhờ”, bởi nhiều thế hệ sinh sống trong cùng một ngôi nhà chật chội, xuống cấp... của người khác đã ra phố làm ăn từ thuở xa lắc xa lơ. Có tiền cũng không được phép cải tạo vì nhà cổ nằm trong danh sách bảo tồn. Chủ cũ đi lâu rồi, nhưng sở hữu vẫn của họ, người ở nhờ muốn sửa chữa cũng không được, có khi lại ra đường như bỡn nếu bị đòi lại. 

PGS. TS Hoàng Đạo Kính viện dẫn, có đến 95% người dân ở một xã thuộc tỉnh Hải Dương đã trả lời không muốn ở nhà cũ, nhà cổ. Vì ở nhà cổ cũng kéo theo muôn vàn nỗi… khổ, vì thiếu tính năng, thiếu tiện nghi mà cuộc sống vận động không ngừng nảy sinh ra những nhu cầu thiết yếu. 

Không thể nhân danh giữ gìn làng cổ mà “bó chiếu” cả ngôi làng, mặc cho thời gian hủy hoại làm nó xập xệ còn người dân thì chỉ mong một ngày nào đó được dỡ bỏ, làm nhà mới để “sống cho sướng”. Để rồi, đến lúc nào đó, người dân phá nhà cổ, trong đêm gấp gáp làm nhà “chui” để tránh sự khó dễ của chính quyền, từ đó sinh ra lắm chuyện rầy rà. 

Câu chuyện giữ gìn di sản, Hội An là một ví dụ sinh động. Những năm qua, Hội An không những được bảo tồn về văn hóa mà còn trở thành thương hiệu du lịch. Du khách đến Hội An đều dễ dàng nhận thấy giá trị của di sản không chỉ là những ngôi nhà cổ kính, mà còn là sự thuần phác, nhiệt thành của người dân.

Chính nếp sống và cách ứng xử của họ tạo không khí bình yên nhuốm màu xưa cổ cho những con phố hiền hòa. Đó là linh hồn của phố cổ. Biết bao du khách, người con xa xứ lưu luyến mảnh đất này.  Chỉ cần 10 trong 60 làng cổ Hà Nội làm được điều đó thì đáng quý biết bao.

GS.TS, KTS Hoàng Đạo Kính- Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia nhắn nhủ: “Mình muốn cái hiện đại thì người nông dân cũng muốn cuộc sống hiện đại. “Tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Trước khi trách người dân phá nhà cổ, xây nhà kiên cố khang trang, các nhà quản lý hãy trách mình trước”. 

Hơn ai hết, nhà quản lý cần quy hoạch làng cổ, người dân phải thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình trong đó. Trách nhiệm dân thì có, quyền lợi thì bỏ quên. Điều này khó có thể giữ được không gian, kiến trúc làng bền vững”. Nếu ngay từ bây giờ không có được kế hoạch, quy hoạch đúng đắn hợp lòng dân thì rồi sẽ đến lúc những ngôi làng thân thương chỉ còn trong ký ức.

Widget 'Chân trang - Nông thôn mới'

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất