, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 09/11/2017, 11:49

Xu hướng chế biến sản phẩm từ dừa: Thời của công nghệ và hữu cơ

 

Công nghệ chế biến đã mang đến nhiều sản phẩm từ dừa mới lạ và thân thiện cho người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp đã tiến thêm một bước với mô hình liên kết cùng người nông dân trồng dừa và phát triển các vùng nguyên liệu dừa hữu cơ, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị cho các sản phẩm organic (hữu cơ) từ dừa. 

Nhiều sản phẩm được tạo ra từ dừa. Ảnh: Uyên Linh
Nhiều sản phẩm được tạo ra từ dừa. Ảnh: Uyên Linh

Từ năm 2014, Betrimex (Công ty CP XNK Bến Tre) đã rót tổng cộng 50 triệu đô Mỹ cho nhà máy sản xuất nước dừa tươi và sữa dừa đóng hộp Thành Thành Công ở xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Với các doanh nghiệp gia nhập vào lĩnh vực chế biến nước dừa trước như Lương Quới và Delta, nước dừa chủ yếu được đóng lon. Công nghệ chế biến nước dừa tươi, không chất bảo quản, đóng gói trong hộp giấy theo dây chuyền đầu tư công nghệ tiệt trùng UHT (untra high temperature) từ Thụy Sĩ của Betrimex đã đưa nước dừa Bến Tre chính thức gia nhập vào thị trường nước giải khát có giá trị 2,2 tỷ đô của thế giới.

Từ năm 2014, Betrimex (Công ty CP XNK Bến Tre) đã rót tổng cộng 50 triệu đô Mỹ cho nhà máy sản xuất nước dừa tươi và sữa dừa đóng hộp Thành Thành Công ở xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
Từ năm 2014, Betrimex (Công ty CP XNK Bến Tre) đã rót tổng cộng 50 triệu đô Mỹ cho nhà máy sản xuất nước dừa tươi và sữa dừa đóng hộp Thành Thành Công ở xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Betrimex

Nhà máy của Betrimex đạt công suất dây chuyền sản xuất 8.000 lít/giờ tương đương với 37 triệu lít sản phẩm/năm với 90% sản phẩm dành cho thị trường xuất khẩu đến Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Đông.

Công nghệ mới đã giúp các doanh nghiệp tận dụng triệt để các giá trị gia tăng của dừa. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre: Doanh nghiệp dù cũ hay mới gia nhập đều chú trọng đầu tư công nghệ mới. Năm 2016, giá trị sản xuất các sản phẩm từ dừa chiếm khoảng 15% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của Bến Tre, với khoảng 30 sản phẩm được chế biến từ dừa.

Công nghệ đã giải quyết được các vấn đề về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn VSATTP, đa dạng hóa sản phẩm. Từ việc phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc với 63% vào năm 2005, đến năm 2015, sản phẩm dừa xuất đi Trung Quốc chỉ chiếm chưa đầy 20% và đã có đến 30% các sản phẩm từ dừa của Bến Tre xuất đi thị trường châu Âu và châu Mỹ.

Bắt đầu từ năm 2012 đến nay, 2 “đại gia” ngành dừa Bến Tre là Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới và Betrimex là 2 đơn vị đi đầu trong mô hình liên kết cùng người nông dân trồng dừa và phát triển các vùng nguyên liệu dừa hữu cơ ở Bến Tre.
Bắt đầu từ năm 2012 đến nay, 2 “đại gia” ngành dừa Bến Tre là Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới và Betrimex là 2 đơn vị đi đầu trong mô hình liên kết cùng người nông dân trồng dừa và phát triển các vùng nguyên liệu dừa hữu cơ ở Bến Tre. Ảnh: Betrimex

Vì hướng đến các thị trường tiêu chuẩn cao nên các sản phẩm chế biến từ dừa rất chú trọng đến vùng nguyên liệu dừa hữu cơ để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đó là vùng dừa được canh tác không sử dụng phân hóa học, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, không chăn thả gia súc gia cầm trên vườn dừa và không sử dụng cầu cá trong vườn dừa. Bắt đầu từ năm 2012 đến nay, 2 “đại gia” ngành dừa Bến Tre là Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới và Betrimex là 2 đơn vị đi đầu trong mô hình liên kết cùng người nông dân trồng dừa và phát triển các vùng nguyên liệu dừa hữu cơ ở Bến Tre.

Ở huyện Mỏ Cày Nam, Lương Quới đã xây dựng chuỗi sản xuất dừa hữu cơ theo tiêu chuẩn Nhật, Mỹ và EU trên địa bàn 7 xã với tổng diện tích khoảng 2.500 ha. Tham gia chuyển đổi sang sản xuất dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ, nông dân được hỗ trợ kỹ thuật canh tác, bao tiêu với giá tối thiểu 50.000 đồng/12 trái và sau khi đạt chứng nhận hữu cơ sẽ mua cao hơn 10% so với mặt bằng giá dừa của thị trường. Với Betrimex, vùng nguyên liệu được Control Union – Mạng lưới toàn cầu về tư vấn và kiểm định chất lượng, cấp chứng nhận tuân thủ các quy định nghiêm ngặt chuẩn quốc tế của quy trình canh tác hữu cơ.

Bắt đầu từ đầu năm 2012 với các hoạt động hướng dẫn và tập huấn nông dân canh tác hữu cơ, đến tháng 7/2015, 101,82ha vùng nguyên liệu của Betrimex đã được cấp chứng nhận Organic (EU và USDA-NOP), tái cấp Organic và đạt chứng nhận JAS (Nhật Bản) lần đầu cho 110,4ha. Mục tiêu đến hết năm 2017, Betrimex sẽ phát triển mở rộng 500ha diện tích vườn dừa được chứng nhận.

Các thức uống mới được chế biến từ dừa như nước dừa tươi đóng hộp, sữa dừa đóng hộp được giới thiệu tại khu triễn lãm sự kiện Meong Connect 2017 tại Bến Tre ngày 26.10 vừa qua. Ảnh: Uyên Linh
Các thức uống mới được chế biến từ dừa như nước dừa tươi đóng hộp, sữa dừa đóng hộp được giới thiệu tại khu triễn lãm sự kiện Meong Connect 2017 tại Bến Tre ngày 26.10 vừa qua. Ảnh: Uyên Linh

Bên cạnh mục tiêu mở rộng vùng nguyên liệu, phát triển chuỗi cung ứng nguyên liệu an toàn, tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân trong việc phát triển chuỗi giá trị, hoàn thiện quy trình chứng nhận sản xuất hữu cơ cho ngành dừa; vùng nguyên liệu hữu cơ theo các chuyên gia, chính là lựa chọn tăng giá trị cho các tài nguyên bản địa như dừa. Bà Châu Kim Yến, Tổng Giám đốc Betrimex dự báo: Không chỉ dành riêng cho xuất khẩu, thời điểm thị trường trong nước hội nhập sâu và ưa chuộng trái dừa organic và các sản phẩm dừa organic sẽ không còn bao lâu nữa.

Châu Nhi 

 

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất