, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 24/07/2022, 18:38

Xử lý rơm rạ sau thu hoạch, lợi ích tối đa

ĐỨC TOÀN
(baoangiang.com.vn)
Thay vì đốt rơm rạ sau thu hoạch, được sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) nông dân trên địa bàn đã tận dụng phụ phẩm để phát triển các mô hình trồng nấm, làm phân bón cho cây hoặc làm thức ăn chăn nuôi… Nhờ vậy, vừa giúp nâng cao thu nhập, lại vừa hoàn trả lại nguồn hữu cơ, tăng độ phì nhiêu cho đất, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm lúa gạo theo hướng bền vững.

 

Sử dụng rơm, rạ để trồng nấm rơm

Phát triển mô hình trồng nấm

Châu Thành là huyện sản xuất nông nghiệp, với diện tích canh tác lúa hàng năm gần 80.000ha. Đây là lợi thế rất lớn về nguồn nguyên liệu để phát triển các mô hình trồng nấm rơm. Nằm trong chương trình hợp tác giữa tỉnh An Giang và Thụy Điển, trong năm 2018, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt Đề cương và kế hoạch triển khai dự án thực hiện kế hoạch hành động vì một tỉnh An Giang phát triển bền vững giai đoạn 2018-2020, huyện Châu Thành là địa phương điểm triển khai thực hiện dự án này. Vì vậy, mô hình trồng nấm rơm trong thời gian qua được nhiều nông dân thực hiện, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông hộ.

Đặc biệt, mô hình trồng nấm rơm dạng trụ đã giúp tận dụng diện tích nhà trồng, dễ chăm sóc và dễ thu hoạch. Mô hình đã giúp nhiều nông dân có thêm thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, sau nhiều vụ trồng, ngoài những thuận lợi như trên thì mô hình vẫn có một số nhược điểm: Sau khi tưới thường dưới chân trụ nấm lúc nào cũng dư nước, lượng ẩm trong trại nấm khó kiểm soát, nhất là vào mùa nắng. Bên cạnh đó, việc ứng dụng hệ thống phun ẩm chưa được nông dân triển khai, nhân rộng, khoảng cách giữa các trụ vẫn còn xa chưa tận dụng hết diện tích nhà trồng…

Vừa qua, Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành đã tập huấn, chuyển giao kỹ thuật mô hình trồng nấm rơm trên trụ xoay cho nhiều nông dân trong huyện. Mô hình khắc phục những nhược điểm của mô hình trồng nấm theo dạng trụ, vừa giúp nông dân quản lý tốt việc chăm sóc, thu hoạch… Thử nghiệm và ứng dụng mô hình trồng nấm rơm dạng trụ xoay kết hợp hệ thống phun ẩm nhằm đa dạng, cải tiến hình thức trồng nấm rơm trên địa bàn huyện Châu Thành làm cơ sở nhân rộng và góp phần tăng thu nhập của người trồng nấm rơm trên 1 đơn vị diện tích sản xuất.

Cũng có nhiều nét tương đồng với mô hình trồng nấm rơm dạng trụ, chỉ khác việc mô hình trồng trên những đế xoay, dễ dàng hơn trong việc chăm sóc. Với thiết kế dạng trụ xoay, đồng thời áp dụng công nghệ tưới ẩm giúp việc chăm sóc dễ dàng, tiện lợi hơn, đồng thời tận dụng tối đa diện tích nhà trồng nấm. Ngoài ra, nhờ thiết kế theo dạng trụ xoay, nông dân chỉ cần ngồi một chỗ là có thể thu hoạch được nấm, nên tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức…Với diện tích 42m2, được đặt 4 trụ trong nhà, bình quân mỗi vụ, nông dân thu lợi nhuận khoảng 7,5 triệu đồng.

Tái sử dụng rơm, rạ

Ngoài rơm rạ khô sau thu hoạch lúa thì việc tận dụng nguồn phụ phẩm sau khi trồng nấm rơm để sản xuất phân hữu cơ sẽ là quá trình sản xuất khép kín, từ khâu đầu vào và sản phẩm đầu ra, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng nấm. Do đó, việc tận dụng rơm rạ để ủ làm phân hữu cơ nhằm nâng cao hiệu quả cho người nông dân và hạn chế sự đe dọa đối với hệ sinh thái do lạm dụng phân vô cơ. Đồng thời, giúp đất màu mỡ hơn, giảm rủi ro do sâu, bệnh và hướng đến sản phẩm an toàn là điều rất cần thiết trong sản xuất hiện nay.

Theo đó, Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành đã hướng dẫn nông dân áp dụng 2 hình thức ủ phân hữu cơ từ rơm, gồm ủ không kín và hố ủ kín. Nguyên liệu chủ yếu để thực hiện các phương pháp này là rơm, phân bò khô, nấm trichodermar và tro trấu khô. Đối với phương pháp ủ không kín, cho 1 lớp nguyên liệu từ phụ phẩm sau khi trồng nấm rơm cao 0,3m, cho 1 lớp phân bò 0,1m, 1 lớp tro trấu 0,1m và rải 1 lớp nấm trichoderma, sau cùng tưới nước. Tiếp tục đến khi đống ủ đạt kích thước ngang 3m, cao 1,2m và dài tùy nguyên liệu. Cứ 15 ngày đảo đống ủ một lần, bằng cách cho lớp nguyên liệu bên ngoài vào trong và bên trong ra ngoài. Sau 30 ngày, phân hoai mục có thể sử dụng đối với rơm từ phụ phẩm trồng nấm và 60 ngày đối với rơm cuộn. Đối với cách ủ từ hố kín không cần đảo đống ủ nguyên liệu vẫn đạt yêu cầu.

Ngoài ra, rơm còn được ủ với ure để làm thức ăn cho bò. Với phương pháp đơn giản, như: Hố ủ nổi, hố ủ chìm, chìm một phần và ủ bằng bao ny-lon... Với các phương pháp này, từ 7-14 ngày bắt đầu lấy ra cho gia súc tập ăn dần, giúp nông dân có thêm nguồn thức ăn cho bò trong thời điểm khan hiếm.

Với việc đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ nông dân tận dụng rơm, rạ sau thu hoạch đã giúp nông dân phát triển kinh tế, hạn chế ô nhiễm môi trường. Qua đó, hình thành phương thức sản xuất nông nghiệp tốt, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở các địa phương.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất