
Tại huyện Cao Phong, cây cam được trồng từ đầu thập kỷ 60. Đến cuối những năm 70 của thế kỷ XX, sản phẩm cam của huyện đã được xuất khẩu sang thị trường Liên Xô (cũ). Sau hơn 40 năm (kể từ năm 1980), quả cam Cao Phong lại được vươn ra thị trường thế giới, với sự kiện xuất khẩu cam Cao Phong sang thị trường Vương quốc Anh. Chuyến hàng cam Cao Phong đầu tiên sang Anh có khối lượng gần 7 tấn quả.
Kết quả phân tích các mẫu cam Cao Phong cho thấy toàn bộ các mẫu thử nghiệm không phát hiện bất kỳ hoạt chất nào của gần 900 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật bắt buộc phải phân tích theo tiêu chuẩn châu Âu. Những kiện hàng mẫu gửi sang Vương quốc Anh cũng đã được thông quan mà không gặp bất cứ vấn đề gì về an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Huy Nhuận - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình cho biết trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục hỗ trợ, nâng cao năng lực của các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng cam, nhất là khâu tổ chức sản xuất, sơ chế, đóng gói, bảo quản sản phẩm, thay đổi tư duy trong thương mại, tiêu thụ sản phẩm… Tiến tới đưa những người trồng cam trở thành những công nhân có kỹ năng thành thạo trong sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm; có kỹ năng tốt trong phát triển thương mại.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình tiếp tục mời gọi, hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư thu mua sản phẩm, chế biến sản phẩm. Ngoài sản phẩm quả cam tươi, sẽ phát triển đa giá trị từ quả cam Cao Phong.
Hiện nay, diện tích cây ăn quả có múi toàn huyện Cao Phong là 1.744ha; trong đó, diện tích cam và quýt là 1.358ha, sản lượng trên 20 nghìn tấn. Huyện Cao Phong đã có 7 sản phẩm quả tươi và sản phẩm chế biến từ cam được công nhận OCOP 3 và 4 sao; có 536ha cây ăn quả có múi được cấp chứng nhận VietGAP.