, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 06/02/2023, 12:24

Xuất khẩu chính ngạch không "làm khó" nông sản Việt Nam

XUÂN LỘC
Hầu hết chúng ta đều biết xuất khẩu theo đường tiểu ngạch tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là đối với mặt hàng rau quả tươi. Thế nhưng, có đến 60% - 70% nông sản, thủy sản Việt Nam vẫn đang xuất sang Trung Quốc qua đường này. Nếu khẳng định xuất khẩu chính ngạch mới là hướng đi bền vững, giúp tăng giá trị nông sản. Vậy tại sao bao năm qua doanh nghiệp vẫn chưa thể tận dụng con đường xuất khẩu này và tìm cách “xóa sổ” xuất khẩu tiểu ngạch?
Hình minh họa.

Để trả lời cho những câu hỏi xung quanh vấn đề này, chuyên mục “Bên tách trà” đã tổ chức buổi tọa đàm với sự tham gia của ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn và ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam.

Ngoài ra, tọa đàm còn có bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập Đoàn Xuất Nhập khẩu trái cây Chánh Thu với kinh nghiệm xuất khẩu đa dạng các loại trái cây sang nhiều thị trường khác nhau và ông Ngô Chí Minh - Giám đốc Công ty Minh Hàng, một trong những đơn vị xuất khẩu sầu riêng lớn tại tỉnh Bình Phước. Người mời trà là ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.

Xuất khẩu chính ngạch hay tiểu ngạch?

Ông Hồ Xuân Hùng: Nhân sự kiện thị trường Trung Quốc chính thức mở cửa đón trái sầu riêng tươi Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào tháng 9 vừa qua, chúng ta lại có cơ hội nhìn lại con đường xuất khẩu của nông sản Việt Nam. Hình ảnh bà con Tây Nguyên hồ hởi với lô hàng hơn 100 tấn sầu riêng đầu tiên thông quan thuận lợi sang Trung Quốc thật xúc động và khó quên. Nhưng bên cạnh niềm vui thì cũng phải có sự chuẩn bị chu đáo, bởi cơ hội luôn đi cùng thách thức, chưa nói đến chuyện “đường dài mới biết ngựa hay”...

Ông Hồ Xuân Hùng.

Ông Lê Minh Hoan: Đúng vậy, tôi cho đây là một sự kiện hết sức có ý nghĩa. Sầu riêng vốn là thế mạnh của Thái Lan, nay được người nông dân Việt Nam sản xuất đã đáp ứng các yêu cầu khắt khe của Trung Quốc. Đây là niềm tự hào, niềm vui chung của người trồng sầu riêng từ Tây Nam Bộ đến Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Sự kiện này là kết quả của nỗ lực đàm phán suốt thời gian dài của các cơ quan chuyên ngành giữa hai bên. Đó cũng là kết quả từ những nỗ lực kiên trì của nông dân và cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Việc ký Nghị định thư là cơ hội rất lớn cho ngành hàng sầu riêng. Xuất khẩu chính ngạch mang lại giá trị cao, tăng thu nhập cho bà con nông dân và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Đây là cơ hội để người nông dân, doanh nghiệp, các cơ quan chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương chung tay chuẩn hóa quy trình sản xuất, đóng gói, đảm bảo đầy đủ các yếu tố kỹ thuật. Trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch mở đường cho các loại trái cây nói riêng, nông sản nói chung tiến vào thị trường Trung Quốc và các thị trường tiềm năng khác một cách bền vững.

Ông Lê Minh Hoan.

Bà Ngô Tường Vy: Thực ra, xuất khẩu tiểu ngạch hay chính ngạch đều có những ưu thế riêng. Nhưng xét cho cùng, xuất khẩu tiểu ngạch đặt thương nhân vào tình trạng bấp bênh. Vì chúng ta không được làm việc trực tiếp với khách hàng Trung Quốc, mà phải phụ thuộc vào các đầu nậu ở biên giới hoặc đại diện nước bạn tại Việt Nam. Hơn nữa, xuất khẩu tiểu ngạch chỉ tiếp cận được các tiểu thương, doanh nghiệp nhỏ chứ không thể tiếp cận với doanh nghiệp lớn hoặc hệ thống siêu thị. Nếu muốn chủ động trong việc làm ăn kinh doanh với các đối tác lớn, không cách nào khác hơn là chọn đường xuất khẩu chính ngạch. Đây cũng là con đường bắt buộc để phát triển nông nghiệp theo hướng lâu dài, bền vững.

Ông Nguyễn Thanh Bình: Xuất khẩu chính ngạch hạn chế rủi ro và mang lại giá trị cao cho nông sản, đó là điều dễ thấy. Tuy nhiên, công bằng mà nói, hình thức xuất khẩu tiểu ngạch vẫn có những ưu điểm nhất định đối với các doanh nghiệp Việt Nam và cả phía Trung Quốc. Đó là sự linh hoạt, nhanh nhạy trong việc đáp ứng các yêu cầu của thị trường, thời gian giao dịch ngắn và điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp đó là chi phí thấp, vòng quay vốn nhanh. Nhờ đó mà trong một thời gian dài, xuất khẩu tiểu ngạch đã giải quyết một lượng lớn rau củ quả trên cả nước.

Ông Hồ Xuân Hùng: Một thời kỳ dài, ta phải xuất khẩu hàng hóa qua tiểu ngạch. Và thực tế là dù chúng ta tập trung phát triển chính ngạch thì tiểu ngạch vẫn không dễ gì mất đi. Vì vậy, nhà nước cần phải có những chính sách cụ thể để thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch. Ở góc độ Tổng hội, chúng tôi ủng hộ nhà nước tăng cường quản lý xuất khẩu chính ngạch. Đây mới là vấn đề căn bản, lâu dài, giảm thiểu rủi ro cho phía các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Bình: Ở góc nhìn đa chiều, mỗi một phương thức sản xuất sẽ có những hình thức hoạt động khác nhau. Theo tôi, mặc dù hình thức xuất nhập khẩu chính ngạch sẽ là chủ đạo trong nền sản xuất lớn nhưng xuất nhập khẩu tiểu ngạch vẫn còn giá trị đối với các loại hàng hóa như rau, củ, quả và thực phẩm thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày của con người. Những sản phẩm này thường dễ bị hư hỏng và thời gian bảo quản ngắn, nên phù hợp với xuất khẩu tới những thị trường gần, đó là thị trường biên mậu.

Ông Nguyễn Thanh Bình.

Ông Lê Minh Hoan: Chúng ta nên hiểu rằng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc có tính lịch sử. Và chúng ta cũng không phủ nhận lợi ích từ kinh tế biên mậu. Trung Quốc là thị trường giáp biên, hàng hoá từ Việt Nam đi theo “đường mòn, lối mở”, trao đổi ở biên giới, xuất khẩu tiểu ngạch đã giúp mở rộng quy mô sản xuất cho bà con nông dân nhiều ngành hàng như xoài, thanh long, dưa hấu…

Cần khẳng định xuất khẩu chính ngạch hay tiểu ngạch là do doanh nghiệp hai bên quyết định. Sự lựa chọn phụ thuộc vào khối lượng hàng hóa, điều kiện xuất khẩu, địa lý và cách thức quản lý tại cửa khẩu, nhằm thu lợi nhuận cao nhất hoặc tối ưu chi phí cho doanh nghiệp. Nền nông nghiệp của chúng ta mặc dù đã có nhiều đổi mới, nhưng sản xuất chủ yếu vẫn “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”, hàng hóa sản xuất ra không đáp ứng được cả về sản lượng và chất lượng, mẫu mã không đồng đều.

Trong khi đó, các doanh nghiệp của nước nhập khẩu vận dụng chính sách ưu đãi về thuế đối với mặt hàng thuộc diện trao đổi cư dân biên giới để mua hàng hóa từ Việt Nam. Do không phải đóng thuế và thủ tục thông quan dễ dàng, chi phí thấp và không cần phải ký kết hợp đồng có cam kết với đơn vị xuất khẩu.

Yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe là cần thiết

Ông Ngô Chí Minh: Theo tôi thì nhiều doanh nghiệp vẫn chọn xuất khẩu tiểu ngạch không phải vì được miễn đóng thuế và không cần phải ký kết hợp đồng có cam kết với đơn vị xuất khẩu. Lý do quan trọng hơn là vì đường đi này nhanh hơn, mà rau quả tươi thì cần vận chuyển nhanh. Chỉ mất từ 2 - 3 ngày là hàng đến cửa khẩu. Nếu suôn sẻ thì khoảng 1 tuần sau hàng đã vào thị trường Trung Quốc. Trong khi xuất khẩu chính ngạch mất từ 10 - 15 ngày, rất khó cho mặt hàng rau củ quả tươi nếu không có quy trình bảo quản tốt. Ngược lại, một ưu thế lớn của xuất khẩu chính ngạch là có hợp đồng mua bán rõ ràng, có cam kết của đối tác nước bạn. Vì vậy mà ngay từ đầu công ty thành lập, tôi đã chọn xuất khẩu sầu riêng chính ngạch vào thị trường Trung Quốc bằng đường biển.

Mới đây, nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu chính ngạch của Trung Quốc với tôi là một thử thách. Công ty tôi chưa có mã số đóng gói nên không thể tiếp tục xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này. Hiện chúng tôi đang tạm thời chuyển hướng xuất khẩu sang Thái Lan và Malaysia. Đây là những thị trường trung gian, nên họ mua với giá thấp hơn giá sầu riêng xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc. Tôi cũng chỉ xuất khẩu sầu riêng đông lạnh là chính, không còn xuất khẩu quả tươi như trước.

Ông Ngô Chí Minh.

Ông Hồ Xuân Hùng: Việc “xin” cấp mã đóng gói, mã vùng trồng đang được xúc tiến thực hiện bởi các cơ quan nhà nước. Việc này mà làm chậm thì sẽ làm mất cơ hội, nhưng cũng không vì làm nhanh mà bỏ qua các quy trình nghiêm ngặt mà nhà nước đã quy định.

Đối với doanh nghiệp, thời gian là vàng. Đã có nhiều ý kiến phản hồi đến Tổng hội chúng tôi về những trục trặc giữa cơ quan cấp phép và các doanh nghiệp. Sự không đồng bộ ở các cơ quan cấp phép từ Trung ương đến địa phương vẫn thường xuyên xảy ra, đây là điều cần sớm khắc phục. Mặt khác, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc cũng phải được phối hợp nhịp nhàng, tạo thuận lợi tốt cho doanh nghiệp hai bên, thì mới phát huy được hiệu quả.

Ông Ngô Chí Minh: Năm năm trước, công ty tôi chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm hơn là quy trình sản xuất. Vì vậy, nhà máy được thiết kế thoáng mát. Nhưng nay thì nhà máy phải đảm bảo quy trình một chiều khép kín như yêu cầu từ phía Trung Quốc, nên tôi phải mất thời gian để cải tiến, sửa chữa lại quy trình. Thực tế, việc cấp mã đóng gói, mã vùng trồng không quá phức tạp. Chúng tôi đã được hướng dẫn cụ thể. Hiện công ty tôi vẫn đang cải tiến quy trình để có được mã đóng gói càng sớm càng tốt.

Ông Lê Minh Hoan: Hiện đã có 1.328 cơ sở đóng gói trên cả nước được cấp mã số để phục vụ xuất khẩu chính ngạch. Đến hết tháng 10 vừa qua, cả nước cũng đã có 5.349 vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu, với tổng diện tích trên 300.000ha. Riêng diện tích được cấp mã số chiếm trên 20% tổng diện tích cây ăn trái.

Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục hỗ trợ việc mở rộng diện tích này bằng một số giải pháp như: (1) Tiếp tục đôn đốc các địa phương và đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện các văn bản, tiêu chuẩn, quy trình cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; (2) Mở các lớp tập huấn đến tận cấp xã, hợp tác xã, các tổ chức nông dân; (3) Đổi mới phương thức tuyên truyền, phổ biến các quy định bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm mang lại hiệu quả cao hơn; (4) Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ chủ động, tích cực trao đổi với các nước để nhanh chóng phê chuẩn các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, (5) Khuyến khích các doanh nghiệp đồng hành cùng địa phương, người dân để xây dựng các mã số vùng trồng, mã đóng gói; (6) Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và các phần mềm, ứng dụng công nghệ số để kết nối xuyên chuỗi, hướng đến thực hiện các thủ tục cấp, giám sát, thu hồi mã số trên môi trường mạng…

Ông Ngô Chí Minh: Rất cảm ơn Bộ NN&PTNN đã có những giải pháp thiết thực để mở rộng diện tích cấp mã số xuất khẩu. Tại tỉnh Bình Phước hiện có khá nhiều doanh nghiệp chưa có mã đóng gói như công ty tôi. Nhưng chúng tôi cho rằng, yêu cầu về nhật ký, hồ sơ sản xuất cũng như các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trước khi thu hoạch… là tốt cho nông sản Việt Nam. Khi có yêu cầu kiểm duyệt khắt khe từ phía Trung Quốc, tôi tin là nông sản Việt sẽ có ý thức nâng cao chất lượng, không còn tình trạng chất lượng không đồng đều, bị trộn lẫn những sản phẩm kém như trước đây.

Bà Ngô Tường Vy: Theo tôi thì không quá khó để đáp ứng các tiêu chuẩn mà phía đối tác Trung Quốc đưa ra. Nếu làm theo tiêu chuẩn đặc biệt như GlobalGAP để đáp ứng thị trường cao cấp thì mới khó. Chứ các tiêu chuẩn thị trường Trung Quốc đặt ra chỉ ở mức căn bản. Nông sản chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia như VietGAP, cộng thêm một số tiêu chuẩn nhỏ nữa thì đã có thể đi đường chính ngạch vào Trung Quốc rồi.

Bà Ngô Tường Vy.

Trước đây, khi Việt Nam chưa thể xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, giá sầu riêng chỉ khoảng 30.000 - 50.000 đồng/kg. Năm nay, sau khi chúng ta ký Nghị định thư với Trung Quốc, giá sầu riêng tăng lên gần gấp đôi. Điều này cho thấy nếu “thông quan” được thị trường chính ngạch sẽ giúp gia tăng giá trị nông sản rất cao. Hơn nữa còn giúp ổn định đầu ra cho nông sản đối với đối với thị trường Trung Quốc - là thị trường trọng điểm của trái sầu riêng không chỉ với Việt Nam mà còn đối với Thái Lan và Malaysia nữa.

Ông Lê Minh Hoan: Dù biết nông sản đi đường chính ngạch có giá trị lớn, nhưng những doanh nghiệp tư duy về lợi ích ngắn hạn, “buôn chuyến” sẽ không chọn đường đi này. Một số doanh nghiệp “từ chối” xuất khẩu chính ngạch vì ngại tìm hiểu các quy định trong xuất nhập khẩu và hạn chế tiếp xúc với các cơ quan quản lý nhà nước để tránh việc bị quản lý, giám sát. Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp muốn tận dụng xuất khẩu chính ngạch phải có những tính toán, đầu tư cho việc phát triển thị trường và khách hàng một cách lâu dài, bền vững và uy tín.

Ông Nguyễn Thanh Bình: Hiện tại Trung Quốc và Việt Nam đã cùng tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương thế hệ mới như Trung Quốc – Asean; RCEP và tới đây có thể là CPTPP. Như vậy, quan hệ thương mại Việt – Trung sẽ nằm trong mối quan hệ tổng hòa nhiều mối quan hệ tác động và chi phối lẫn nhau. Việt Nam sẽ không có thời gian để kiểm chứng hậu quả của việc tiếp tục xuất khẩu tiểu ngạch nữa. Ngay bây giờ, chúng ta cần tổ chức lại các hoạt động xuất nhập khẩu đối với thị trường Trung Quốc, lấy xuất nhập khẩu chính ngạch làm chủ đạo vì thị trường này đã và vẫn sẽ là thị trường tiêu thụ lớn nhất, thích hợp nhất đối với các loại nông sản trong đó có rau quả của Việt nam về lâu dài. Với sản lượng rau quả hiện nay khoảng 30 triệu tấn và tốc độ tăng trưởng khoảng 2 triệu tấn tăng thêm hàng năm, tôi cho rằng chúng ta cần có một cách làm đặc biệt hơn đối với thị trường Trung Quốc.

Đừng để mất uy tín thương hiệu quốc gia

Ông Hồ Xuân Hùng: Những yêu cầu nghiêm ngặt từ thị trường Trung Quốc vừa là thách thức, vừa là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tự điều chỉnh chính mình, phải làm sao chất lượng hàng hóa đáp ứng được yêu cầu của thị trường hai bên. Đó mới là con đường làm ăn chân chính và lâu dài. Việt Nam phải luôn khẳng định thị trường Trung Quốc là bạn hàng làm ăn lớn và lâu năm. Nếu có vướng mắc gì thì phải cùng ngồi lại bàn bạc giải quyết, cả cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Bình: Rõ ràng Trung quốc hiện giờ không còn là thị trường dễ tính, một loạt những quy định, điều kiện điều khoản và yêu cầu mà Trung quốc đưa ra đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong những năm gần đây như mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, điều khoản về an toàn vệ sinh thực phẩm, lệnh 248; 249... cho thấy thị trường Trung Quốc không còn là nơi tiêu thụ hàng xấu, hàng kém chất lượng.

Bà Ngô Tường Vy: Đúng vậy. Sắp tới đây, không chỉ sầu riêng mà tất cả các mặt hàng qua Trung Quốc đều phải theo đường chính ngạch, nghĩa là sẽ bị áp dụng các chế tài về tiêu chuẩn chất lượng. Chúng ta phải chuẩn bị chu đáo để không lỡ mất cơ hội, tuyệt đối không thể chủ quan như xưa nay được.

Ông Ngô Chí Minh: Một điều lưu ý là chúng ta không thể chủ quan trong việc xây dựng uy tín thương hiệu Việt Nam. Người Trung Quốc rất coi trọng chữ tín. Họ sẵn sàng trả giá cao hơn nếu sản phẩm chất lượng tốt. Nhưng nếu một vài lần thất tín, họ sẽ có thể “cấm cửa” đối với nông sản Việt Nam.

Thời gian gần đây, đã có những hiện tượng không minh bạch trong những chuyến hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Nông sản ở vùng chưa cấp mã số đã được “hô biến” đưa vào nơi được cấp mã số vùng trồng. Tôi rất lo lắng nếu việc này còn tiếp diễn thì sớm muộn gì cũng sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu của nông sản nước ta.

Ông Lê Minh Hoan: Bất kỳ cách làm ăn thiếu chuyên nghiệp nào cũng sẽ khiến chúng ta sẽ trả giá, đánh mất công sức nhiều năm đàm phán mở cửa thị trường. Đối với nông dân thì đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”.

Còn đối với doanh nghiệp thì phải đoàn kết, hợp tác, có ý thức và đạo đức kinh doanh, giữ gìn thương hiệu, tiến tới xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam. Phải cùng nhau chuyển từ tư duy “thương vụ” sang “liên kết ngành hàng”, hợp tác thay cho cạnh tranh theo phương châm win - win, cả hai cùng thắng, tất cả cùng thắng. Doanh nghiệp kinh doanh ngoài mục đích lợi nhuận còn phải thể hiện văn hoá hợp tác, trách nhiệm xã hội, cùng nhau kiến tạo sự phát triển bền vững.

Bà Ngô Tường Vy: Muốn tận dụng xuất khẩu chính ngạch, thì cần có sự thay đổi về tư duy của cả chính quyền, doanh nghiệp và người nông dân. Chính quyền địa phương và nông dân cần hiểu rằng, thay đổi cách thức sản xuất là yêu cầu của thị trường, anh thích nghi thì mới tồn tại. Việc thay đổi kỹ thuật canh tác, áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP là vì lợi ích của chính người nông dân và lợi ích của ngành nông nghiệp, đâu phải lợi ích của riêng doanh nghiệp? Từ chính quyền, doanh nghiệp đến nông dân, ai cũng có trách nhiệm khi tham gia vào chuỗi liên kết. Các bên phải đồng hành trên tinh thần chia sẻ lợi nhuận với doanh nghiệp thì mới cùng phát triển đi lên được.

Ông Nguyễn Thanh Bình: Để bảo vệ sản xuất trong nước, các thị trường nhập khẩu sẽ ngày càng bổ sung những quy định và điều khoản mới vào hệ thống rào cản gây khó khăn cho hàng hóa nhập khẩu. Nên doanh nghiệp cần có tầm nhìn xa và tư duy chiến lược, chủ động trong việc tìm kiếm và phát triển nguồn lực thông qua hợp tác, liên doanh, liên kết, xây dựng chuỗi cung ứng ổn định, bền vững, nâng cao năng lực tuân thủ, đặc biệt là các thị trường khó tính.

Doanh nghiệp cũng phải chủ động hơn trong việc tìm thị trường, tìm khách hàng đừng chờ khách hàng và thị trường đến với mình. Hãy từ bỏ đường mòn, lối mở an toàn để đi vào những con đường lớn, tuy nhiều thử thách nhưng cũng nhiều cơ hội.

Ông Hồ Xuân Hùng: Muốn tận dụng được xuất khẩu chính ngạch thì doanh nghiệp cần thay đổi tư duy chiến lược. Nhưng doanh nghiệp cũng khó phát huy hết nguồn lực nếu không có sự tham gia của cơ quan nhà nước. Mặt khác, cơ quan nhà nước cũng phải tạo điều kiện cho các hiệp hội ngành hàng tham gia vào quá trình tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn chung, nhằm giúp xuất khẩu chính ngạch giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng phát triển.

Bà Ngô Tường Vy: Chính vì lẽ đó mà vai trò của nhà nước rất quan trọng trong việc quản lý sự minh bạch của thị trường. Chỉ khi nhà nước làm tốt việc này thì mới giữ uy tín cho thương hiệu nông sản Việt Nam, đồng thời đảm bảo sự công bằng cho doanh nghiệp, cho nông dân. Doanh nghiệp rất mong có được một môi trường cạnh tranh lành mạnh, để có thể yên tâm mà đầu tư toàn tâm toàn lực cho xuất khẩu chính ngạch.

Ông Lê Minh Hoan: Nhà nước sẽ tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy việc xuất khẩu chính ngạch, giảm dần con đường tiểu ngạch. Kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, xây dựng, đàm phán ký kết như nghị định thư, thỏa thuận xuất khẩu... Xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát giữa các thành viên theo cơ chế “đồng quản lý” để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, từ đó nâng cao đạo đức trong kinh doanh.

Ngoài ra, nhà nước cũng sẽ có những chiến lược tổ chức sản xuất nhằm tận dụng lợi thế về quy mô để giảm chi phí, tăng chất lượng nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho nông sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Bình: Về phía hiệp hội, chúng tôi cũng sẽ nắm bắt và phản ánh ý kiến của nhà sản xuất, doanh nghiệp với nhà nước; tham mưu góp ý kiến với nhà nước trong việc xây dựng các chính sách phù hợp với việc phát triển ngành nghề rau quả. Ngoài ra, hiệp hội cũng sẽ hỗ trợ nhà sản xuất và doanh nghiệp liên kết xây dựng chuỗi cung ứng rau quả ổn định bền vững, đồng thời giới thiệu, kết nối người bán, người mua trong và ngoài nước, tạo điều kiện mở rộng giao thương đối ngoại.

Ông Lê Minh Hoan: Điều tôi muốn chia sẻ cuối cùng là chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường nhiều tiềm năng nhưng càng ngày càng chuẩn mực hơn. Nên cần hiểu được đặc điểm thị trường, tuân thủ đầy đủ các chuẩn mực mới xuất khẩu thành công, bền vững.

Chúng ta phải “biết người, biết ta”, phải thấm đẫm triết lý kinh doanh “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”. Mỗi chủ thể trong hệ sinh thái ngành hàng đồng hành thực hiện phương châm “Nâng niu nông sản Việt - Nâng niu tâm hồn Việt - Nâng niu giá trị Việt”.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất