, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 08/11/2021, 11:17

Xuất khẩu khởi sắc, tăng tốc cuối năm

MINH CHIẾN
(nld.com.vn)
Kinh tế thế giới đang phục hồi, nhu cầu thị trường tăng vào dịp cuối năm là cơ hội để xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là nhóm hàng mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh
Doanh nghiệp khôi phục sản xuất - kinh doanh, tận dụng cơ hội xuất khẩu dịp cuối năm 2021.

Dù dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp song xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt mức tăng trưởng 16,6%, tương đương giá trị gần 268 tỉ USD. Những tháng "nước rút" cuối năm, xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tiếp tục mang đến kết quả tích cực.

Điểm sáng xuất khẩu

Theo Bộ Công Thương, tháng 10/2021, xuất khẩu đã có dấu hiệu phục hồi, kim ngạch ước đạt 27,3 tỉ USD, tăng 1% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 267,93 tỉ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 92,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 63%).

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò quan trọng, đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước khi chiếm tỉ trọng 86,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể, trong 10 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này ước đạt 230,69 tỉ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tỉ trọng 28,37% tổng kim ngạch xuất khẩu, ước đạt 76,02 tỉ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ; tiếp đến là thị trường Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Với việc thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh để khôi phục sản xuất - kinh doanh, nhiều ngành đã đạt kết quả tích cực trong xuất khẩu.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), cho biết xuất khẩu của toàn ngành 10 tháng qua đạt 32 tỉ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng các doanh nghiệp (DN) dệt may đã chủ động thích ứng và triển khai nhiều giải pháp để không đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất. Bên cạnh đó, DN còn chủ động mua nguyên liệu để bảo đảm nguồn cung cho sản xuất.

Chủ tịch VITAS nhấn mạnh Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã khơi thông nhiều vướng mắc, giúp DN khôi phục sản xuất - kinh doanh.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước trong 10 tháng qua ước đạt gần 38,75 tỉ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2020. Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu có những thuận lợi khi khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng Việt Nam có lợi thế. Một tín hiệu đáng mừng khác là TP.HCM và các tỉnh có tỉ trọng xuất khẩu lớn ở khu vực phía Nam đang từng bước nới lỏng giãn cách, giúp DN dần phục hồi.

Tăng tốc ở 2 tháng cuối năm

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo 2 tháng cuối năm 2021, tình hình xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt. Trong trường hợp không có biến động quá lớn, dự kiến cả năm 2021, xuất khẩu sẽ đạt khoảng 320 tỉ USD, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ vượt mốc 600 tỉ USD.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng nhận định quý IV/2021 có kim ngạch xuất khẩu thủy sản cao nhất năm bởi nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ, EU rất cao. Đây là thời điểm để các DN tận dụng, tăng tốc xuất khẩu dù vẫn đang đối mặt với những thách thức trong quá trình phòng chống dịch.

Về phía DN, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho biết DN đang tăng tốc để hoàn thành những đơn hàng đã ký, hoàn thành mục tiêu quý IV/2021. Tín hiệu lạc quan nữa là DN đã có thêm các đơn hàng đến hết quý I/2022. Tuy nhiên, DN này có dây chuyển sản xuất đặt ở nhiều địa phương nên khi xảy ra dịch đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Ông Việt kiến nghị Bộ Y tế hướng dẫn DN để chủ động xử lý các ca mắc Covid-19, không làm gián đoạn hoạt động.

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng phải tận dụng sự phục hồi của thị trường EU, Mỹ để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh như: dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ, thủy sản đúng dịp mua sắm cuối năm. Bộ Công Thương sẽ làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương để thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giảm các chi phí khai thác hạ tầng vận tải, chi phí kho vận... 

Theo Bộ Công Thương, mặc dù xuất siêu 1,1 tỉ USD trong tháng 10/2021 nhưng do nhập siêu tăng cao trong những tháng trước đó nên tính chung 10 tháng đầu năm 2021, nhập siêu vẫn ở mức 1,45 tỉ USD.

Nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu tăng, các DN trong nước đã tăng lượng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa thế giới tăng nên giá nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, góp phần tăng kim ngạch nhập khẩu nước ta; giá cước vận tải biển tăng cũng làm tăng chi phí, tăng trị giá nhập khẩu...

Giá lúa tại ĐBSCL tăng nhẹ

Nhiều DN đang đẩy mạnh thu mua phục vụ thị trường xuất khẩu khiến giá lúa tại ĐBSCL những ngày qua tăng nhẹ. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tại các tỉnh như Tiền Giang, Long An và Đồng Tháp, giá lúa tươi tại ruộng đối với loại thường từ 5.450-5.900 đồng/kg, loại hạt dài từ 5.950-6.050 đồng/kg (tăng 100 đồng/kg).

Sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, tạo điều kiện cho lưu thông, xuất khẩu gạo khả quan đã giúp giá lúa tăng. Trong đó, lúa IR 50404 được thương lái thu mua tại ruộng ở mức 5.500-5.600 đồng/kg, lúa khô IR 50404 có giá 6.500 đồng/kg, lúa Đài Thơm 8 có giá 6.000-6.200 đồng/kg, lúa OM 5451 từ 5.700-5.900 đồng/kg... Theo VFA, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam vào ngày 4-11 ở mức 438 USD/tấn, gạo 25% tấm là 413 USD/tấn; trong khi giá của Thái Lan lần lượt là 373 USD/tấn và 368 USD/tấn.

C.Linh

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất