, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 31/01/2022, 06:00

Xuất khẩu nông sản chinh phục đỉnh cao mới

ĐẶNG DUNG
(ghi)
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề chưa từng có của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam năm 2021 vẫn ước đạt 48,6 tỷ USD - con số kỷ lục từ trước đến nay. Các chuyên gia đã nói gì về con số này?
Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Quốc Toản  - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản - Bộ NN&PTNT: Chủ động tìm thị trường riêng

Như chúng ta đã biết, trong năm 2021, ngành nông nghiệp đã chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên nhiều phương diện, kể cả khu vực sản xuất nông nghiệp đến khu vực phân phối lưu thông và tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, chúng ta đã có sự nỗ lực rất cao nhằm không để bị đứt gãy chuỗi cung ứng trên thị trường và vươn lên với sức tăng trưởng mạnh mẽ. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 48,6 tỷ USD - vượt mức chỉ tiêu Chính phủ giao, là một con số rất ý nghĩa.

Nhìn lại năm 2021, có thể thấy chúng ta không quá lệ thuộc vào một thị trường xuất khẩu mà đã chủ động tìm ra được những thị trường mới, thị trường ngách như khối Halal - thị trường Hồi giáo toàn cầu. Mặt khác, chúng ta cũng đã quyết tâm đầu tư cho khu vực chế biến nông sản - khâu tạo ra giá trị gia tăng đột phá, giúp cho hàng hóa của chúng ta cải thiện được tình trạng bảo quản, giảm gánh nặng cho khâu logistics.

Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục coi chế biến nông sản, phát triển thị trường là khâu then chốt trong cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2026. Đồng thời tập trung tạo ra những giá trị gia tăng mới, chuyển dịch từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp bằng cách nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân, hợp tác xã và năng lực thị trường của người nông dân. Khi có năng lực thị trường, người nông dân sẽ làm chủ được đầu ra của sản phẩm, chủ động cải tiến theo tín hiệu của thị trường. 

Vừa qua, Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản đã tham mưu Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ đề án Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập và phân tích thông tin thị trường nông sản. Đề án khi được triển khai sẽ hỗ trợ người dân, cộng đồng doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số để nắm bắt thông thị trường đạt hiệu quả hơn.

Ông Hoàng Trọng Thủy  - Chuyên gia nông nghiệp: Cần chú ý đến giá trị thặng dư!

Trong một năm mà toàn cầu đứt gãy chuỗi cung ứng, việc xuất khẩu thiếu thuận lợi, chi phí vận tải tăng cao, nhưng xuất khẩu nông lâm thủy sản của ta lại đạt được con số cao nhất từ trước đến nay: 48,6 tỷ USD là tín hiệu vô cùng đáng mừng. Đầu tiên, phải nói đó là công của người nông dân, các doanh nghiệp xuất khẩu, đã mang lại nguồn hàng cũng như chủ động thích ứng với thị trường, bền bỉ thực hiện được các mục tiêu. Để có thắng lợi này, thương mại điện tử đã góp phần rất lớn trong việc kết nối với thị trường quốc tế. Đây chính là thước đo cho sự tìm tòi, sáng tạo, nỗ lực vượt khó của người nông dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong con số 48,6 tỷ USD vẫn còn đó những lo ngại. Các nông sản chủ lực như gỗ, sản phẩm từ gỗ, cà phê, tiêu, thủy sản... có giá xuất khẩu rất cao nhưng giá trị thặng dư, giá trị sinh lời của người nông dân chưa nhiều do giá vật tư đầu vào cao. Nhìn tổng thế, chi phí vận tải, chi phí cho phòng chống dịch... chiếm phần lớn, dẫn đến thặng dư thấp. Đây là điều đáng chú ý.

Hiện nay, nông sản Việt Nam vẫn còn nằm trong “tầm ngắm” của các thị trường văn minh và thị trường có giá trị sinh lời cao, do hàng hóa của chúng ta vẫn bị ảnh hưởng bởi hai yếu tố: truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm (tồn dư hóa chất...) Để năm 2022, hoạt động xuất khẩu đạt hiệu quả cao hơn thì việc truy xuất nguồn gốc cũng như công tác tài chính, thủ tục hành chính cần phải đảm bảo minh bạch dựa trên công nghệ số.

Ông Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện KT&QL TP.HCM, PCT kiêm TTK Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam – phía Nam: Xuất khẩu nông sản sang EU còn nhiều tiềm năng

Sau vô vàn khó khăn, tình hình đại dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát. Chính phủ của các nước thành viên EU đang thúc đẩy áp dụng giấy tờ đi lại căn cứ vào việc tiêm vắc-xin, nới lỏng các quy định đi lại, mở cửa một phần dịch vụ ăn uống và du lịch. Do vậy, thị trường nhập khẩu nông sản EU đã bắt đầu khởi sắc. Đây là thời điểm thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu nông sản của nước ta sang thị trường này. 

Thị trường EU hiện chỉ chiếm khoảng 11% và vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Để tận dụng tốt cơ hội, hàng Việt Nam cần đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như vận chuyển, lưu thông thông suốt, đây là khâu mà các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn chưa đủ sức đáp ứng đầy đủ.

Chúng ta cần thúc đẩy nông nghiệp xanh tuần hoàn, là nền nông nghiệp sản xuất áp dụng đồng bộ quy trình, công nghệ để sử dụng hợp lý, tiết kiệm đầu vào, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, Việt Nam có thể hình thành hệ sinh thái kinh tế nông thôn, phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, không chỉ phục vụ sản xuất mà còn phát triển kinh tế nông thôn, du lịch nông nghiệp, nông thôn kết hợp với chuyển đổi số một cách phù hợp, bài bản và khoa học các khâu trồng trọt, sản xuất, thu hoạch và phân phối. Đồng thời, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho nông dân, nâng cao dân trí cho nông dân, hướng đến thái độ sống tích cực, khuyến khích tinh thần tự lực, liên kết, hợp tác.

Ông Phạm Văn Tấn - PGĐ Phân viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp góp phần thực hiện cam kết giảm phát thải

Tại Hội nghị về “Biến đổi khí hậu - COP 26” ở Glasgow (Anh) vào tháng 11/2021, Thủ tướng Việt Nam đã cam kết rằng “Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”. Đây là một cam kết rất mạnh mẽ khi Việt Nam vẫn còn là nước đang phát triển.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy sản xuất nông nghiệp chiếm tới 1/3 lượng khí thải - carbon của thế giới. Trong đó, châu Á chiếm đến 44% tổng lượng khí thải - carbon và chiếm tới 90% diện tích lúa của thế giới. Khí thải - carbon phát sinh từ sản xuất nông nghiệp gây biến đổi khí hậu chủ yếu do các hoạt động sản xuất có sử dụng nhiên liệu hoá thạch như xăng, dầu, than đá; các chất khí NOx sinh ra từ các hoạt động sản xuất và sử dụng phân bón cho nông nghiệp; khí methane (CH4) sinh ra do quá trình phân hủy yếm khí của rơm rạ và từ chất thải của các loại gia súc; khí carbonic (CO2) sinh ra do đốt rơm rạ và phá rừng để sản xuất nông nghiệp. 

Đối với sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, để có thể giảm được phát thải gây biến đổi khí hậu nhưng vẫn cải thiện tốt được thu nhập và đời sống của nông dân, đồng thời đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia, trong 30 năm tới cần đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để giảm vật tư và phân bón đầu vào; nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của các sản phẩm đầu ra. Tập trung xây dựng nền “Nông nghiệp bảo tồn” (Conservation Agriculture), tận dụng và nâng cao giá trị các phụ phế phẩm nông nghiệp, không đốt rơm rạ mà sử dụng nó để sản xuất nấm, phân bón hữu cơ cho đất; giảm và thay thế dần phân bón vô cơ bằng các loại phân hữu cơ, vi sinh; sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, thay thế dần các dạng năng lượng hoá thạch. Đồng thời, chuyển đổi một phần diện tích lúa sang các hoạt động sản xuất khác có hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường hơn.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất