, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 06/04/2022, 20:00

Xuất khẩu thủy sản khởi sắc

HƯNG TÂN
(baohaugiang.com.vn)
Những ngày này, các nhà máy chế biến ở ĐBSCL thu mua tôm thẻ chân trắng với mức cao nên người nuôi phấn khởi.

Người nuôi và doanh nghiệp đều lãi

Những ngày này, các nhà máy chế biến ở ĐBSCL thu mua tôm thẻ chân trắng với mức cao nên người nuôi phấn khởi. Hiện giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg có giá 100.000 đồng/kg, loại 50 con/kg giá 132.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 158.000 đồng/kg…, với giá như hiện nay đảm bảo người nuôi có lãi.

Ông Trần Văn Việt, Giám đốc HTX nuôi tôm công nghiệp Thành Công (xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), tiết lộ: “Thời điểm này các ao tôm của bà con đều được thả nuôi chứ không còn “treo” ao như lúc giá xuống thấp trước đây. Dù mới có vài tháng đầu năm nhưng vụ tôm khá thuận lợi, tôm nuôi ít dịch bệnh, giá khá cao nên ai cũng có lời. Tuy nhiên, trăn trở của bà con là giá thành đầu vào của các loại nguyên liệu rất cao”. 

Ông Huỳnh Thanh Tân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến, dịch vụ thủy sản Cà Mau cho biết, do tình hình xuất khẩu cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 thuận lợi nên các công ty chế biến tôm đẩy mạnh thu mua nguyên liệu. Giá mua cao giúp người nuôi có lãi, từ đó kích thích người nuôi tăng cường thả giống trở lại.

Những tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm tại các tỉnh ĐBSCL rất khả quan. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản (chủ yếu là tôm) 2 tháng đầu năm 2022 của tỉnh Cà Mau đạt 165 triệu USD, bằng 15,4% kế hoạch, tăng 101% so với cùng kỳ. Còn xuất khẩu tôm của tỉnh Bạc Liêu đạt trên 113 triệu USD, đạt gần 13% kế hoạch, tăng trên 6% so với cùng kỳ…

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu tôm 2 tháng đầu năm 2022 đạt 550 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ. Dự báo kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2022 vượt mốc 4 tỉ USD. Cũng theo VASEP, hiện Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Đối với thị trường châu Âu năm 2022 nhu cầu tiêu thụ tôm tăng trở lại, nhất là ở Anh, Đức, Hà Lan, Bỉ… Tuy nhiên, mức tiêu thụ sẽ bị tác động bởi xung đột Nga - Ukraine nên phần nào ảnh hưởng đến kế hoạch xuất khẩu.

Trong khi đó, nhiều hộ nuôi cá tra ở An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang… vui mừng khi giá cá nguyên liệu tăng mạnh sau thời gian dài ảm đạm. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ thủy sản Châu Thành (Đồng Tháp), cho hay: “Giá cá tra đang ở mức 29.500 - 30.000 đồng/kg, tăng 4.000 - 5.000 đồng/kg so với các tháng cuối năm 2021; giá này đảm bảo cho người nuôi lời nhiều và là tiền đề quan trọng để phát triển sản xuất trong năm 2022”.

Liên kết phát triển bền vững

Lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn thủy sản Nam Việt nhận định, thời điểm từ đợt Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay thị trường tiêu thụ các sản phẩm cá tra của nước ta trên thế giới có những chuyển biến tích cực với đơn đặt hàng tăng liên tục, giá xuất khẩu cũng tăng theo. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phi lê sang một số nước châu Âu với giá khoảng 3,5 USD/kg, thị trường Trung Quốc khoảng 3,2 - 3,4 USD/kg, riêng thị trường Hoa Kỳ do đòi hỏi chất lượng cao nên giá xuất từ 6 USD/kg trở lên… Đây là mức giá xuất khẩu thuộc dạng cao nhất trong khoảng 2 năm qua. Nguyên nhân chính là nguồn cung giảm, trong khi nhu cầu của thế giới tăng nên giá tăng theo. Ngoài ra, Nam Việt cũng vừa ký hợp tác với một số đối tác ở châu Phi nhằm mở rộng thêm thị trường…

Trong khi đó, VASEP báo tin vui khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa thông báo về kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 17 (POR17) với cá tra đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, giai đoạn từ ngày 01/08/2019 đến 31/07/2020. Theo đó, Công ty CP thủy sản NTSF (NTSF Seafoods) được hưởng mức thuế suất 0% khi xuất khẩu cá tra đông lạnh vào Hoa Kỳ. Điều này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho NTSF Seafoods cũng như các doanh nghiệp khác khi xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ thời gian tới. Tính đến nay, có 4 doanh nghiệp Việt Nam không bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá là Công ty CP Vĩnh Hoàn, Công ty TNHH chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang, Công ty CP Tập đoàn thủy sản Nam Việt và NTSF Seafoods.

Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, giá cá tăng và xuất khẩu tốt là đáng mừng, nhưng cần cẩn trọng việc tăng trưởng nóng trở lại về sản lượng sẽ tiềm ẩn nhiều hệ lụy như tình trạng lạm dụng trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm có thể bị giảm sút, gây mất ổn định ngành hàng... Ngoài ra, các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới mà nước ta tham gia vừa là cơ hội cũng là thách thức để sản phẩm cá tra Việt Nam tiếp tục xuất khẩu vào các thị trường EU, Hoa Kỳ... Trong đó, những yêu cầu ngày càng khắt khe từ các thị trường nhập khẩu đòi hỏi ngành hàng cá tra nước ta phải nỗ lực để đáp ứng.

Đối với con tôm, ông Trần Văn Trung, Giám đốc Công ty TNHH thủy sản An Khoa (Cà Mau) lưu ý, dù xuất khẩu hiện nay thuận lợi nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro, nhất là về thị trường. “Nếu doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào thị trường Trung Quốc thì gặp khó khăn, bởi chính sách kiểm soát dịch Covid-19 của nước này. Trong khi thị trường Nga đóng băng; các thị trường khác thuận lợi nhưng gặp vấn đề là thiếu tàu, thiếu contaier và giá thuê cao”, ông Trung phân tích. 

Còn ông Huỳnh Thanh Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau, chia sẻ thêm: “Tình hình xuất khẩu tôm từ đầu năm đến nay là khả quan. Tuy nhiên, chặng đường phía trước còn dài nên các doanh nghiệp vẫn phải nỗ lực, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu mới có thể trụ vững được. Ngoài ra, cần tăng cường liên kết để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu nhằm chủ động đơn hàng xuất khẩu”.

Trong năm qua, tỉnh Sóc Trăng là một trong những “điểm sáng” về xuất khẩu tôm ở ĐBSCL, với kim ngạch đạt trên 1 tỉ USD. Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, tổng diện tích thả nuôi của tỉnh trên 76.700ha, tổng sản lượng thủy sản đạt 339.000 tấn. Đến nay, diện tích nuôi tôm theo hình thức thâm canh và bán thâm canh chiếm gần 94%; trong đó nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao 9%. Với nguồn nguyên liệu dồi dào đã góp phần cho các doanh nghiệp chủ động chế biến, xuất khẩu. “Sóc Trăng đang đầu tư cho nuôi tôm nước lợ nhằm đưa ngành tôm phát triển bền vững, từ đó tăng giá trị xuất khẩu”, ông Vương Quốc Nam cho biết.

Theo Bộ NN&PTNT, dự báo năm 2022 vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn và thách thức. Vì vậy, các địa phương cần tăng cường liên kết tham gia chuỗi ngành tôm, đảm bảo việc sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm được vận hành liên hoàn, thích ứng với điều kiện mới về dịch Covid-19. Đặc biệt là nhanh chóng tìm giải pháp tiết giảm chi phí giá thành trong bối cảnh các vật tư, thức ăn, thuốc thủy sản… ở mức cao.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất