
Vừa qua, các nhà nghiên cứu đã công bố ước tính về khối lượng mảnh vi nhựa mà ba loài là cá voi xanh, cá voi vây và cá voi lưng gù ở vùng biển phía tây nước Mỹ (biển Thái Bình Dương) nuốt phải và cảnh báo về sức khỏe đối với những loài động vật có vú sống ở khu vực này.
Theo nghiên cứu này, cá voi xanh có thể nuốt khoảng 10 triệu mảnh vi nhựa mỗi ngày, tương đương khoảng 43,5 kg nhựa. Đối với cá voi vây, con mồi chính của chúng cũng là loài nhuyễn thể, con số ước tính hàng ngày là khoảng 6 triệu mảnh vi nhựa, tương đương 26 kg nhựa. Còn cá voi lưng gù ưa loài nhuyễn thể có thể ăn khoảng 4 triệu mảnh vi nhựa (tương đương 17 kg nhựa) mỗi ngày,
Nhà sinh học biển Matthew Savoca của Đại học Stanford, đồng tác giả của nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Communications, cho biết: “Vùng biển phía tây nước Mỹ tương đối ô nhiễm, cá voi tấm sừng hàm có lẽ vẫn nuốt phải hàng triệu mảnh vi nhựa và vi sợi tổng hợp mỗi ngày”.
“Ngoài ra, chúng tôi thấy rằng phần lớn (khoảng 99%) là thông qua con mồi của chúng đã ăn phải nhựa trước đó chứ không phải từ nước mà chúng lọc”, Matthew Savoca nói thêm.
Nghiên cứu này đã minh họa việc cá voi tấm sừng hàm có thể có nguy cơ cao ăn phải vi nhựa như thế nào do phương thức kiếm ăn, khối lượng lương thực tiêu thụ và nơi ở của chúng bị chồng lấn với các vùng biển bị ô nhiễm, nhất là vùng biển phía tây Bắc Mỹ.
Nghiên cứu mới cũng cho biết cá voi thường lọc thức ăn ở độ sâu từ 50 đến 250 mét, đây cũng là nơi nước biển có nhiều mảnh vi nhựa nhất trong vài chục năm gần đây.