, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 16/02/2023, 20:00

“Đóng gói tháng Giêng”

MAI KỲ
Đồng bằng châu thổ sông Hồng, hàng nghìn năm qua luôn được coi là cái nôi của nền văn minh lúa nước. Cây lúa và khoảng nghỉ nông nhàn đã gắn bó với con người, làng quê xứ Việt.

Khu vực này cũng chứa đựng rất nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, từ làng cổ, làng nghề, chợ quê, chợ phiên, dân ca diễn xướng với hàng nghìn điểm di tích, Chùa, Đình, Đền, Miếu, Điện, Phủ, Quán, Am… và hàng trăm lễ hội được tổ chức hàng năm, thường tập trung vào dịp đầu năm âm lịch. Tháng Giêng là khoảng thời gian lễ hội diễn ra nhiều nhất, từ thành phố đến các huyện thị, làng xã, thôn bản, làng nào cũng có hội của làng đấy.

Lễ hội vừa là nơi trở về nguồn cội, về tích xưa chuyện cũ, về tâm linh tín ngưỡng, nơi phong tục tập quán hội làng đã có tự bao đời; vừa là một nét văn hóa giao lưu cộng đồng mà mỗi dịp Tết đến xuân về người ta nô nức hoan hỷ xuôi ngược để đến được với bản thể, bản ngã, đến với ước nguyện, mong cầu.

“Lễ” có nghĩa là thành tín cung kính, còn “Hội” có nghĩa là nơi “Dập dìu tài tử, giai nhân. Ngựa xe như nước áo quần như nêm”.

Hàng triệu người kéo đến các lễ hội, từ lễ hội mang tầm quốc gia, như giỗ tổ Hùng Vương đến chùa Hương, Yên Tử, bà Chúa Kho, đền Trần, Bái Đính, Ba Vàng... khẩn ước, cầu may, cầu an, cầu lộc, cầu tài, cầu tình, cầu duyên, cầu tự, cầu xin đủ thứ trên đời. Một thứ niềm tin mơ hồ nhưng tiêu tốn tiền bạc, sức khỏe tinh thần rất mãnh liệt. Hay ở các xã các thôn cũng có lễ hội rước Thành Hoàng làng, người có công với làng xã. Không chỉ lễ hội của xã mà còn của lễ hội của dòng họ gia tộc.

Tháng Giêng, tháng đầu tiên khởi đầu cho năm mới lại vào tiết trời mùa xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc, vạn vật tươi vui, cũng là mùa sinh sản của nhiều loài. Người ta mong cầu bước sang một năm mới được hưởng khí lành nơi trời đất giao hòa, vạn sự cát tường, cũng là nhu cầu chính đáng.

Tuy nhiên, theo thời gian, Lễ - Hội cũng như bất cứ một hiện tượng văn hóa, xã hội do tiền nhân để lại, ít nhiều cũng chịu sự tác động, thậm chí biến tướng biến dạng, mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh, và dần phải tự thích ứng bởi bối cảnh kinh tế - xã hội đương thời.

Lễ hội, du lịch lễ hội trên thế giới và ở Việt Nam nói riêng được ví như một mỏ vàng vẫn còn hoang sơ. Sức hấp dẫn của các lễ hội đang trở thành tiềm năng lớn để các nhà kinh doanh du lịch quan tâm đầu tư và khai thác. Liệu, có cách nào để “đóng gói tháng Giêng…” thành một sản phẩm du lịch - đúng thực du lịch - nơi không chỉ vãn cảnh thưởng ngoạn thuần khiết nhất với khách thập phương, mà thông qua đó còn là dịp hướng thế hệ tiếp nối hiểu thêm, biết rõ, nhận chân đúng/đủ giá trị lịch sử văn hoá của cha ông để lại không?

Tiến sỹ Sử học Nguyễn Hồng Kiên, thuộc Viện Bảo tồn di tích quốc gia, Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch cho biết: “Có ít nhất 03 vấn đề khi muốn du lịch hoá hoạt động lễ hội cổ truyền Việt Nam”.

Một, không/chưa nghiên cứu và quảng bá đầy đủ về lễ hội cổ truyền. Hoạt động lễ hội của cư dân Việt cổ, như GS. Trần Quốc Vượng, là Hội Mùa (Fête saisonnière) là lễ lạt, sinh hoạt văn hoá theo mùa của cư dân trồng lúa nước. Đó là những Hội - Lễ - Nông - Nghiệp (Fête agricole), những Nghi - Thức - Nông - Nghiệp (Rite agricole). Chính vì không hiểu được ý nghĩa của lễ hội cổ truyền nên có ý kiến cho rằng nhiều lễ hội là hủ tục cần loại bỏ.

Nếu hiểu trò Cướp Phết (tranh giành các quả phết và quả chúi được làm từ củ tre sơn đỏ) chính là nghi thức/biểu hiện của tục Thờ Mặt Trời; hiểu được ước mong cầu được mùa... thì chắc sẽ không ai “phê phán” tính bạo lực của trò diễn này. Nếu, hiểu được máu/chất sống của các động vật được hiến tế (chém lợn, đâm trâu...) là hành động, ước mong về nguồn năng lượng sống của nhiều cư dân từ thời tiền sử, thì cũng không áp đặt tư duy “bảo vệ động vật” của người hiện đại vào lễ hội.

Hai, lễ hội vốn chỉ là một cộng đồng nhỏ. Hầu hết các lễ hội đều chứa đựng trong đó những HÈM của làng xã mà ngày nay ít người hiểu và lý giải được. Ví dụ có hội làng có trò diễn đuổi trộm, diễn lại sự tích về một trong nhiều Thành hoàng làng (đi ăn trộm bị đuổi bắt, trượt chân rơi xuống ao chết đuối, nhưng nhằm trúng giờ thiêng, nên lại được thờ làm Thành hoàng làng). Đã bao đời, dân làng thờ ông ăn trộm, chả ai thắc mắc gì. Nhưng nếu lễ hội ấy được/bị mở rộng cho người ngoài, cho khách du lịch... thì chắc chắn sẽ có “điều ra tiếng vào”. Việc nâng cấp/mở rộng lễ hội của một làng, thành lễ hội của cả nước (để tăng tính thu hút) dễ dẫn tới những xuyên tạc. Cái gọi là “lễ khai ấn đền Trần” là một ví dụ nhãn tiền.

Ba, lễ hội cổ truyền có tính cộng cảm, đồng cảm rất cao. Mọi người tham gia (không chỉ tham dự) đều là chủ thể của những hoạt động, hành động mang nhiều chất tâm linh. Du khách đến xem, không được tham gia trực tiếp, sẽ không hiểu, không thấy được sự hấp dẫn ít nhiều mang tính huyền bí của những Hành Động Hội. Không có cách nào lý giải, thuyết minh bằng lời thay thế được việc người ta là chủ thể của các trò diễn/Hành Động Hội. Đó, có lẽ là những vấn đề không nhỏ để có thể lý giải ngay, mà còn là một rào cản lớn nếu muốn “đóng gói” tất cả thành một sản phẩm du lịch có yếu tố thương mại.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.

Được phát động vào năm 2013, dự án Con đường tơ lụa mới bao gồm khía cạnh nông nghiệp cho phép đẩy nhanh chiến lược an ninh lương thực của Trung Quốc.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất