, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 14/08/2022, 07:30

Giải lời nguyền tài nguyên

TÔ VĂN TRƯỜNG
Có 3 thách thức lớn đối với sự tồn tại và phát triển của loài người, đó là sự quá tải về dân số, nguồn tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt và ô nhiễm môi trường.
Khai thác cát trên sông Đồng Nai. Ảnh: Tuấn Anh.

Ăn” vào tài nguyên - nội dung quan trọng bậc nhất của việc bóc lột thiên nhiên, khiến tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt - chính là cách ăn cắp của thế hệ tương lai. Kéo dài tình trạng này, thế hệ sau chẳng những không còn gì mà còn phải nai lưng trả nợ, nai lưng ra khắc phục môi trường sống bị ô nhiễm, bị hủy hoại.

“Bóc lột nhân đạo”

Các nước nghèo, chậm phát triển - trong đó có Việt Nam - do những yếu kém trong quản lý, trong công nghệ và những giới hạn về tài chính nên thường có khuynh hướng khai thác, đào bới tài nguyên, khoáng sản và bán thô cho nước ngoài để nhanh chóng có tiền phục vụ các nhu cầu trước mắt. Đó là nguyên nhân khách quan khó tránh khỏi. Bên cạnh đó là những nguyên nhân chủ quan xuất phát từ tư tưởng “ăn xổi ở thì”, ngại khó và nóng vội (muốn có tiền) của chính quyền, của người dân các nước nghèo.

Để có lợi nhuận cao, các chủ khai thác trong nước thường áp dụng công nghệ lạc hậu, giảm chi phí xử lý môi trường, gây ô nhiễm và tận dụng nhân công giá rẻ. Điều đó càng khiến tài nguyên, môi trường bị tàn phá nhanh chóng. Các doanh nghiệp nước ngoài thường mua sản phẩm (khoáng sản) đã qua các khâu đoạn tốn nhiều nhân công và gây ô nhiễm môi trường nhất.

Chúng ta đều biết: chi phí môi trường trong cơ cấu giá thành sản phẩm là rất lớn. Vì thế các nước giàu, để giảm giá thành, thường chuyển giao các công nghệ ô nhiễm, chi phí nhân công cao sang các nước chậm phát triển, trong đó có Việt Nam, để các quốc gia này “làm giúp” họ các khâu, đoạn “khó nhai” nhất, tốn nhiều nhân công và gây ô nhiễm môi trường nhất thông qua việc khuyến khích họ bán cho mình các loại tài nguyên, khoáng sản thô. Hình thức “bóc lột nhân đạo” kiểu mới của nền văn minh GDP, thiên về vật chất này rất tinh vi và đang hủy hoại thế giới.

Những bài học tỏng lịch sử

Có tài nguyên không thể không khai thác. Tuy nhiên, bài học về căn bệnh Hà Lan hay “lời nguyền tài nguyên” đã vạch rõ hậu quả của những quốc gia sa đà vào đào bới của cải dưới lòng đất hòng tạo ra bước đột phá về kinh tế. Không chỉ riêng lục địa châu Phi giàu tài nguyên khoáng sản nhưng vẫn đói nghèo, dịch bệnh, chiến tranh triền miên mà ngay cả Hà Lan, nước giàu khoáng sản, mặc dù là quốc gia phát triển nhưng phải trả bài học đắt giá vì đã không duy trì được vị trí đứng đầu thế giới về phát triển công nghệ điện tử chỉ bởi ỷ lại quá nhiều vào dầu ở biển Bắc (hiện thua xa Nhật Bản và Hàn Quốc). “Căn bệnh Hà Lan” ngày xưa cũng chính là “lời nguyền tài nguyên” ngày nay.

Những câu chuyện về đảo Sicily của Ý hay nhiều quốc gia châu Phi là những những bài học đau đớn cho nhân loại về cách khai thác tài nguyên kiểu “ăn tươi nuốt sống“. Sicily là một hòn đảo nhỏ ở Tây Nam nước Ý, đất đai cằn cỗi, cư dân thưa thớt và nghèo xơ xác, chuyên làm nghề đánh cá kiếm ăn qua ngày. Hòn đảo nghèo đến độ mặc dù ở rất gần nước Ý nhưng nước Ý không thèm đếm xỉa tới.

Thời ấy, ở châu Âu, thuốc nổ do ông Nobel sáng chế làm từ lưu huỳnh (S), người ta đua nhau tìm kiếm lưu huỳnh bán cho các xưởng chế tạo thuốc nổ, vũ khí vì vậy, từ thứ bột màu vàng khét lẹt vô dụng, lưu huỳnh đã khiến cư dân ở Sicily trở nên giàu có do hòn đảo này có rất nhiều mỏ lưu huỳnh. Rời bỏ tàu thuyền, cư dân Sicily đi đào lưu huỳnh bán cho thương lái. Tiếng đồn đến tai nhà cầm quyền nước Ý, họ lập tức cho quân thôn tính hòn đảo, dân trên đảo cương quyết chống lại, thế là đội quân xâm lược giết cư dân trên đảo cho đến người cuối cùng. Từ đó, nguồn lợi khổng lồ của các mỏ lưu huỳnh thuộc về nước Ý…

Câu chuyện đau thương nói trên là một minh chứng cho thấy mọi sự thái quá đều không mang lại kết quả tốt đẹp. Được thiên nhiên ưu đãi nhiều quá cũng chưa hẳn đã hay mà đôi khi còn dẫn đến mất mạng, mất đất như Sicily. Ngày nay, chính quyền Ý khôn ngoan đã biến Sicily - với những bãi biển dài xanh thẳm, nhiều cây xanh, hoa thắm, khu đồng muối, làng chài cổ cùng với các di tích lịch sử - thành đảo ngọc, thành nơi du lịch hái ra tiền nhưng bài học về lời nguyền tài nguyên trong lịch sử thì vẫn còn nguyên giá trị!

Thực trạng báo động ở Việt Nam

Ăn vào tài nguyên đang là thực trạng báo động khẩn cấp ở Việt Nam. Các địa phương có khuynh hướng nhằm vào những cái có sẵn nhiều hơn là tạo ra những cái mới. Tình trạng các tỉnh đua nhau khai thác triệt để tài nguyên có sẵn để bán thô nhằm nhanh chóng có nguồn thu diễn ra ở nhiều nơi thay vì đầu tư chế biến để nâng cao giá trị và khai thác có chọn lọc, điển hình là các mỏ kim loại nhỏ ở phía Bắc đến các mỏ đá granite, đá vôi, quặng Titan ở ven biển miền Trung… Tài nguyên từ rừng xuống biển, từ núi cao đến đồng bằng đều bị khai thác đến cạn kiệt.

Có lẽ sẽ không quá lời nếu cho rằng thực trạng “ăn vào tài nguyên” là sản phẩm của nền kinh tế chụp giựt, con đẻ của tư duy nhiệm kỳ và “nền kinh tế GDP tỉnh” kiểu cấp tập chặt cây xanh ở Hà Nội, lấn sông ở Đồng Nai, lấp vịnh Nha Trang ở Khánh Hòa, loạn thủy điện ở các tỉnh miền Trung hoặc cho thuê dài hạn rừng phòng hộ ở biên giới, khai thác khoáng sản tràn lan…

Tài nguyên là một dạng hàng hóa công đặc biệt. Do vậy, cần một hệ thống dịch vụ công phù hợp mới có thể bảo vệ, tái tạo và phân phối tài nguyên một cách khoa học, công bằng.

Một trong những nguyên nhân cốt lõi là khá nhiều quan chức không nghĩ đến quyền lợi lâu dài của đất nước, mà chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân trong nhiệm kỳ của họ. Quyền lợi cá nhân có thể là tiền bạc, cũng có thể là tạo dựng tiếng tăm cho cá nhân. Với mong muốn được lưu danh, không ít vị lãnh đạo sẵn sàng đưa ra nhiều quyết định cho phép khai thác kiểu tận diệt tài nguyên hòng đạt được thành tích trước mắt. Nguyên nhân gì thì đó cũng là tàn phá môi trường, tàn phá thiên nhiên. 

Lấy việc phá rừng để trồng cây ăn quả xuất khẩu làm ví dụ. Về lâu dài, việc tàn phá rừng gây nhiều hậu quả thảm khốc không gì bù đắp nổi cho con người như cạn kiệt nguồn nước ngầm, lũ lụt, môi trường sống của con người và các loài sinh vật khác trên trái đất bị phá hủy.

Đổi lấy điều đó là những kết quả trước mắt về thu nhập cho nông dân, tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn cho địa phương, chưa kể những quan ngại về hiệu quả thiếu ổn định, không lâu dài của các loài cây ăn quả vì sự thay đổi nhu cầu của thị trường và những ảnh hưởng tiêu cực khác từ chuỗi cung ứng như giá cả sản phẩm, năng lực tiêu thụ sản phẩm... Giao những vấn đề thế này cho quan chức địa phương giải quyết với cái nhìn cục bộ về không gian và giới hạn thời gian bởi tư duy nhiệm kỳ là không khoa học.

Trên bình diện quốc gia, không nên quá chăm chăm vào tăng trưởng GDP bằng cách khai thác tận lực tài nguyên, mà nên xét xem sự tăng trưởng có bền vững hay không. Đất nước rất cần những kế hoạch dài hơi được soạn thảo bài bản bởi người có tầm và có tâm, có chủ kiến khoa học để có thể xem xét toàn bộ các yếu tố tài nguyên, kinh tế, xã hội, biến đổi khí hậu… nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất