
“Bắt mạch” thị trường
Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Ngọc Thanh Dân - một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Truyền thông cho rằng: “Công việc nào có thể kiếm tiền, chúng ta đều nên ghi nhận là một nghề. Nhưng để cái nghề đó trở nên giá trị cho chính bản thân người làm nghề, cho doanh nghiệp và xã hội, đòi hỏi người lao động phải có kiến thức và kỹ năng nhất định về một lĩnh vực cụ thể nào đó”.
Bà Nguyễn Ngọc Thanh Dân chia sẻ: “Xuất phát điểm từ chuyên ngành Báo chí, tôi từng nghĩ mình đi học ra và làm báo. Sau nhiều năm đi làm, tôi phát hiện ra mình đã làm rất nhiều nghề khác nhau trong lĩnh vực truyền thông”. Theo bà Thanh Dân, giờ đây, bên cạnh tư duy sáng tạo và khả năng viết lách, người làm truyền thông cần có kỹ năng cập nhật xu hướng, chinh phục đa nền tảng. Youtuber, Vlogger, Tiktoker, KOLs… là những thuật ngữ gắn liền với người làm truyền thông trong thời đại mới.

Nhìn lại hành trình làm nghề của mình, ông Hồ Quốc Thông (cố vấn chiến lược cho các tập đoàn F&B, Former Beverage R&D Manager tại Golden Gate Group và Highland Coffee) cũng cho hay ông khởi đầu là một bartender, trải qua nhiều vị trí khác nhau như R&D (Nghiên cứu và phát triển sản phẩm), F&B Consultant (cố vấn chiến lược), Technical-Sale (cố vấn sale ở góc độ chuyên môn sản phẩm)... “Dù trải qua nhiều vị trí khác nhau, nhưng sau cùng tôi vẫn đang làm trong lĩnh vực F&B” - ông Thông chia sẻ.
Trong một trường hợp khác, Thiên An (cựu học viên ngành Quản trị Nhà hàng Khách sạn - Trung cấp Kinh tế Du lịch TP.HCM) cho biết công việc hiện tại của bạn là phục vụ cho một nhà hàng Fine Dining, nhưng ở một vị trí khá mới mẻ “Storyteller” - người kể chuyện về món ăn. Công việc này giúp cho trải nghiệm ẩm thực được nâng tầm và “đắt tiền” hơn.
Theo một thống kê trích từ báo cáo năm 2018 của Dell Technologies và Institute for the Future (IFTF – Viện nghiên cứu về Tương Lai), 85% công việc vào năm 2030 vẫn chưa xuất hiện. Số liệu này cho thấy các ngành nghề trong xã hội đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Tuy nhiên, trên thực tế, “nghề mới” thực chất là phiên bản mới của những “ngành cũ” - những lĩnh vực nghề nghiệp đã tồn tại từ rất lâu. Nếu “ngành cũ” là những lĩnh vực công việc luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống, thì "nghề mới" là sự “biến hóa” linh hoạt của công việc để trở nên đa dạng hơn, phục vụ cho những nhu cầu của con người trong thời đại mới.
Ở một khía cạnh khác, “nghề mới” cũng có thể hiểu là vẫn với công việc hiện tại, người lao động cần cập nhật, bổ sung thêm nhiều kỹ năng để làm cho công việc trở nên mới mẻ và giá trị hơn.

Học làm “nghề mới” như thế nào?
Theo bà Nguyễn Ngọc Thanh Dân, sự ra đời của các nghề mới sẽ mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đi kèm với những thách thức. Quan trọng là chúng ta dám dấn thân để thay đổi vị trí của mình trong ngành. Với hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực Truyền thông, bà Thanh Dân khuyên các bạn trẻ nên dám chấp nhận thử thách và nỗ lực vượt qua để có những bước tiến trong sự nghiệp. Để làm được, cần kiên định với mục tiêu và không ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng nhằm làm mới bản thân và cống hiến cho công việc.
Ở thời đại 4.0, ông Hồ Quốc Thông cho rằng các bạn trẻ rất dễ tìm hiểu thông tin để học một cái gì đó. Tuy nhiên, điểm hạn chế là khi mọi thứ quá dễ dàng, con người dễ mất đi khả năng tự học. Khi các “nội dung nhanh” được sản xuất nhiều trên mạng xã hội, bạn trẻ lướt xem và nghĩ rằng mình đã có kiến thức, nhưng đó chỉ là bề nổi, chưa có nhiều kiểm chứng.

Từ kinh nghiệm của chính mình, ông Hồ Quốc Thông nhắn nhủ các bạn trẻ nên học cách "sống chậm” cũng như học thêm các kỹ năng để bổ trợ cho nghề chính, nghề gốc của mình. Để có chiều sâu chuyên môn, đọc nhiều sách và đi học bài bản vẫn là những điều cần chú trọng.
“Từ nền tảng chuyên môn, bạn có thể tự học thêm một số kỹ năng bổ trợ. Tôi làm nghề pha chế, nhưng nhờ có kỹ năng nhiếp ảnh, Food Stylist, làm file presentation (thuyết trình)... công việc của tôi tạo ra nhiều giá trị hơn, mang lại thu nhập nhiều hơn và khiến nhiều người biết đến hơn” - Ông Thông cho biết.
Xu hướng tuyển dụng đã nhiều thay đổi. Không quan trọng bạn học ở đâu, nhưng bạn cần cho thấy có kiến thức chuyên môn trong một lĩnh vực cụ thể và có nhiều kỹ năng mềm bổ trợ. Đặc biệt, kỹ năng kỹ thuật số digital đang là điểm cộng ưu tiên.
Bà Ngô Mỹ Linh - Marketing Manager, Adecco Vietnam

Theo báo cáo Future of Job công bố vào tháng 4/2023 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, 10 năng lực quan trọng nhất cho người lao động trong 5 năm tới gồm có: Tư duy phân tích; Tư duy sáng tạo; Khả năng phục hồi và tính kiên cường; Động lực và sự tự nhận thức; Sự tò mò và kỹ năng học tập suốt đời; Kỹ năng công nghệ; Sự đáng tin và chú ý đến các chi tiết; Sự thấu cảm và lắng nghe chủ động; Lãnh đạo và có sức ảnh hưởng xã hội; Kiểm soát chất lượng.
Ở góc nhìn đào tạo, bà Đặng Thị Hoàng Hà (Đại diện Hướng Nghiệp Á Âu) chia sẻ: “Có rất nhiều dự báo về năng lực lao động cần có, nhưng nhìn lại đều có sự cân bằng giữa các yếu tố A.S.K (Thái độ - Kỹ Năng - Kiến thức). ASK là một tam giác đều chứ không lệch hẳn về Skill - Kỹ năng như nhiều người phỏng đoán. Thái độ làm việc và kiến thức vẫn cần được chú trọng, dù cho bạn làm việc ở lĩnh vực nào đi nữa”.
Với sự chuyển dịch nghề nghiệp, khi bạn trẻ có đủ đam mê, dấn thân cùng nghề, biết đầu tư học tập để mở ra những cơ hội mới trong nhiều giai đoạn sự nghiệp, bạn sẽ hạnh phúc khi vẫn được sống mỗi ngày với ngành nghề mình yêu thích.