, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 19/10/2021, 19:00

Người xây nền cho Y học cổ truyền Việt Nam

NA

Cho đến nay, kiến thức về y học trong các tác phẩm nổi tiếng của danh y Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông vẫn được biên soạn, xuất bản và trở thành nguồn tài liệu phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu và thực hành chữa bệnh bằng thuốc Nam trong cả nước.

“Nam dược trị Nam nhân”

Danh y Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, quê ở Nghĩa Phú, huyện Cẩm Giàng (nay thuộc tỉnh Hải Dương). Mồ côi từ nhỏ, ông được các nhà sư nuôi ăn học, đến năm 22 tuổi thì đỗ Thái học sinh dưới triều vua Trần Dụ Tông, nhưng không làm quan mà vẫn tu ở chùa lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh.

Thời gian tu tập cũng là thời gian ông học về thuốc, nghiên cứu thuốc và dùng thuốc chữa bệnh cứu người. Dưới thời Trần, dù triều đình tập trung phát triển nghề thuốc và nghiên cứu y học nhưng chủ yếu vẫn chữa bệnh và dùng thuốc Bắc. Trong hoàn cảnh đó, thầy thuốc Tuệ Tĩnh đã thể hiện quan điểm “Nam dược trị Nam nhân” qua tác phẩm Nam dược thần hiệu (1761), đưa thuốc Nam sánh cùng với kiến thức y khoa từ phương Bắc và hướng đến nền y học dân tộc độc lập, tự chủ.

Ngoài ra “Hồng nghĩa giác tự y thư” của ông cũng là quyển sách về y dược cổ nhất của nước ta.

Đại y tôn Việt Nam

Lê Hữu Trác tên thường là Lê Hữu Chuẩn, hiệu là Hải Thượng Lãn Ông. Ông sinh ra ở thôn Văn Xá thuộc làng Liêu Xá huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, nay thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Vào thời Hậu Lê, toàn bộ lý luận về y học của Trung Hoa đã được dung hòa cùng y học bản địa của người Việt và được danh y Lê Hữu Trác tổng hợp hoàn thiện. Bộ sách Lãn Ông Tâm Lĩnh (hay còn gọi là Hải Thượng y tông Tâm Lĩnh) do ông biên soạn đã trở thành nền tảng cho sự phát triển của y học cổ truyền về sau. Do đó, danh y Lê Hữu Trác được suy tôn là Đại tôn y Việt Nam (người thầy của nghề y).

Ngày nay, bên cạnh sử dụng tân dược để chữa bệnh, một bộ phận lớn người Việt vẫn sử dụng thuốc Nam. Y học cổ truyền góp phần cùng y học hiện đại đẩy lùi nhiều bệnh tật, cứu sống không ít bệnh nhân. Do đó, việc sử dụng và nghiên cứu về thuốc Nam, phát triển nghề thuốc Nam, đặc biệt là việc khai thác, quy hoạch các vùng trồng và kinh doanh dược liệu luôn được quan tâm hàng đầu trong hệ thống chính sách của quốc gia.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất