, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 20/09/2022, 07:53

Xung đột Nga - Ukraine có thể khiến giá ngũ cốc tăng dài hạn lên 7%

LÊ KIÊN
(Tổng hợp)
Theo một nghiên cứu công bố mới đây cho thấy, xung đột Nga – Ukraine có thể khiến giá ngũ cốc tăng dài hạn lên 7%, song song với đó việc mở rộng sản xuất tại những nơi khác để bù đắp khoản thiếu hụt sẽ dẫn đến lượng phát thải khí nhà kính cao hơn.
Xung đột giữa Nga - Ukraine có thể khiến giá ngũ cốc tăng dài hạn lên 7%. (Ảnh minh họa: AFP/Alexander Nemenov)

Nga và Ukraine là 2 quốc gia sản xuất và cung cấp lượng lớn ngũ cốc, chiếm khoảng 28% nguồn cung lúa mì của toàn thế giới. Việc Nga phong tỏa các cảng Biển Đen và lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow đã khiến giá cả tăng trong ngắn hạn và gây ra nhiều lo ngại về một cuộc khủng hoảng nạn đói cấp tính.

Các nhà nghiên cứu ở Mỹ và Uruguay đã mô hình hóa tác động có thể xảy ra của cuộc xung đột đối với giá lúa mì và ngô trong 12 tháng tới thông qua nhiều giả định khác nhau.

Một giả định cho thấy, nếu xuất khẩu ngũ cốc của Nga giảm một nửa và xuất khẩu của Ukraine cũng giảm đáng kể trong một khoảng thời gian, giá ngô sẽ cao hơn 4,6% và giá lúa mì cao hơn 7,2% ngay cả khi các nhà xuất khẩu khác có thể tham gia và lấp đầy sự thiếu hụt này. 

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, việc tăng giá sẽ còn kéo dài nếu xuất khẩu vẫn bị hạn chế. Để thu hẹp khoảng cách về nguồn cung, các nhà sản xuất lớn khác sẽ cần phải mở rộng diện tích trồng ngũ cốc một cách đáng kể.

Nếu tất cả các hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine bị chấm dứt, Úc sẽ cần mở rộng diện tích lúa mì thêm 1%, Trung Quốc mở rộng thêm 1,5%, Liên minh châu Âu 1,9% và Ấn Độ 1,2%.

Việc canh tác nhiều nơi khác để bù đắp khoản thiếu hụt sẽ dẫn đến lượng phát thải khí nhà kính cao hơn. (Ảnh minh họa: FWI/Tim Scrivener)

Phát thải khí nhà kính và an ninh lương thực

Cũng theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Food, sự thay đổi về việc sử dụng đất sẽ dẫn đến việc có hơn 1 tỷ tấn Carbon Dioxide tương đương được xả vào bầu khí quyển. 

Jerome Dumortier – tác giả chính, nhà nghiên cứu tại Viện khu vực và các vấn đề môi trường O'Neill ở Indianapolis, Mỹ, cho biết: “Việc mở rộng đất canh tác do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra đồng nghĩa với việc phải trả giá nhiều hơn đối với vấn đề phát thải khí Carbon”.

Ông António Guterres – Tổng thư ký Liên Hợp Quốc hồi tháng 7 đã cảnh báo, xung đội giữa Nga và Ukraine kết hợp với những tác động thương mại kéo dài do đại dịch Covid-19 tạo ra một “cuộc khủng hoảng nạn đói toàn cầu chưa từng có”.

Mặc dù Moscow và Kiev đã đạt được thỏa thuận vào tháng 7 để nối lại một số hoạt động xuất khẩu ngũ cốc, tuy nhiên vẫn có những lo ngại rằng cuộc xung đột có thể dẫn đến giá lương thực tăng cao trong nhiều năm tới. Theo số liệu của Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc, giá lương thực hiện cao hơn 10% so với một năm trước đó. 

Ông Jerome Dumortier nhấn mạnh thêm, hiện vẫn chưa rõ liệu các nhà sản xuất ngũ cốc khác trên thế giới có thể đáp ứng nhu cầu toàn cầu hay không, điều này có nghĩa giá ngũ cốc có thể tăng cao hơn nữa so với dự đoán. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất