, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 09/05/2024, 19:30

Chuyện từ những dòng sông

GS CHUNG HOÀNG CHƯƠNG
Nước mặn tấn công, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre phải thuê sà lan chở nước ngọt về nhà máy nước xử lý.

Hôm rồi tôi ghé ngang qua quán nhỏ bên đường ở huyện Thạnh Phú vùng sông nước Hàm Luông, con sông này rộng thiệt, chảy ngang qua một cù lao. Cù lao này khá lớn được gọi là Cù Lao Bảo. Cảnh quan cũng vẫn như mấy năm về trước, hàng dừa xanh chạy dài xa tít. Sông Hàm Luông “nở” rộng khi gần giáp biển và mấy chiếc ghe cào chuẩn bị về bến. Buổi chiều, nước lấp lánh nhưng vẫn còn màu đục của phù sa, và con người trên bờ dưới nước vẫn còn tha thiết với xứ dừa có một truyền thống bền bỉ và oai hùng qua những lời trao đổi trong chầu cà phê. 

Tôi viết bài này trên tàu La Marguerite, một du thuyền tầm cỡ thuộc hạng năm sao với một thủy thủ đoàn kinh nghiệm về sông Mê Kông. Tàu đang chở nhiều khách trong chuyến đi với chủ đề “Câu chuyện của những dòng sông” kết hợp những nhà văn và nhà báo nổi tiếng từ Bắc chí Nam. Tôi được đi cũng nhờ một chút am hiểu về lưu vực Mê Kông mà tôi gắn bó trên hai mươi năm nay. Những chủ đề được bàn cãi trong cái nóng của một mùa khô mà người ta đang lo sợ, vì năm nay đã có những dự báo về mùa hạn kéo dài. Mặn sẽ xâm nhập lâu và người nông dân đang lo không có một tài chánh an toàn cho năm sắp tới.

Ngoài kia tiếng máy đều và tàu đang tìm chỗ thả neo để cho những khách trên tàu ngắm hoàng hôn trên sông, khiến tôi nghĩ mình là người sung sướng nhất. Tôi được trải nghiệm bao nhiêu lần trong những chuyến khảo sát chiều dài cũng như chiều ngang, hoặc tả ngạn hay hữu ngạn của dòng sông từ thượng nguồn vùng Thanh Tạng ra đến nhiều cửa biển mà những phân lưu có những tên rất… đồng bằng như Cửa Tiểu, Cửa Đại thuộc hệ thống “Chín Rồng”.

Cổng Ba Lai ngăn mặn ở Bến Tre.

Kinh nghiệm trong quá khứ

Trong quá khứ nhiễm mặn cũng đã xảy ra, và lần nghiêm trọng nhất gần đây là năm 2020. Năm 2016 và 2020 thì qua những bài viết và tường thuật, có khi những phân lưu bị mặn hoá cho đến 4 hoặc 5g/lít và lên tận bốn năm chục cây số về hướng thượng nguồn. Năm 2020 thì độ mặn giảm vào khoảng tháng 4. Cùng thời gian, 2 con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây muối mặn vượt lên đến 80 hoặc 90km. Có người nói năm 2020 coi vậy mà đỡ hơn 2016 rất nhiều. Nhưng năm nay thì không biết ra sao? ĐBSCL đã phải trải qua thử thách và năm nay cũng không phải chịu đựng lần đầu. Những thập niên vừa qua kinh nghiệm với những mùa khô hạn và tình trạng thiếu nước ngọt cũng đã cho người nông dân “thực tập” những mô hình mà tôi nghĩ sẽ giúp được cho năm nay.

Cũng theo những bài tường thuật, thì trong những năm 2016, 2022, nỗ lực trong cộng đồng nông dân đã tích hợp được những ý kiến khá thực dụng như thay đổi canh tác, áp dụng trồng những loại cây ít cần nước hay từ lúa ruộng sang những loại thủy canh như “aquaponics.” Tôi muốn nhắc đến mô hình vườn thẳng đứng của doanh nghiệp Orlar (Úc) đang triển khai tại Việt Nam. Giám đốc nông trại Orlar là Lyndal Hugo cũng là một bạn thân yêu của sông Mê Kông. Bà là Tiến sĩ chuyên gia nông phẩm. Qua những chuyến đi tham khảo cùng tôi, bà đã từng gặp gỡ nhiều nhà khoa học Việt Nam như Giáo sư Võ Tòng Xuân để trao đổi ý kiến về sản phẩm của bà đang được canh tác trên Đà Lạt và sẽ được áp dụng tại Long An.

Tôi nghĩ nông dân mình cũng nên học hỏi thêm những phương pháp khoa học trên để đa dạng hóa ngành nông nghiệp của mình. Trong chiều hướng đó, tôi cũng tham khảo thêm những phương thức khoa học được những nhà nghiên cứu phương Tây đề xuất. Theo những chuyên gia như P.Taroli trong báo cáo gần đây, thì việc phục hồi rừng nguyên sinh có thể giúp giảm mặn (Agroforestry). Trồng lại cây rừng để bớt chất mặn như Canedo Arguelles đề xuất. Đất đã qua nhiều năm canh tác cần được nghỉ và nên dọn sạch những chất hoá học tồn đọng trên bề mặt. Những ý kiến trên tuy dựa trên những nghiên cứu khoa học nhưng khó áp dụng trong trường hợp Việt Nam. Đà tiến triển của hướng đô thị hoá đã vượt quá xa để mình có thể quay lại và gầy dựng những khu rừng mà các nhà khoa học góp ý.

Mô hình vườn thẳng đứng của doanh nghiệp Orlar (Úc) đang triển khai tại Việt Nam.

Ngoài những ý kiến trên thì những phương pháp như ngọt hoá (desalination) bằng công nghệ hay nhìn vào thành tựu của Do Thái (Israel) để học tập. Tuy nhiên trong hoàn cảnh thổ nhưỡng hay địa chất của Việt Nam, cụ thể như của ĐBSCL thì phương thức “desalination” rất tốn kém. Ngoài ra môi trường của vùng Negev, Israel rất khác với Việt Nam và những loại cây trái cũng không phải là loại nhiệt đới như của đồng bằng mình. Phương pháp quản lý nước hay tưới tiêu có thể áp dụng nhưng mình phải sửa đổi cho phù hợp chứ không thể copy nguyên bản. 

Các nghiên cứu khác của những chuyên gia về châu thổ trên thế giới và đặc biệt là những vị có kinh nghiêm với Việt Nam như Shawn McHale, Pascal Bourdeaux, Pierre Brocheux, hay Li Tana đều nghĩ rằng ĐBSCL đòi hỏi một góc nhìn khác nếu so sánh với Đồng bằng sông Hồng chẳng hạn.

Năm nay, cuối tháng tư, khi tôi viết những dòng chữ này thì cũng có nhiều thông tin cho biết là năm nay có thể El Nino hay La Nina sẽ trở lại và kéo dài lâu hơn. Chúng ta hẳn đã cảm nhận được qua chuỗi ngày nóng tiếp nối rất khó chịu trong những tháng đầu năm. Cũng không lạ gì khi có sự đổi hướng những luồng gió (trade winds) từ phía Nam Mỹ (South America) của phía bên kia Thái Bình Dương làm thay đổi thời tiết. Theo chu kỳ một vài năm thì hiện tượng này sẽ xuất hiện lại. 

Sáng kiến bản địa khôn khéo

Trong những thông tin đầu tiên được tiếp nhận trong nhóm của những người bạn ở ĐBSCL, có những địa phương đã áp dụng nhiều phương thức. Tôi nghĩ đến những chia sẻ của những người bạn ở Giồng Trôm, Bến Tre. Hiện đã có một số xà lan nhiều cỡ khác nhau đang làm nhiệm vụ tiếp tế nước cho những vùng bị xâm mặn, bằng cách thử độ mặn của dòng nước mình đang neo tàu, nếu như độ mặn không cao thì họ sẽ hút lên để chuyển đến những vùng bị mặn đến 4g/lít. 

Như vậy, nếu kéo độ mặn xuống thì cứu được những loại hoa màu hay những vườn trái cây sắp chín để hạn chế thiệt hại cho người nông dân. Cái linh hoạt là họ có dụng cụ đo đạc độ mặn và phản ứng kịp thời. Cùng lúc họ cũng tiếp tế cho những công ty nước tư nhân để phục vụ cho khách hàng trong xã hoặc trong huyện. Đây là những sáng kiến bản địa rất khôn khéo, mặc dù họ cũng sẽ có lợi nhuận trong những thương vụ “bán nước” này. Đây là trường hợp tôi được biết về xã An Phú Đông của Bến Tre. 

Ngoài ra, những đoàn xe Hoa Lâm chở nước ở Huyện Giồng Trôm cũng rất nhanh nhẹn cung cấp nước cho người dân. Mỗi chiếc xe lam ba bánh có thể chuyên chở một khối nước để phân phối. Mỗi mét khối thì khoảng 130.000 đồng tuỳ theo độ xa gần. Còn có thêm những mạnh thường quân với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, giúp thêm với phí tổn chuyên chở trong trường hợp Chợ Lách với ngành hoa kiểng.

Xe bồn chở nước ngọt cho bà con đang chịu hạn mặn ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

Trên đây là những ví dụ về mô hình tiếng Anh gọi là “Mitigation and Adaptation” (giảm thiểu nguy cơ và phù hợp tình huống). Mặc dù đây chỉ là một ví dụ nhỏ nhưng tôi nghĩ yếu tố bản địa và nhân văn được thể hiện trong lối ứng xử. Mô hình có tính chất bản địa phối hợp cùng khoa học, nếu có dịp phân tích kỹ, sẽ mở rộng thêm tầm hiểu biết về sự vận dụng kiến thức địa phương của người dân trong nhiều trường hợp khác nhau trên một vùng rộng lớn như ĐBSCL với dân số gần 20 triệu người.

GS CHUNG HOÀNG CHƯƠNG - Chuyên ga độc lập, Đại học tiểu bang San Francisco, Mỹ

Tags

Bình luận

Xem nhiều

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1




Nổi bật

Bây giờ đi đâu cũng rầm rộ xây dựng Nông thôn mới, nhưng chẳng nghe trong báo cáo nào khoe “xã tôi thôn tôi có phong trào đọc sách”.
Được quan tâm



Tại xã Tân Hưng Ðông (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), chị Nguyễn Thị Quyên đã nghiên cứu, áp dụng phương pháp nuôi cua trong hộp nhựa bằng công nghệ lọc tuần hoàn. Mô hình này mở ra cơ hội cho những người có ít đất sản xuất.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất