Việt Nam cũng tiếp cận, học tập kinh nghiệm “Mỗi làng/xã một sản phẩm” rất sớm nhưng lại đi theo hướng “nghề” với mô hình “Mỗi làng một nghề” thay cho “sản phẩm”. Đến năm 2013, tỉnh Quảng Ninh tiên phong thực hiện Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm gắn với xây dựng Nông thôn mới. Và phải đợi đến 2018, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) mới chính thức ra đời, theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 490/QĐ ngày 7/5/2018. Nhìn lại chặng đường đã qua, được cũng lắm mà chưa cũng nhiều…
Làn sóng… sao
Có thể nói những năm đầu, OCOP là một chương trình phát triển kinh tế nông thôn được các địa phương đón nhận và triển khai nhanh chóng nhưng kỹ càng, chặt chẽ, từ bước mời tư vấn lập và phê duyệt đề án cấp tỉnh, kế hoạch/phương án cấp huyện đến các bước tổ chức tập huấn, theo dõi chỉ đạo, hỗ trợ và cuối cùng là đánh giá phân hạng sản phẩm.
OCOP đã tạo được một xung lực mới, khơi dậy các nguồn lực nội sinh phát triển các sản phẩm từ nguồn tài nguyên bản địa ở nông thôn. Chỉ sau hơn một năm triển khai, đến hết năm 2019, có 19 tỉnh đánh giá, phân hạng và công nhận cho 900 sản phẩm OCOP của 583 chủ thể; đến cuối năm 2023 đã ghi nhận con số 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.189 sản phẩm so với năm 2022, vượt chỉ tiêu 10.000 sản phẩm), với 5.724 chủ thể tham gia.
Vài năm đầu, chủ yếu OCOP làm mới, nâng cao giá trị gia tăng cho những sản phẩm cũ và ngày càng thêm nhiều sản phẩm mới. Các sản phẩm OCOP nhanh chóng thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng, nhất là cư dân đô thị đang cơn khát “sản phẩm quê” có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nhiều sản phẩm đã được kết nối vào hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước, đưa vào tất cả các hệ thống phân phối lớn trên địa bàn cả nước như: Go!, MM Mega Market, Saigon Co.op, Winmart, Winmart+… một số sản phẩm đã xuất khẩu.
Chủ các doanh nghiệp khởi nghiệp, các HTX hay hộ kinh doanh phần lớn là nông dân; từ chỗ chỉ biết bán mớ rau, củ sắn... một cách trần trụi, khi làm chủ thể OCOP họ mới biết làm sao để có được sản phẩm hoàn chỉnh, có bao bì mẫu mã đẹp, có mã truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu hàng hóa... đến câu chuyện marketing để bán được nhiều sản phẩm. Đây là thành công lớn nhất của chương trình.
Trong điều kiện sản xuất nông hộ nhỏ lẻ hiện nay, các chủ thể OCOP tỏ ra có lợi thế trong hợp tác, liên kết sản xuất ở nông thôn; từ đây, có thể chủ động thúc đẩy nhiều nội dung khác trong phát triển kinh tế nông nghiệp như hình thành hợp tác xã, cấp mã vùng sản xuất và truy xuất nguồn gốc nông sản... Khi có OCOP, các địa phương có nội dung cụ thể và phương thức tiếp cận, hỗ trợ hiệu quả hơn để thực hiện các tiêu chí liên quan đến phát triển sản xuất, tăng thu nhập trong thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, thay cho các hoạt động cấp phát xây dựng mô hình sản xuất, vốn không mấy hiệu quả.
OCOP đóng góp tích cực và trở thành một trong các nội dung thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Ở một khía cạnh liên quan khác, OCOP đã góp một tỉ lệ lớn các chủ thể, sản phẩm cho phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; các sản phẩm công nghiệp nông thôn được lồng ghép triển khai, đã thúc đẩy, hỗ trợ nhau phát triển.
“Trùng” và “rụng”
Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện. Đến nay có thể thấy, OCOP đã bị giảm dần sức hút. Sau gần 6 năm thực hiện, lẽ ra nhờ tích lũy nhiều kinh nghiệm sẽ giúp OCOP ngày càng tốt hơn nhưng xem ra ngày càng bộc lộ thêm những hạn chế.
Từ các báo cáo kết quả thực hiện 5 năm (đến cuối năm 2023) của cả nước và một số tỉnh, số lượng nhiều đã tạo được sự phong phú đa dạng nhưng cũng dễ thấy sự nhàm chán. Techfest Quảng Nam 2023 khá đồ sộ với số gian hàng tham gia của nhiều tỉnh, trùng lắp sản phẩm trong cùng vùng miền rất rõ; trùng lắp sản phẩm của các địa phương trong cùng một tỉnh càng nhiều hơn.
Các tỉnh miền Trung đều có nước mắm, dầu phụng (dầu lạc), mật ong, yến sào, hải sản khô, bánh tráng, sợi bún/ mì, nấm và một số dược liệu khô... Từ nguyên liệu, sản vật đặc thù địa phương làm ra sản phẩm OCOP thì khó tránh trùng lắp nhưng không tạo được sự khác biệt, đặc sắc thì khó mở rộng thị phần để ra khỏi “ao làng”, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Dễ nhận ra hàm lượng khoa học, công nghệ trong các sản phẩm OCOP còn thấp, chủ yếu là các sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Quy trình, công nghệ chế biến còn đơn giản, thậm chí còn lạc hậu. Phần lớn sản phẩm, thông tin trong mã vạch, QR code nghèo nàn, đa phần phải mua gom nguyên liệu nên chưa đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc - đây là một rào cản khi muốn xuất khẩu sản phẩm. Sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm đúng mức, nhiều chủ thể chưa hiểu rõ và chưa chủ động đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu, bảo hộ mẫu mã, bao bì, kiểu dáng công nghiệp.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều gặp nhau ở tâm tư: Tiêu thụ sản phẩm còn chậm và gặp nhiều khó khăn, rất ít sản phẩm xuất khẩu; ngược lại, người tiêu dùng lại khó tìm mua sản phẩm OCOP mình cần. Nguyên nhân dễ thấy là kết nối cung cầu chưa tốt, chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại mang tính kết nối, chuyên sâu về sản phẩm OCOP, chưa trở thành giải pháp hỗ trợ tích cực, tạo động lực cho các chủ thể tham gia vào chương trình. Các trung tâm, điểm bán hàng OCOP còn yếu về năng lực và hiệu quả hoạt động.
Trong năm 2023, Đồng Tháp có 25 sản phẩm bị thu hồi; Cà Mau 9 sản phẩm; Lào Cai 7 sản phẩm; Sơn La 6 sản phẩm; Quảng Trị 6 sản phẩm; Nghệ An 3 sản phẩm; Quảng Nam 3 sản phẩm. Nguyên nhân thu hồi là vì không thực hiện đúng quy trình sản xuất đã công bố, sản phẩm không bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; chưa xây dựng và áp dụng quy trình sản xuất cho vùng nguyên liệu; không sản xuất theo đúng chất lượng, mẫu mã đã được chứng nhận OCOP; không có quy trình sản xuất; cơ sở đã ngừng hoạt động hoặc sản xuất không thường xuyên…
Tiếp sức cho cuộc chạy đường dài
Xu thế sản xuất và tiêu dùng xanh đang lên ngôi, nên giải pháp cho sản phẩm OCOP đi đường dài mà không gãy cánh giữa chừng, là chuyện phải làm ngay. Đầu tiên là nhà nước phải bảo đảm cho OCOP không chệch hướng, phát triển đúng nguyên tắc (Hành động địa phương hướng đến toàn cầu; Tự lực, tự tin và sáng tạo; Đào tạo nguồn nhân lực), tuân thủ chu trình; nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện, tuyệt đối không áp đặt. Một số ý kiến cho rằng bộ tiêu chí mới đưa ra một số yêu cầu quá cao, khó có sản phẩm đạt 4, 5 sao và nhiều chủ thể chưa đủ điều kiện xin đánh giá lại các sản phẩm 4 sao đã hết hạn…
Thiết nghĩ đã đến lúc nên dừng cuộc đua số lượng, chú trọng nhiều hơn đến sản xuất thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm. Các chỉ tiêu về số lượng chủ thể, sản phẩm là các định hướng để lập kế hoạch theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ. Nhất thiết, đừng xem đây là một trong số các nội dung thi đua, chắc chắn sẽ sinh ra bệnh thành tích gây nhiều hệ lụy.
Điều này càng dễ xảy ra khi hiện nay đã giao cấp huyện đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Vì thế, cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát nhằm bảo đảm sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng đúng với các tiêu chí của từng hạng sao; sự đồng đều tương đối của sản phẩm cùng hạng giữa các địa phương, nhất là hạng 3 sao; kịp thời phát hiện, thu hồi công nhận với sản phẩm không đạt hạng sao đã cấp.
Các hộ kinh doanh nhỏ và vừa gặp khó khăn rất nhiều về vốn và kỹ thuật, nên bài toán nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả, dễ thực hiện cần phải tìm lời giải. Đáp số nằm ngay ở các địa phương, đó là cần hỗ trợ một phần chi phí nhà xưởng, thiết bị; tín dụng ưu đãi; ưu đãi về đất đai xây dựng cơ sở sản xuất; ứng dụng khoa học công nghệ, bảo hộ nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp; liên kết phát triển vùng nguyên liệu.
Làm ra sản phẩm thì phải có chỗ bán. Muốn bán được phải chào hàng. Doanh nghiệp cần chỗ dựa ở nhà nước trong việc xúc tiến thương mại, kể cả xúc tiến thương mại nhằm phát triển sản phẩm OCOP ra thị trường nước ngoài; kết nối cung - cầu thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc gắn với văn hóa cấp địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế. Các địa phương lựa chọn địa điểm, rà soát điều chỉnh, tiếp tục duy trì hỗ trợ để nâng cao hiệu quả các trung tâm/điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP. Hỗ trợ phát triển mạnh thương mại điện tử...
Về phía chủ sản phẩm OCOP, đừng mắc bệnh “thấy người ta ăn khoai, mình vác mai đi đào”, mà cần có nghiên cứu kỹ về nguyên liệu, công nghệ, thị trường... để lựa chọn đúng sản phẩm; chú ý tính riêng biệt, đặc trưng, đặc thù, lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại (nếu có). Khi đã sản xuất, kinh doanh, chủ thể OCOP cần chủ động liên kết xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu sản xuất; bảo đảm khả năng truy xuất nguồn gốc theo chuỗi từ nguyên liệu đến sản phẩm OCOP.
Chủ sản xuất phải lượng sức đến đâu, làm đến đó, nếu quy mô sản xuất nhỏ nhưng nhà xưởng đảm bảo các quy chuẩn theo quy định, lựa chọn quy trình công nghệ, thiết bị tiên tiến, ứng dụng số hóa vào quản lý, sản xuất, bán hàng, không ngừng nghiên cứu giảm giá thành sản phẩm, tham gia liên tục vào chu trình OCOP trong nâng hạng sản phẩm đã có và thêm sản phẩm mới để nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm, thì chuyện… rụng sao mới khó xảy ra.