, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 11/09/2023, 06:30

Cam kết phát triển bền vững trên sông Sài Gòn và Cần Giờ: "Lật bài ngửa" được - mất mới tin!

MINH TRIẾT
Từ trung tuần tháng Bảy đến tuần đầu tháng Tám, tại TP.HCM đã diễn ra các hoạt động thị sát của Thủ tướng Chính phủ, làm việc của Bộ ngành Trung ương với TP.HCM nhằm tính toán, thúc đẩy hai siêu dự án là Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và Khu đô thị lấn biển Cần Giờ có tổng vốn 346.000 tỉ đồng, sẽ khởi công vào năm 2025.

Cùng với đó, lần đầu tiên, thành phố tổ chức Lễ hội sông nước với tham vọng khai thác tiềm năng của sông Sài Gòn nói riêng, hệ thống sông rạch và mạng lưới giao thông thủy trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, áp dụng vào kinh tế du lịch, kinh tế đêm, kinh tế tuần hoàn…

Đua thuyền trên sông Sài Gòn.

Được biết, trong điều chỉnh quy hoạch tổng thể TP.HCM và quy hoạch kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn mới, yếu tố sông đã được bổ sung như một ưu thế cần được bảo vệ lẫn thúc đẩy phát triển.

Cùng lúc, khi tầm nhìn hướng biển - ven sông đang được tái định vị, nghĩa là nội lực của một đô thị cảng sông vốn đã xác lập từ thuở định đô Sài Gòn - Gia Định nay tiếp tục được khai phóng gắn với xu thế phát triển mới, dựa vào sức mạnh thiên nhiên để vừa tôn trọng và bảo vệ tài nguyên vừa phát triển xã hội. Như điểm nhìn của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi về Cần Giờ: “Chúng ta chọn đúng định hướng, bước đi, hành động để vừa phát huy, vừa giữ gìn các giá trị và tạo ra nền tảng, môi trường, điều kiện cho sự phát triển nhanh, bền vững”.

Song, cũng với câu chuyện sông và biển không chỉ với chính quyền thành phố mà cả ở tầm quản trị quốc gia, nó đã và đang đặt ra phép thử cho mục tiêu tăng trưởng, động lực phát triển không xung đột - đánh đổi và tác động bất lợi đến dòng chảy tự nhiên, hệ bờ cũng như môi trường chuyển tiếp, hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ…

Quy hoạch Khu đô thị lấn biển Cần Giờ.

Nhìn lại hiện trạng của hai bên bờ sông Sài Gòn sẽ thấy hiếm hoi các công trình xây dựng dành không gian công cộng phục vụ cộng đồng. Chủ yếu nếu là dự án đất ở thì chiếm dụng luôn hành lang sông, không gian mặt nước để biến thành khu khép kín của tư nhân; nếu là hoạt động dịch vụ thương mại thì chiếm dụng tuyến hành lang, bờ sông làm nhà hàng, quán cà phê… Chưa kể, mật độ xây dựng quá dày đặc, cụm chung cư của Vinhomes Tân Cảng là một ví dụ đã nhận nhiều cảnh báo của các chuyên gia về sự phá vỡ “van tự nhiên” - sông Sài Gòn cho đô thị TP.HCM. Cũng như việc bỏ đi cầu cảng để đắp, lấn thành một khối bê tông phủ… cỏ làm công viên Central Park khiến nó chẳng khác nào một cái “mỏ hàn”, đe dọa lên tính cân bằng của hệ bờ sông (đối diện) và lòng sông.

Ngày 16/8 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chỉ đạo các sở ngành, đơn vị liên quan về việc quản lý, khai thác các tuyến sông, kênh rạch ở Thành phố. Theo đó, UBND TP Thủ Đức, UBND các quận, huyện phải tăng cường lực lượng cán bộ chuyên trách có chuyên môn phù hợp trong lĩnh vực quản lý sông, kênh rạch, công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn, đảm bảo công tác thanh tra, xử lý vi phạm được phát hiện kịp thời, xử lý chấm dứt tình trạng sai phạm trong hoạt động xây dựng.

Để không “xói mòn” thêm lưu vực hai bên bờ sông; cũng là lòng tin của nhà đầu tư bền vững, của quyền được thụ hưởng một cách chính đáng của người dân thì chỉ đạo nên là hết sức cần thiết. Nhưng tính hành động, hành động một cách quyết liệt, nhất quán, xuyên suốt thì mới dẫn tới kết quả đủ sức thuyết phục.

Quy hoạch Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Cũng như những kiến nghị đầy trách nhiệm, những ưu tư, lo lắng cho sự tác động không thể tránh khỏi nếu hai siêu dự án được triển khai ở Cần Giờ. Bởi dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ nằm trong khu vực kế cận vùng chuyển tiếp của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Nhiều ý kiến khoa học, tiếp cận cả về lý thuyết lẫn thực địa đều nêu băn khoăn, lo lắng cho việc không thể không ảnh hưởng đến “sức khỏe” của rừng ngập mặn, thậm chí tác động lên hệ sinh thái rừng và biển Cần Giờ.

Những cảnh báo đều đã được nêu ra từ vấn đề bồi lắng, xói lở làm ảnh hưởng đến dòng chảy khu vực, có thể bị ngập úng do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho đến việc phát triển đô thị dẫn tới gia tăng áp lực giao thông sẽ gây tác động tiêu cực bởi tiếng ồn, khí thải của các phương tiện…; hay nguồn thải (trong đó có rác thải) nếu không được xử lý tốt sẽ tác động đến chuỗi thức ăn bảo vệ hệ sinh thái…

Hệ quả của tư duy nhiệm kỳ, hệ lụy của những tính toán “đạt bằng mọi giá” đã khiến chúng ta trả giá không ít. Cũng chẳng riêng gì Việt Nam hay TP.HCM. Nên hơn lúc nào hết, lời cam kết “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế” cần và phải được thực thi cho tầm nhìn sông - biển của thành phố. Còn một khi đã chấp nhận đánh đổi một phần thì cũng cần minh định các chỉ số “mất” và “được” một cách công khai, cụ thể, thực chất trước toàn dân. Đó là thái độ công bằng, sòng phẳng của người hôm nay với mai sau.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Bây giờ đi đâu cũng rầm rộ xây dựng Nông thôn mới, nhưng chẳng nghe trong báo cáo nào khoe “xã tôi thôn tôi có phong trào đọc sách”.
Được quan tâm




Tiến sĩ Trần Đức Tường, giảng viên khoa Khoa học Tự nhiên - Trường ĐH Đồng Tháp, bắt đầu nghiên cứu trồng nấm vân chi đỏ từ năm 2015. Đến nay, sản phẩm đã sẵn sàng thương mại hóa.

Tiến sĩ Trần Đức Tường, giảng viên khoa Khoa học Tự nhiên - Trường ĐH Đồng Tháp, bắt đầu nghiên cứu trồng nấm vân chi đỏ từ năm 2015. Đến nay, sản phẩm đã sẵn sàng thương mại hóa. Đây là loại nấm có giá trị kinh tế cao, giá bán khoảng 2,4 triệu đồng/kg

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất