, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 01/02/2022, 19:00

Dự cảm 2022

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
Dịch bệnh chưa qua đi, thì năm mới 2022 đã tới. Cho dù có một vài dự báo lạc quan là đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc vào giữa hoặc cuối năm 2022, thì sống chung an toàn với dịch vẫn là mô thức chủ đạo của đời sống xã hội trong năm Nhâm Dần đang đến này.
Ảnh minh họa

Vận hành mô thức sống chung an toàn với Covid-19 có lẽ vẫn là một trong nội dung quan trọng nhất của nền quản trị quốc gia trong năm 2022.

Sống chung với Covid có nghĩa là nâng cao sức đề kháng của toàn dân và thực hiện các giải pháp cần thiết để khống chế sự lây lan của dịch bệnh ở mức số ca phát bệnh không làm quá tải các bệnh viện và các cơ sở y tế, số ca tử vong được giảm thiểu tối đa. Sống chung với Covid còn có nghĩa là không để các giải pháp phòng chống dịch cực đoan làm cho nền kinh tế bị tê liệt, an sinh xã hội bị ảnh hưởng nặng nề.

Để nâng cao sức đề kháng cho toàn dân thì quan trọng nhất là phổ cập tiêm chủng và tiêm chủng tăng cường. Quan trọng không kém là trang bị cho người dân sự hiểu biết chính xác, khách quan và khoa học về Covid và cách thức phòng chống nó. Khi và chỉ khi mỗi người dân đều có thể tự bảo vệ mình thì dịch bệnh mới có thể bị đẩy lùi. Ngoài ra, hiểu biết cũng làm gia tăng sức đề kháng. Cần điều chỉnh kịp thời để có được một chiến lược truyền thông cân bằng, khách quan và khoa học. Truyền thông theo kiểu “thà thừa hơn thiếu” có thể gây ra sự hoảng loạn và tuyệt vọng. Đây không khéo là một trong những nguyên nhân làm cho xã hội bị tê liệt, và những phản ứng cực đoan tăng cao.

Để sống chung an toàn với Covid, thì cần nhanh chóng giảm tải cho các bệnh viện và các cơ sở y tế bằng cách không điều trị cưỡng ép các ca lây nhiễm nhưng không phát bệnh. Chính sách nhất quán trong cả nước là cho phép những người này được cách ly và điều trị tại nhà. Theo số liệu thống kê được đại diện của Bộ Y tế công bố tại Hội thảo quốc gia về phục hồi và phát triển du lịch ngày 25/12/2021 tại Nghệ An, chỉ có khoảng 1% những người đã tiêm chủng đầy đủ bị nhiễm sẽ phát bệnh nặng phải điều trị. Như vậy, tập trung tất cả những người dương tính (F0) vào các bệnh viện và các cơ sở y tế để điều trị là bất hợp lý. Nếu các ca F0 không triệu chứng có thể tự điều trị tại nhà, thì các ca F1 cũng không cần phải cách ly tập trung. Cũng như đối với các ca F0, điều quan trọng là trang bị cho họ kiến thức, thuốc men và khả năng tiếp cận dịch vụ tư vấn để tự cách ly.

Để sống chung an toàn với Covid, thì Nhà nước cần cân đối giữa phòng chống dịch, bảo tồn nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Các phản ứng chính sách phòng chống dịch cực đoan sẽ rất giống với sốc phản vệ. Những vấn đề mà chúng gây ra cho nền kinh tế và cho đời sống dân sinh thường bao giờ cũng lớn hơn rất nhiều so với vấn đề mà chúng hướng tới để giải quyết. Hậu quả là chúng ta phải đối mặt với rủi ro là chưa chết vì dịch bệnh đã chết vì thiếu đói và vì bất ổn xã hội.

Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là nội dung quan trọng thứ 2 của nền quản trị quốc gia trong năm 2022. Do dịch bệnh bùng phát và do các giải pháp phong tỏa cứng theo mô thức zero Covid, nền kinh tế của đất nước đã bị ảnh hưởng rất nặng nề, hàng loạt các vấn đề nghiêm trọng về an sinh xã hội đã phát sinh. Về kinh tế, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; nhiều hoạt động sản xuất - kinh doanh bị đình chỉ, bị hạn chế; hàng loạt các doanh nghiệp bị phá sản hoặc phải đình chỉ sản xuất; kinh tế đã có lúc tăng trưởng âm đến trên 6%. Về xã hội, hàng triệu người bị mất việc làm, hàng triệu người bị giảm thu nhập. Hệ lụy là rất nhiều người bị thiếu đói.

Kinh tế và xã hội gắn liền với nhau. Có phục hồi được kinh tế, chúng ta mới có thể giải quyết được một cách căn bản các vấn đề về an sinh xã hội. Bài toán phục hồi kinh tế là một bài toán lưỡng nan vì hiện nay cả tổng cung và tổng cầu đều giảm. Chính vì vậy chương trình phục hồi kinh tế phải nhắm vào việc giải cho được bài toán này. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho hai năm 2022 và 2023 được Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn là rất rộng lớn và toàn diện. Chương trình này bao gồm cả các chính sách tài khóa, các chính sách tiền tệ và cả những cải cách thể chế. Tuy nhiên, mọi chính sách pháp luật chỉ tốt ngang bằng với việc chúng được thực thi như thế nào trong cuộc sống. Ở đây, chất lượng thực thi chính sách là rất quan trọng, nhưng quan trọng không kém là tốc độ thực thi chính sách. Rất nhiều doanh nghiệp đang cầm cự một cách tuyệt vọng với khó khăn, rất nhiều người dân đang bị thiếu đói. Trong bối cảnh như vậy, thực thi các chính sách chậm trễ sẽ chẳng khác gì thực thi các chính sách yếu kém.

Cuối cùng, đất nước ta đã hội nhập rất sâu rộng với thế giới. Năm 2022 cũng như mọi năm khác, các biến động của thế giới không thể không ảnh hưởng tới đất nước ta. Biến động cần được quan tâm nhất trong năm 2022 là lạm phát. Lạm phát trên thế giới đang tăng cao. Khi được nhập khẩu vào nước ta, lạm phát này sẽ được gọi là lạm phát chi phí đẩy. Do phải nhập khẩu rất nhiều nguyên vật liệu, thiết bị về để sản xuất, nên khi giá của chúng tăng, thì giá thành sản phẩm cuối cùng của chúng ta không thể không tăng. Nhưng giá sản phẩm tăng thì chưa chắc đã được thị trường chấp nhận. Phản ứng chính sách khôn ngoan và phù hợp nhất ở đây là tìm mọi cách để giảm giá thành các sản phẩm của chúng ta hơn là hành xử theo cách giá đầu vào tăng thì chúng ta tăng giá đầu ra. Để làm được điều này, các doanh nghiệp phải tìm cách tiết kiệm và cắt giảm nhiều hơn nữa các chi phí của mình; các cơ quan Nhà nước cũng cần cắt giảm chi phí thủ tục và chi phí tuân thủ nhiều nhất có thể cho các doanh nghiệp và cho người dân. 

Quả thật, lạm phát chưa hiện hữu, thì những tác động tâm lý của nó đã rất lớn. Xu thế người người, nhà nhà đua nhau đầu tư vào bất động sản để bảo vệ tài sản của mình đang thật sự tạo ra một cơn sốt. Nếu các cơ quan quản lý không có các phản ứng chính sách kịp thời và phù hợp, bong bóng bất động sản sẽ rất dễ hình thành. Mà đã hình thành, thì nó nhất định sẽ vỡ tung trong một ngày đẹp trời để lại những hệ lụy vô cùng to lớn về kinh tế và xã hội. 

Ngoài lạm phát, xu thế số hóa, xu thế kinh tế xanh của thế giới cũng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến nước ta. Đây là những xu thế không chỉ tất yếu, mà còn lành mạnh. Tiếp nhận và bắt kịp với những xu thế này là rất quan trọng, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Năm Nhâm Dần 2022 đang đến. Dẫu khó khăn thách thức còn nhiều, nhưng con đường phía trước đã ngày càng sáng tỏ. Với những kinh nghiệm tích tụ được trong phòng chống dịch và với tư duy ngày càng được giải phóng khỏi hệ chuẩn zero Covid, chúng ta nhất định sẽ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thành công. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất