
Khai thác chưa hiệu quả thời kỳ dân số vàng
Với hơn 100 triệu dân, Việt Nam vẫn đang đứng thứ 15 thế giới về quy mô dân số. Hiện, đất nước của chúng ta đang trong thời kỳ dân số vàng với lực lượng trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ lớn. Tuy nhiên, dân số cũng đang trên đà già hóa. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2020, dự báo đến năm 2039, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ dân số vàng và chuyển sang thời kỳ dân số già. Thời kỳ dân số già dự báo kéo dài đến 2054 với tốc độ diễn ra khá nhanh.
Theo GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, chúng ta đang đứng trước một mỏ vàng về dân số, nhưng thời gian khai thác mỏ vàng này tương đối ngắn và chưa thực sự hiệu quả. Bởi phần lớn cơ cấu nguồn nhân lực Việt Nam chủ yếu là lao động phổ thông, tay nghề thấp.
Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo thì các dạng lao động cơ bản dần biến mất; nhu cầu lao động tay nghề, trình độ cao ngày càng tăng lên. Theo báo cáo của Boston Consulting Group, đến năm 2030, hầu hết các nước sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, bao gồm cả những nước có dôi dư lao động từ 0 - 5%. Nghịch lý mà thị trường lao động sẽ phải đối mặt là tình trạng vừa thừa vừa thiếu lao động. Dôi dư lao động phổ thông và thiếu lao động trình độ cao.
Ở Việt Nam cũng vậy, Việt Nam đang trên đà đạt mục tiêu có 70% lực lượng lao động làm việc trong các ngành công nghiệp và dịch vụ vào năm 2030. Tuy nhiên, dự báo tỷ lệ lao động trình độ cao còn thấp (vẫn ở mức dưới 20%) và có hơn 50% người lao động ước tính tham gia thị trường lao động phi chính thức (trừ nông nghiệp).
Điều này cho thấy thị trường lao động Việt Nam có nguy cơ tụt hậu rất cao. Vì vậy, chất lượng nguồn nhân lực cần phải được cải thiện để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trong thời kỳ công nghiệp 4.0.
Giáo dục bậc phổ thông không theo kịp nền kinh tế tri thức
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, người đặt nền móng cho ngành kỹ thuật hàng không ở Việt Nam nhận định, nền giáo dục của chúng ta chậm đổi mới và không chuẩn bị sẵn sàng cho nền kinh tế tri thức. 20 năm trở lại đây, chất lượng giáo dục của chúng ta đang xuống rất thấp, cả ở bậc phổ thông lẫn đại học.

Đối với bậc học phổ thông, chương trình nặng về ứng thí, kiểu nhồi nhét, học vẹt, làm bài văn mẫu. Đó là kiểu làm toán chỉ biết kết quả chứ không biết cách chứng minh. Học sinh ra trường không biết theo nghề nào, rối ren trong chọn trường.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải “bày binh, bố trận” để giảm bớt tình trạng loạn trường đại học, loạn ngành đào tạo, loạn tuyển sinh, ngành thì tuyển quá nhiều ngành không có sinh viên, đào tạo không theo nhu cầu…” - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh.
Đồng ý với nhận định trên, TS Giáp Văn Dương - chuyên gia giáo dục - cho rằng giáo dục phổ thông đã không đào tạo ra những con người có tư duy độc lập, tự chủ trong tổ chức và hành động, chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Mà là đào tạo ra những con người “công cụ”, bị động, thiếu kiến thức và kỹ năng; không đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực có trình độ cao so với tầm nhìn Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo và hướng nghiệp không đi đôi với nhau khiến tình trạng học trái ngành, trái nghề, không thực hành, thực nghiệp diễn ra phổ biến.
Nguyên nhân chính theo ông Dương là chúng ta không có tổng công trình sư tầm vóc trong việc cầm trịch thiết kế chương trình giáo dục phổ thông. Vì vậy, ngay cả những người làm trong ngành giáo dục cũng “loay hoay” trong mê hồn trận.

TS Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học FPT cho rằng nếu không có biện pháp thay đổi căn bản tình trạng “giáo dục vị thi cử - nghiên cứu vị công bố - phát triển vị xếp hạng” như hiện nay thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực còn là dấu hỏi lớn. Tuy vậy, ông cũng đồng ý rằng để thay đổi căn bệnh trọng hình thức của xã hội không phải là chuyện dễ.
Theo bà Đỗ Thùy Dương - Tổng Giám đốc TalentPool - Nguyên Giám đốc Trung tâm Đào tạo Văn hóa Vingroup thì nhà tuyển dụng cũng có trách nhiệm không nhỏ. Sự “dễ dãi trong chuẩn tiêu dùng” của các nhà tuyển dụng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực. Do vậy, nhà tuyển dụng cần phải đồng loạt nâng chuẩn công việc của mình tiệm cận với chuẩn thế giới.
Bà Dương lấy ví dụ một trường hợp điển hình mà Vinfast đã làm. Với mục tiêu sản xuất ra được dòng ô tô giá trị, đẳng cấp thế giới, doanh nghiệp đã xây dựng các nhà máy có công nghệ hiện đại và tuyển dụng những người có thể đáp ứng được yêu cầu cao trong quản lý, vận hành các nhà máy này. Khi doanh nghiệp nào cũng có yêu cầu cao trong tuyển dụng nhân lực thì bắt buộc chương trình đạo tạo phải nâng cấp tương ứng để đáp ứng được yêu cầu đó.
Điều này về dài hạn sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam.