, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 08/04/2024, 14:41

Trở lại Trà Leng

THIÊN HƯƠNG
Gần bốn năm kể từ thảm họa sạt lở đất kinh hoàng tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, vùng đất này đã thực sự hồi sinh. Người dân nơi đây đã dần xây dựng được cuộc sống mới, kiên cường và đầy hy vọng.
Những ngôi nhà đảm bảo “3 cứng” ở Trà Leng mọc lên san sát.

Vươn lên từ hoang tàn

Đối lập hẳn với cảnh sạt lở tan hoang trước đây là 39 ngôi nhà sàn bê tông "3 cứng", lợp mái tôn nằm sát bên nhau. Cơ sở hạ tầng khang trang với trường học, nhà văn hóa và đường sá được “hồi sinh” và biến Trà Leng thành một khu dân cư mẫu mực giữa núi đồi.

Người dân Trà Leng đã chuyển hướng sang trồng cây quế, chuối và phát triển ruộng lúa bậc thang. Sự quan tâm đầu tư từ nhà nước với các dự án hỗ trợ vay vốn, cung cấp giống cây, đã giúp nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống cho bà con.

Bà Hồ Thị Hằng ở khu dân cư Bằng La chia sẻ rằng bà cùng nhiều người dân ở đây được cho vay vốn để kinh doanh, buôn bán hoặc hỗ trợ cây trồng, vật nuôi để chăn nuôi, trồng trọt sau sạt lở.

“Tôi đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng của Nhà nước để lấy vốn bán hàng tạp hoá, cộng với đó tôi mua cây quế giống đem về trồng trên diện tích 3 sào nương rẫy trên núi. Nhờ vậy, gia đình tôi đã có nguồn thu nhập ổn định đủ trang trải cuộc sống. Nếu 3 sào trồng quế của tôi phát triển tốt, chỉ khoảng vài năm nữa tôi có thể thu hoạch quế bán cho thương lái, kiếm hơn 100 triệu đồng”, bà Hồ Thị Hằng chia sẻ.

Cây quế mang lại thu nhập khá cho bà con.

Anh Hồ Văn Nguyên, ở thôn 1, xã Trà Leng kể trong khi đang luôn tay thu hoạch vỏ quế: “Gia đình tôi có 5 sào cây quế đang vào thời kỳ thu hoạch vỏ, hiện tại tôi đang lấy vỏ quế để đem bán cho thương lái. Giá bán vỏ quế là 75 nghìn đồng/kg và cành, nhánh, thân cây quế tôi cũng bán được từ 15 đến 50 nghìn đồng/kg. Nếu khai thác hết vườn quế này tôi thu về gần 200 triệu đồng. Tôi còn mua trâu, bò về thả chăn nuôi và trồng thêm cau, chuối ở khu vườn nhà”.

Hỗ trợ nhau cùng phát triển

Ông Phan Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng cho biết hiện nay bà con trên địa bàn xã không còn tác động tới rừng già làm nương rẫy, chủ yếu phát rẫy để canh tác trồng trọt. Về chăn nuôi, xã hiện có 2.815 con vật nuôi gồm trâu, bò, heo, dê và cả gia súc gia cầm. Người dân cũng đã trồng được 160ha quế Trà My, 1ha Sâm Ngọc Linh, 4ha cây ăn quả và 20ha cây lâm nghiệp khác.

Cùng với phát triển kinh tế, Trà Leng cũng chú trọng xây dựng văn hóa và giáo dục cộng đồng. Các hoạt động như xây dựng "Thôn - khu dân cư văn hóa", tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp, đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Diện mạo nông thôn ở xã Trà Leng đổi thay từng ngày.

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, khẳng định: "Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ từ mọi phía, cuộc sống của bà con ở Trà Leng ngày càng phát triển. Điều này đã tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo".

Trà Leng dù trước đó đã chịu cảnh sạt lở nghiêm trọng, nhưng với sức sống mới được tạo dựng từ sự kiên cường và ý chí vươn lên của người dân, đã trở thành biểu tượng của sự phục hồi và phát triển. Câu chuyện về Trà Leng là minh chứng cho sức mạnh của cộng đồng trong việc đối mặt và vượt qua thách thức, mở ra một tương lai mới đầy hứa hẹn.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất