, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 19/04/2024, 17:16

Nắng nóng thiêu đốt, nước giải khát đắt hàng

QUỐC THÁI - THANH HOA - HÀ GIANG
(phunuonline.com.vn)
12g trưa, trong nền nhiệt 38 - 39 độ C, nữ chủ quầy nước mía trên lề đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh, TP.HCM) liền tay ép, múc nước mía trong tiếng hối thúc của 4 - 5 người đi đường. Gần đó, ở quầy bán nước dừa tươi, vỏ trái dừa cũng chất đống. Trời càng nắng nóng, sức tiêu thụ các mặt hàng giải nhiệt ở TP.HCM càng tăng cao.

Lúc 14g ngày 15/4, trời vẫn nắng chang chang, hơi nóng từ mặt đường hắt lên hầm hập. Ở đầu hẻm 120 Nguyễn Trãi (quận 5), 3 - 4 người đang xếp hàng chờ mua nước mía với giá 7.000 đồng/ly nhỏ, 12.000 đồng/ly lớn.

Chủ xe nước mía cho biết, từ sau Tết Nguyên đán tới nay, nắng nóng ngày càng gay gắt, sức tiêu thụ tăng nên giá nhiều loại nguyên liệu giải khát cũng tăng. Giá mía cây dùng để ép nước tăng từ 65.000 đồng/bó 9kg lên 75.000 đồng, giá nước đá tăng từ 20.000 đồng lên 22.000 đồng/bao. Tuy vậy, để giữ mối, chủ xe nước này vẫn không tăng giá bán.

Trưa nắng, nhiều khách đi đường ghé mua nước mía  ở một tiệm trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TPHCM) - ẢNH: T.HOA
Trưa nắng, nhiều khách đi đường ghé mua nước mía ở một tiệm trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP.HCM) - Ảnh: T.Hoa.

15g, lượng khách đến quán nước ép Juicy (74 Lê Hồng Phong, quận 5) vẫn khá đông do nhiệt độ ngoài trời vẫn cao. Theo nhân viên quán này, khách chuộng mua dừa nguyên trái hơn nước ép do giá chỉ 20.000 đồng/trái, bằng giá ly nước ép nhưng lượng nước nhiều hơn, giải khát tốt hơn.

Quán sinh tố Thanh Trúc cách đó không xa cũng có nhiều khách dừng xe chờ mua đồ giải khát, lượng mua tăng gấp rưỡi so với tháng trước. Theo chủ quán này, do sức mua tăng nên giá nguyên liệu đầu vào như chanh, tắc tăng gấp đôi, giá dừa và cam cũng tăng nhẹ.

Chủ vựa dừa 141 An Dương Vương (quận Bình Tân) cho hay, sức tiêu thụ dừa tăng mạnh khiến giá dừa cũng tăng nhưng vẫn còn rẻ hơn từ 2.000 - 5.000 đồng/trái so với mùa nắng nóng các năm 2021 và 2022. Giá dừa xiêm xanh, dừa dứa Bến Tre hiện đang là 13.000 - 15.000 đồng/trái tùy cỡ trái, tăng thêm 5.000 đồng/trái so với tháng trước; giá các loại dừa khác tăng thêm 3.000 đồng/trái, lên 12.000 - 13.000 đồng/trái. Theo chủ vựa này, từ Tết đến nay, chưa có đợt mưa nào nên sản lượng dừa ở các tỉnh miền Tây Nam bộ thấp. Do đó, trong khoảng 15 - 30 ngày tới, nếu không có mưa, giá dừa sẽ càng tăng.

Ông Huỳnh Quang Đức - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre - cho biết: trong năm 2023, giá dừa tại vườn là 30.000 - 40.000 đồng/chục (12 trái), nay đã tăng lên 60.000 - 70.000 đồng/chục. Nhưng đây vẫn chưa phải mức giá cao nhất bởi có năm, giá dừa hơn 100.000 đồng/chục, người ta chặt cả trái dừa non để bán. Theo ông, giá dừa trong nước tăng là do giá dừa thế giới đang tăng, cộng với nắng nóng kéo dài khiến sức tiêu thụ tăng. Trong khi đó, do thời gian qua, giá dừa sụt giảm mạnh, nhà vườn ít chăm sóc nên lượng dừa thu hoạch không còn dồi dào như trước.

Đại diện chợ đầu mối Hóc Môn cho hay, tiết trời nắng nóng khiến nguồn cung hàng nông sản ít lại, nhất là nhóm rau ăn lá và một số loại trái cây theo mùa. Nhưng nhìn chung, chưa có mặt hàng nào bị đứt nguồn cung. Riêng lượng dứa (thơm), cam về chợ tăng do đang vào vụ thu hoạch và có sức tiêu thụ mạnh. Trong đó, dứa về chợ khoảng 70 tấn/ngày, cam sành về chợ 40 tấn/ngày, tăng mỗi loại 10 tấn so với tháng trước, giá lần lượt là 10.000 - 13.000 đồng/kg và 6.000 - 10.000 đồng/kg.

Còn theo ông Nguyễn Bình Phương - Giám đốc kinh doanh, Công ty cổ phần Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức - nguồn hàng trái cây, rau củ quả về chợ dồi dào hơn tháng trước, đạt khoảng 2.300 - 2.500 tấn/đêm, có lúc lên 2.700 - 2.800 tấn/đêm. Chợ đang tăng cường kho, bãi riêng để không xảy ra tình trạng quá tải, ùn ứ hàng. TP.HCM đang bước vào cao điểm nắng nóng, ban quản lý chợ phối hợp đội 2 của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM tăng cường kiểm soát trái cây, rau củ quả về chợ, nhất là trái cây nhập khẩu và các nhóm hàng có sơ chế, ngâm tẩm có hóa chất như rau muống bào, măng ngâm, sả xay… để đảm bảo sự an toàn khi đến tay người tiêu dùng.

Những ngày qua, giá cam sành ở các chợ đang phục hồi. Chủ một điểm bán cam trong chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) cho biết, cách đây 1 tuần, giá cam sành 10.000 đồng/kg, nay đã lên 12.000 đồng/kg và có khả năng sẽ còn tăng.

Lượng tiêu thụ hàng điện lạnh tăng

Những ngày này, rất đông người đến hệ thống siêu thị Điện Máy Xanh, điện máy Nguyễn Kim… tìm mua các sản phẩm làm mát như máy điều hòa nhiệt độ (máy lạnh), tủ lạnh, quạt máy. Ngoài lý do tiết trời nắng nóng gay gắt, người mua đông còn do các hệ thống này đang có đợt giảm giá các mặt hàng điện lạnh.

Ông Đặng Thanh Phong - phụ trách truyền thông Điện Máy Xanh - thông tin, hiện lượng sản phẩm làm mát bán ra tăng từ 20 - 35% so với cùng kỳ năm 2023. Với máy lạnh, đa số khách hàng chọn thương hiệu Panasonic và Daikin, mức giá từ 8 - 12 triệu đồng/sản phẩm loại 1 - 1,5HP (sức ngựa). Theo ông, người tiêu dùng nên chọn mua hàng điện lạnh ở các siêu thị để dùng an toàn, bền, được lắp đặt, bảo hành tốt. Nhiều người chọn mua sản phẩm điện lạnh đã qua sử dụng, đặc biệt là hàng nội địa Nhật vì giá rẻ. Tuy nhiên đây là loại hàng nhập lậu, nhiều rủi ro về nguồn điện khi phải chuyển từ điện 110V sang 220V.

Không phải cứ uống nhiều nước là tốt

Theo bác sĩ Lê Văn Vĩnh - huấn luyện viên Câu lạc bộ Khí công TP.HCM - việc cung cấp nước cho cơ thể cần phù hợp độ tuổi, sức khỏe, giới tính, thời tiết chứ không phải cứ uống nhiều nước là tốt. Ví dụ, trẻ em ham chơi chạy nhảy nhiều, dễ mất nước nên cần bổ sung nhiều nước nhưng người già lại cần ít nước hơn; nam cần uống nhiều nước hơn nữ; phụ nữ có thai cần nhiều nước hơn phụ nữ bình thường; những người bị bệnh tiểu đường, xơ nang, thận, làm việc ở môi trường trên cao… cũng cần nhiều nước.

Theo ông, việc uống quá nhiều nước trong thời gian quá ngắn có thể khiến cơ thể ngộ độc nước. Nam giới có thể uống trung bình 3,7 lít nước/ngày, nữ uống 2,7 lít/ngày bao gồm cả nước trong thực phẩm, nước canh, trái cây nhưng nên uống xen kẽ nhiều loại. Ví dụ, đã uống 1,7 lít nước lọc thì 1 lít còn lại nên là nước dừa, sữa, nước trái cây, nước mát. Các loại nước mát có tính lợi tiểu mạnh có thể gây mất cân bằng điện giải, giảm hấp thu một số vi chất, do đó chỉ nên uống 1 ly/ngày; người già, trẻ nhỏ và người có chức năng tiêu hóa kém, thường bị lạnh bụng chỉ nên uống khoảng nửa ly/ngày.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất