
Thiếu vốn đầu tư
Theo ông Phạm Anh Tuấn, từ năm 2010, Chính phủ đã ban hành Quyết định 63 và năm 2013 có Quyết định 68 cụ thể hóa chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp. Những chính sách này hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ bảo quản sản phẩm nông sản.
Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn vay ưu đãi phục vụ mua sắm máy móc của tổ chức, doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế.
Ngoài ra, các loại hình vốn vay ưu đãi cho các thiết bị máy móc nhập khẩu khó đáp ứng với nhu cầu của người sản xuất. Điều này xuất phát do quy định máy móc thiết bị phải qua quy trình giám định trước khi nhập khẩu mới được đưa vào sử dụng.
Bà Phạm Thị Hồng Hạnh (Vụ hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT) cũng cho rằng, việc giảm thất thoát, phát thải carbon từ ngành nông nghiệp đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ mới. Đây là yêu cầu rất quan trọng giúp thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050.
Do đó, cần tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, nông dân... nhằm ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực chế biến, bảo quản sau thu hoạch.
Kinh nghiệm từ Australia
Theo ông David Israel, Giám đốc chiến lược toàn cầu Đại học Melbourne (Australia), đầu tư trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp vốn cần thời gian dài và nguồn vốn lớn. Nhà đầu tư cần có nguồn vốn tài trợ lâu dài và họ cũng cần sự tham gia hỗ trợ của Chính phủ.
Ông David Israel cho biết, ở Australia, các đại học, nhà đầu tư và Chính phủ sẽ cùng hợp tác trong các dự án nông nghiệp mang tính bao trùm, giải quyết vấn đề lớn. Một phần lợi nhuận từ công nghệ mang lại được tái đầu tư giải quyết những bài toán lớn tiếp theo.