
Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, giảm khí phát thải vùng ĐBSCL là Đề án mới nhất về phát triển ngành lúa gạo của Việt Nam nhằm hiện thực hóa Chỉ thị số 10/CT- TTg, ngày 16/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Đề án, các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, một phần tỉnh Kiên Giang (và có thể ở một số địa phương khác) sẽ trở thành những địa phương thí điểm cho Đề án sản xuất bền vững 1 triệu hecta lúa chất lượng cao ở vùng ĐBSCL với mục tiêu nâng cao giá trị, thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Trần Thanh Nam nhấn mạnh việc xây dựng Đề án sản xuất bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL có ý nghĩa quan trọng trong phát triển ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo quan điểm của Bộ NN&PTNT, hiện nay, lúa chất lượng cao không chỉ có nghĩa là giống, mà còn nằm ở quy trình canh tác, giá lúa, giá trị hạt gạo...
Để Đề án được triển khai hiệu quả cần có sự tham gia của các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trong việc định hướng xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu và xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển hệ thống logistics, phát triển thương hiệu theo hướng lúa sinh thái, lúa phát thải thấp.

Thứ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương vùng ĐBSCL, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp lúa gạo, các hợp tác xã, trang trại để xác định diện tích triển khai cụ thể, từ đó khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, chính quyền các địa phương vùng ĐBSCL tham gia thực hiện đề án.
Tại hội nghị, các chuyên gia, đại diện các tổ chức quốc tế đã cùng thảo luận các vấn đề trong việc xây dựng vùng lúa chất lượng cao ở ĐBSCL. Từ đánh giá hiện trạng sản xuất lúa vùng ĐBSCL, đưa ra một số nhận định về khó khăn và định hướng một số nhiệm vụ cần thực hiện để triển khai hiệu quả Đề án.