, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 11/12/2023, 07:00

Những cây cầu bắc qua bờ thương khó

THÙY DUNG
7 năm rồi, bao ký ức một thuở buồn tênh hẳn chỉ còn ghi trong bộ nhớ những người ở đó, khi hàng trăm cây cầu “đổi phận” bắc qua sông như bắc qua đời họ, để những đôi mắt chực chờ bên này sông không còn u trầm, chỉ có những nụ cười lật một trang đời tươi mới. Sứ mệnh trên vai người làm báo, mạnh thường quân, chính trị gia, là gì, nếu không phải nhìn xuống những ai thiệt thòi, để cùng nhau dìu họ đi, bước những bước tự tin qua bên kia bờ thương khó. Một hành trình làm cầu nông thôn nghĩa tình, trách nhiệm và đong đầy cảm xúc…
Các công trình cầu mới khang trang, vững chãi giữa những vùng quê.

Trở lại huyện Tân Thạnh (tỉnh Long An) trong ngày khánh thành những công trình giao thông thuộc Chương trình Cầu nông thôn – Tạp chí Nông thôn Việt, chúng tôi ngỡ ngàng khi nhận thấy sự khác biệt của cảnh vật xung quanh những cây cầu mới xây dựng. Hồi đầu tháng 3, khi đến chọn địa điểm xây cầu, đoàn chúng tôi phải lên phà để qua sông rồi đi khảo sát bằng xe gắn máy bởi thiếu đường lớn, cầu lớn cho xe ô tô có thể đến tận nơi. Thế mà chỉ vài tháng sau, khi những cây cầu hoàn thành, đường kết nối được mở rộng, xe ô tô đã có thể chạy bon bon qua những vùng quê. Mọi thứ thay đổi một cách nhanh chóng đến bất ngờ, và chắc chắn rằng trong tương lai, mảnh đất này sẽ còn rất nhiều đổi mới.

Chỉ riêng trong tháng 11 vừa qua, Chương trình Cầu nông thôn - Tạp chí Nông thôn Việt đã tổ chức khởi công xây dựng 2 cây cầu ở huyện biên giới Tri Tôn (tỉnh An Giang), 12 cây cầu ở huyện Đức Hòa (tỉnh Long An), đồng thời khánh thành 5 công trình gồm 4 cầu và 1 cống ở huyện Tân Thạnh (tỉnh Long An), khánh thành 8 công trình gồm 6 cầu và 2 cống ở huyện Đức Huệ (tỉnh Long An). Đến nay, sau hơn 7 năm triển khai, Chương trình đã vận động xây dựng hơn 380 công trình giao thông nông thôn. Những vùng đất từ Long An, Đồng Tháp, An Giang, ra đến miền Trung gồm Nghệ An, Bình Định... như bừng sức sống nhờ sự xuất hiện của những cây cầu khang trang, vững chãi.

Những nhịp cầu kết nối đôi bờ.

Ở nhiều nơi, người dân ưu ái gọi những cây cầu mới là “công trình thế kỷ”, không phải vì nó có kiến trúc gì độc đáo, mà bởi với họ, cây cầu là mong ước biết bao năm. Còn nhớ ngày cây cầu Rạch Gốc Mỹ Bình 3 (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) chính thức được đưa vào sử dụng, bà Lê Thị Năm - người đã sống gần hết đời ở vùng đất này rưng rưng xúc động khi được đi trên cây cầu bê-tông vững chắc. “Mừng quá! Có cây cầu này thấy mãn nguyện quá!” - người phụ nữ hơn 60 tuổi nghẹn ngào nói.

Tôi cũng không thể nào quên hình ảnh ông Nguyễn Văn Cao (lúc đó 89 tuổi) và bà Hồ Thị Sương (lúc đó 82 tuổi) - những nhân chứng hiếm hoi còn sót lại sau những tháng ngày bám đất, bám làng chiến đấu thời kháng chiến - đọc bức thư viết tay trên giấy tập học trò để gửi lời cảm ơn đến nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các nhà tài trợ ngay tại cây cầu Gáo Xanh trong ngày cây cầu này và 3 cây cầu khác cũng trên tuyến Kênh Ngang (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) được khánh thành.

Trong câu chuyện kể của ông Cao, hơn 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, vùng đất Vĩnh Đại cũng vẫn không có đường, nói chi đến cầu, người dân chỉ có thể chèo xuồng mà qua sông, qua rạch. Thế nên khi được các mạnh thường quân tài trợ xây cầu, rồi địa phương làm đường, bà con ở đây vui mừng khôn xiết.

Khảo sát vị trí xây cầu ở huyện Tân Thạnh (tỉnh Long An).

Nhờ có những cây cầu mới, người dân có thể đi lại thuận tiện, an toàn; đường đến trường của các em học sinh cũng trở nên rộng mở. Không những thế, những “công trình thế kỷ” nổi bật giữa những vùng quê đã góp phần nối dài con đường cho kinh tế đi lên. “Cầu phải giúp “kinh tế đi” thì cuộc sống vùng nông thôn mới thật sự phát triển bền vững” - đó là điều mà nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - linh hồn của Chương trình Cầu nông thôn – Tạp chí Nông thôn Việt, thường xuyên lưu ý Ban tổ chức Chương trình và lãnh đạo các địa phương khi triển khai xây dựng cầu.

Ngược thời gian quay trở về lúc mới bắt đầu, cầu Rạch Cỏ tại xã Mỹ Thạnh Đông (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) là cây cầu đầu tiên, đánh dấu sự khởi động của Chương trình Cầu nông thôn - Tạp chí Nông thôn Việt. So với những cây cầu được xây dựng sau này, cầu Rạch Cỏ khá nhỏ, chỉ dài 26,5m, rộng 3,2m. Thế nhưng tại một xã nghèo biên giới, cây cầu với kinh phí đầu tư 450 triệu đồng này đã được xem là một “công trình thế kỷ”.

Từ những cây cầu nội ấp, liên ấp, Chương trình Cầu nông thôn đã tiến tới xây dựng những cây cầu liên xã, liên huyện. Với mong muốn mang lại hiệu quả bền vững, lâu dài, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Ban Tổ chức Chương trình đã nâng cấp tiêu chuẩn các công trình theo khổ bề ngang 4m, tải trọng tối thiểu 5 tấn. Vì vậy, mỗi cây cầu thường có giá trị lên đến hàng tỉ đồng.

Điển hình, đầu năm 2023, công trình cầu bắc qua kênh 28 - xã Vĩnh Bình (huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) có tổng chi phí đầu tư lên đến gần 7,9 tỷ đồng, trong đó, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tân Đô tài trợ 4 tỷ đồng đã được khánh thành. Cây cầu dài 72,54m, rộng 4,5m, phần xe chạy rộng 4m, tải trọng 8 tấn; khi hoàn thành đã mở ra trục giao thông kết nối giữa giữa Đường tỉnh ĐT.831, ĐT.831C với tuyến đường cặp kênh 504, tạo thành mạng lưới giao thông đường bộ ngắn nhất kết nối các xã vùng sâu của huyện Vĩnh Hưng với thị trấn và các khu vực lân cận thuộc thị xã Kiến Tường.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khảo sát quá trình thi công ở huyện Đức Huệ (tỉnh Long An).

Đặc biệt, Chương trình Cầu nông thôn luôn ưu tiên xây dựng những cây cầu trên cùng một tuyến để mở ra những con đường lưu thông trọng yếu tại các địa phương. Trong năm 2021, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Ban tổ chức Chương trình Cầu nông thôn - Tạp chí Nông thôn Việt đã vận động các mạnh thường quân tài trợ 10 tỷ đồng để xây dựng 8 cầu giao thông nông thôn trên tuyến Rạch Tràm - Mỹ Bình (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An). Ngay sau khi các công trình này hoàn thành, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Ban tổ chức Chương trình đã tiếp tục vận động Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tài trợ 9 tỷ đồng xây dựng 9 cây cầu thuộc giai đoạn 2 trên tuyến đường này.

Các công trình đã nối liền tuyến Rạch Tràm - Mỹ Bình có chiều dài hơn 33km, chạy dọc bờ kênh Rạch Tràm từ Ngã 5 Bình Thành đi qua 6 xã: Bình Hòa Hưng, Bình Thành, Mỹ Bình, Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Quý Tây, Mỹ Quý Đông thuộc huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Cuối tuyến tiếp giáp với tỉnh Tây Ninh. Đây là con đường kết nối cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây với trung tâm hành chính tỉnh Long An và các huyện Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Đức Hòa, đặc biệt là TP.HCM. Câu chuyện về những cây cầu tuy chỉ ở vùng nông thôn, nhưng vẫn luôn nhắc nhớ nguyên tắc quy hoạch cần có tầm nhìn xa. Muốn phát triển phải có tầm nhìn, tầm nhìn ấy phải phù hợp điều kiện, đặc điểm hiện tại và có tính toán đến tương lai phát triển hàng chục năm về sau của địa phương.

Sự thiết thực của các công trình giao thông nông thôn cũng là lý do thuyết phục để các mạnh thường quân quyết định đồng hành cùng Chương trình. Tham gia khảo sát các địa điểm xây dựng cầu và cũng trực tiếp kiểm tra các công trình khi đã hoàn thành, ông Trần Duy Hy - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân (đơn vị tài trợ 3,5 tỷ đồng để xây dựng các công trình cầu ở huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) cho rằng việc xây dựng các công trình cầu giao thông ở khu vực nông thôn là hành động hết sức ý nghĩa, không chỉ góp phần cải thiện cuộc sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa mà còn tạo động lực để địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ với những khó khăn của bà con, ông Trần Duy Hy không ngần ngại cam kết sẽ tiếp tục “đi” cùng Chương trình Cầu nông thôn - Tạp chí Nông thôn Việt trong hành trình nối những nhịp cầu tại các địa phương trong thời gian tới. Cuộc đời như dòng chảy dưới những cây cầu, mọi thứ rồi sẽ đổi thay, nhưng những cây cầu sẽ mãi là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái; là biểu tượng cho tấm lòng mà các mạnh thường quân đã gửi tặng đến những vùng đất lúc còn khó khăn.

Khi cây cầu mới hoàn thành, người dân sẽ không còn phải lụy phà.

Ở một số nơi Chương trình Cầu nông thôn đi qua, những chuyến đò ngang, những cây cầu khỉ giờ đây chỉ còn được nhắc đến qua những câu chuyện kể. Đi trên những cây cầu mới, chúng tôi cảm nhận được sự phát triển không ngừng của một vùng đất, đang ngày càng mở rộng với tầm vóc mới.

Năm tháng qua đi, nhiều cây cầu mới khác sẽ tiếp tục được xây dựng trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân cũng như nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhưng những cây cầu đầu tiên vẫn mang ý nghĩa tiên phong, là bước đệm vững chắc cho sự phát triển về sau.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất