, //, :: GTM+7

Nước sạch và sức khỏe cộng đồng

ÁNH TUÂN
Theo một nghiên cứu của chương trình Hỗ trợ ngành nước của Ngân hàng Thế giới, 70% dân số thế giới gặp rủi ro thiên tai liên quan tới nước.
Hình minh họa.

Cùng với tình trạng khan hiếm các nguồn cung cấp nước, chất lượng nguồn nước suy giảm, ô nhiễm cũng kéo theo nhiều hệ lụy khác liên quan đến sức khỏe người sử dụng.

Báo động ô nhiễm nguồn nước

Chất lượng nguồn nước được đánh giá dựa trên rất nhiều tiêu chí, như: nhiệt độ, hàm lượng cặn lơ lửng, độ đục, độ màu, mùi vị… (chỉ tiêu vật lý); độ pH, độ cứng, độ kiềm, độ ô-xi hóa, hàm lượng sắt… (chỉ tiêu hóa học); vi khuẩn, chỉ số Coli, E-Coli, nấm, virus, trứng giun sán... (chỉ tiêu vi sinh vật gây bệnh). Các chất ô nhiễm trong nước thuộc dạng khó xử lý có thể kể đến như: asen, amoni, mangan, kim loại nặng, hợp chất hữu cơ, kháng sinh, vi sinh vật…

Những nơi có nguồn nước ô nhiễm thường nằm ở khu vực hạ nguồn, đặc biệt là ở lưu vực có các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, bệnh viện, bãi rác, khu tập trung đông dân cư. Ông Cao Văn Quý, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước Hải Phòng, cho biết tại những điểm nêu trên, mật độ ô nhiễm cao hơn hẳn so với những địa điểm được lấy mẫu khác. Năm 2019, Công ty CP Cấp nước Hải Phòng lấy khoảng 1.700 mẫu nước thô ở các vùng có nguy cơ ô nhiễm cao, kết quả phân tích cho thấy phần lớn mẫu có một số chỉ tiêu không đạt theo quy chuẩn và có sự gia tăng các hợp chất hữu cơ, amoni, nitrit, mangan, vi khuẩn.

Còn theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu châu Á về nước, số lượng vi nhựa trên một mẫu thử trên sông Sài Gòn cao hơn 1.000 lần so với các dòng sông có quy mô tương tự ở châu Âu. Một nguy cơ khác là chất lượng nước bị tái nhiễm bẩn trong hệ thống của khách hàng (chủ yếu ở các khu dân cư tập trung, bệnh viện, trường học, các cơ sở sản xuất, hệ thống cấp nước do các doanh nghiệp, đơn vị tự tổ chức…) Điều này gây rất nhiều khó khăn cho công tác xử lý nước cung cấp sinh hoạt ở các vùng có mật độ dân cư quá cao và phát triển quy mô đô thị quá nóng.

Cơ quan nước của Liên Hợp quốc định nghĩa an ninh nước là khả năng một cộng đồng dân cư có thể được tiếp cận đủ lượng nước ứng với chất lượng có thể chấp nhận được để bảo đảm duy trì sinh kế, sức khỏe, hoạt động sản xuất; được bảo vệ trước dịch bệnh, thiên tai liên quan đến nước và bảo vệ được hệ sinh thái… Như vậy, một nguồn nước ô nhiễm, không ổn định, tỷ lệ cung cấp nước sạch phục vụ cho sinh hoạt và tưới tiêu hạn chế là những rào cản không chỉ cho việc phát triển kinh tế - xã hội mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người dùng.

Hình minh họa.

Sử dụng nước sạch có thể tránh được 50% bệnh truyền nhiễm

Ngành y tế khuyến cáo việc sử dụng nước nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn, không hợp vệ sinh có thể gây ra 6 căn bệnh cực kỳ nguy hiểm cho người sử dụng, gồm các bệnh liên quan đến đường ruột, tả, thương hàn, lỵ trực khuẩn, lỵ amip, giun sán… Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên Môi trường, hiện mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong, gần 250.000 người nhập viện vì bị tiêu chảy cấp, khoảng 200.000 người mắc bệnh ung thư mỗi năm mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước.

Theo Bộ Y tế, nếu sử dụng nước sạch và vệ sinh tốt, người dân có thể tránh được 50% bệnh tật từ các bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch. Theo ông Trương Công Nam, Chủ tịch Chi hội Cấp thoát nước Miền Trung - Tây Nguyên, các đơn vị cung cấp nước đều nhận thức rõ việc đầu tư cải thiện chất lượng dịch vụ ngành nước là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe người dân. Trong điều kiện nguồn nước thô ngày càng khan hiếm và ô nhiễm, các nhà máy phải ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng lực khai thác, xử lý nước; chống thất thoát, lãng phí nước trong quá trình sử dụng và có biện pháp thu hồi, tái sử dụng lượng nước thải ra môi trường.

GS.TS Nguyễn Việt Anh, Trưởng Ban Khoa học - Công nghệ Hội Cấp thoát nước Việt Nam, chia sẻ nguyên tắc của cấp nước an toàn là không đợi đến khi xảy ra ô nhiễm mới xử lý. “Chúng ta phải sử dụng nhiều rào cản (Multi - barrier concept) để nếu một rào cản bị sự cố thì nước cấp vẫn an toàn, sử dụng các hệ thống quản lý rủi ro để việc quản lý rủi ro trong cấp nước trở nên đáng tin cậy hơn. Mỗi sự cải thiện trên các mặt nêu trên đều đáng giá và giúp cải thiện chất lượng dịch vụ, chất lượng nước sạch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng”, ông Việt Anh cho biết.

Hiện nay, tỷ lệ sử dụng nước sạch trên số dân ở Việt Nam còn thấp, đặc biệt là khu vực nông thôn, nơi có khoảng hơn 70 triệu người dân sinh sống. Điều kiện tiếp cận nước sạch sinh hoạt đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế còn hạn chế nên tỷ lệ người dân nông thôn mắc các bệnh liên quan đến nước bị ô nhiễm ở mức cao. Các biện pháp đã triển khai trong thời gian qua như xây dựng trạm bơm nước, cung cấp bồn chứa nước, dụng cụ lọc nước hộ gia đình… chỉ là giải pháp tạm thời.

Nước ta hiện đang rà soát tổng thể hiện trạng và nhu cầu cấp nước sinh hoạt từng vùng giai đoạn 2021 - 2025, đề xuất giải pháp cấp nước theo hướng gia tăng các hộ được cấp nước từ công trình cấp nước tập trung đảm bảo chất lượng, số lượng; kết hợp cân đối nguồn nước phục vụ sinh hoạt nông thôn từ hệ thống công trình thủy lợi và quy hoạch các hồ trữ nước quy mô vừa và lớn để đảm bảo an ninh nước trong mùa hạn.

Ông Đỗ Mạnh Toàn, Trưởng đại diện Vesiotec Oy, thành viên Diễn đàn nước Phần Lan, gợi ý Việt Nam nên sớm áp dụng các giải pháp quản lý nước thông minh trong nền kinh tế tuần hoàn, cụ thể, thiết lập hệ thống quản lý dữ liệu tập trung, từ đó các thông tin về rủi ro và các biện pháp, kịch bản kiểm soát rủi ro được xây dựng sẵn sàng để các công ty cấp nước sử dụng; cơ quan y tế cập nhật thông tin và có cảnh báo sớm nếu xuất hiện nguy cơ về chất lượng nước trên toàn quốc; đầu tư duy trì hạ tầng cần thiết cho cấp nước nhằm giảm thiểu rủi ro khi xảy ra thảm họa và xung đột; gia tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu để đảm bảo cấp nước an toàn cho người dân.

Tổ chức Y tế thế giới WHO cho hay đầu tư cho nước sạch 1 đồng lãi 2 đồng, vì nó nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, chỉ với nguồn vốn từ ngân sách thôi thì không đủ, các chương trình hợp tác công tư và xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực cấp nước có thể là chìa khóa để một nước còn nhiều khó khăn như chúng ta sớm đạt được tỷ lệ 100% dân cư đô thị và nông thôn được tiếp cận và sử dụng nước sạch.

Bình luận

Xem nhiều



Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.


Căn bệnh virus sưng chồi ca cao (CSSVD) do loại rệp sáp gây ra đang tàn phá những rừng cây ca cao ở Tây Phi và có khả năng khiến nguồn cung chocolate toàn cầu gặp nguy hiểm.
Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất