, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 11/02/2022, 19:00

Trương Chi đa truyện

TRẦN VĂN TUẤN
Ngày xưa, xưa lắm rồi. Ở vùng thượng nguồn sông Cả, núi rừng trùng điệp. Người trong vùng kể rằng Trương Chi sinh ra trên núi Đầu Rùa. Như một con ếch ương to đùng nhảy ra khỏi bụng mẹ. Khóc to lắm. Vang rền khắp núi rừng. Trương chạy nhảy suốt ngày.

Bố Trương mất được ba năm. Mẹ đi lấy chồng khác. Về dưới xuôi, xa hun hút. Trương lớn lên cùng lũ vượn trên đỉnh núi và sự cưu mang đùm bọc của ông thợ săn đầu trọc lốc. Ông thợ săn sống một mình, dạy Trương cách thổi sáo và hát, săn thú, hái lượm, sinh sống qua ngày.

Một ngày nọ, ông thợ săn đầu trọc đưa cho Trương một bộ đồ mới, bảo: “Đã đến lúc xuống núi tìm đàn bà con gái rồi.” Trương gặng hỏi lão đầu trọc: “Nhất thiết phải có đàn bà con gái sao?” Lão đầu trọc cười to, hát nhỏ: “Nàng như gió xuân. Khiến ta muốn ăn. Nàng như bắp ngô. Khiến ta muốn gặm. Nàng như múi mít. Căng tràn thơm tho”…

Trương mặc đồ mới, hăm hở xuống núi. Mang theo cây sáo trúc quen thuộc của mình.

Vùng đất ngã ba sông Cả có ba làng, một trấn. Dân cư đông đúc, mưu sinh theo ba nghề buôn bán, làm nương và đánh cá. Ở trên ngã ba, buôn bán là chính. Nơi đây san sát những bãi hàng, những bè tre, gỗ, thuyền to, thuyền nhỏ trải dài. Từ đầu nhìn không thấy cuối. Phía hạ lưu là làng chuyên nghề chài lưới. Tiếp đó lại là hai làng chuyên trồng lúa, trồng ngô. Vùng này, người ta ở quần tụ bên nhau, nhà nối nhà, không có phân chia xóm. Trương không theo nghề buôn bán củ nâu, măng tre của mẹ. Không biết tính toán giao tiếp làm sao buôn bán được. Kho hàng ngày trước thu nhỏ lại thành nhà ở. Trương hành nghề tự do. Ai mướn gì, làm nấy. Ngày cũng làm. Đêm cũng làm. Khuân vác, bưng bê, thồ tải là chính. 

Người ở Trấn ngã ba không thích gặp mặt Trương. Không ai trò chuyện với Trương. Họ không thích cái bản mặt đen đúa gồ ghề, miệng rộng như cá ngão và cái dáng đi đứng giống vượn nhiều hơn giống người của Trương. Các cô gái trẻ luôn tìm cách tránh xa. Lỡ gặp thì ngoảnh mặt làm ngơ. Nhưng tất cả mọi người từ già tới trẻ, từ đàn ông tới đàn bà đều thích nghe tiếng sáo và tiếng hát của Trương. Ai đó đã lưu truyền trong dân gian câu ca: “Bên sông có gã Trương Chi, người thì thật xấu, hát thì thật hay”. Mỗi khi nghe Trương hát, người ta ùn ùn kéo tới để nghe. Nghe rõ là được rồi. Không ai đến gần cả. Người là bảo đến để nghe, không phải để xem. Trương biết điều đó. Buồn lắm. Đau lắm. Tiếng hát, tiếng sáo tự trong nỗi đau, nỗi buồn bật ra: “Sinh ra ta làm chi. Sinh ra ta làm gì. Ta mong người đến. Người lại tránh xa ta”… Hát nhiều vào ban đêm. Ban ngày muốn hát phải trốn trong bụi rậm. “Buồn làm chi, khổ làm chi, số trời đã định ta đều phải theo. Đi qua cái đói là cái nghèo. Chỉ có cái bóng đi theo bên mình”. Lời than vãn ngân nga thấu vào mây, vào gió. Mây hợp rồi tan. Gió to, rồi nhỏ. Ngày qua ngày…

Trương không còn hy vọng tìm được bạn ở Trấn ngã ba. Chàng bán nhà, mua một con thuyền, bộ chài lưới, xuôi theo sông Cả, bắt cá kiếm ăn. Dường như chàng có duyên với mọi loài vật. Từ trên rừng đến lòng sông. Chàng đi tới đâu, cá theo tới đó. Sông rộng mênh mông. Trăng sao mờ tỏ, chàng chỉ giăng lưới vào ban đêm. Hát bài hát gọi người. Thổi bài sáo gọi người. “Tìm người như thể tìm chim”… Khắc khoải. Thiết tha. Chim trời tìm đến. Cá tôm tìm đến. Lưới đầy cá. Nóc thuyền đầy chim. Người vẫn không đến. Chàng chỉ bán cá đủ ăn trong ngày. Còn lại, thả xuống sông hoặc cho người khác. Rồi một đêm trăng cuối tuần đầu hè. Mặt sông mênh mang lăn tăn ánh bạc. Tiếng sáo bay lượn khắp một vùng sông nước. Tiếng sáo đánh thức mọi người trong đêm khuya thanh vắng. Không có ai ra khỏi nhà. Họ nghe trên giường, trên võng, trên bậc cửa.

Chỉ duy nhất một người âm thầm lặng lẽ đi tìm tiếng sáo. Người đó là con gái cưng của một phú hộ từng làm chức tể tướng trong triều đình, quyền lực và giàu có nhất vùng. “Thiên kim tiểu thư” được học chữ, học đàn, học thêu thùa từ nhỏ. Xuất hiện ở đâu “hào quang” tỏa ra rực rỡ ở đó. Sắc đẹp sáng ngời, tao nhã. Đôi mắt tròn thăm thẳm như chân trời mùa thu. Tất cả những đường cong của nàng đều có sức quyến rũ đặc biệt. Ai cũng phải nhìn. Những đường cong đẩy người ta lên, kéo người ta xuống. Nhiều lãng tử khôi ngô tuấn tú con nhà gia thế từ gần tới xa lũ lượt kéo tới khoe của, khoe tài, khoe sắc xin được cầu thân. Nàng hững hờ nhìn qua. Buông rèm không thèm tiếp khách. Nảy khúc đàn tìm kiếm tri âm.

Rồi tới cái đêm trăng tròn định mệnh ấy. Từ trên giường đang thiu thiu giấc ngủ, nàng nghe thấy những âm điệu phập phồng, phơi phới dồn xuống kéo lên khiến nàng thổn thức, bồn chồn, toàn thân nóng ran như đói, như khát. Như lạnh, như nóng. Cái âm thanh đầy như chăn ấm, mỏng như gió mát đầu hè chất đầy những mùi vị thơm ngon của thức ăn, của hoa tươi cỏ non. Thân nhiệt tăng lên. Không thể nằm yên, ngồi yên. Thổn thức, bồi hồi vừa muốn khóc, vừa muốn cười. Nàng đi như mộng du. Đi về nơi tiếng sáo, tiếng hát. Nước sông ngăn lại. Nàng sững sờ đứng yên nhìn đau đáu một dáng hình người nổi trên mặt sông. Là người nhưng không phải là người. Một sự hội tụ, kết tinh của Trời, Đất, của nắng, mưa, gió và sấm sét. Nhỏ bé lắm. Nhưng đấy là cội nguồn của sự sống, cội nguồn của ấm no, bình an và vui vẻ. nàng đi trong nước đến với cội nguồn đó. Nàng bị dòng nước xoáy cuốn đi. La hét, giẫy đạp một hồi rồi rơi vào im lặng. Trong mê man, nàng thấy hình dáng hơi thở và sức nóng của tiếng sáo, tiếng hát. Lần đầu tiên trong đời, nàng cảm nhận âm thanh luôn có hình có hài của con người. Âm thanh có màu sắc, có trọng lượng. Trọng lượng của âm thanh dường như ngang bằng với trọng lượng của người trẻ tuổi. Lúc tăng, lúc giảm khiến nàng thấy sống động, sống mạnh mẽ hẳn lên. Nàng khóc đấy, cười đấy. Hát theo điệp khúc “gió xuân, gió xuân chồi non phập phồng, cánh hoa run rẩy, gọi người”… 

Nàng tỉnh lại, mở mắt nhìn. Cái khối hình tiếng sáo, tiếng hát là một chàng trai nhỏ bé. Cái khối hình ấy đang truyền hơi thở qua miệng nàng. Nhiệt độ vừa đủ ấm. Mùi vị vừa đủ thơm ngon. Nhưng cái mặt lồi lõm gớm ghiếc đã phá hủy tất cả. Trong ánh trăng sáng tỏ, nàng thấy cái mặt đó giống mặt vượn, mặt khỉ. Nàng xô, đạp cái khối hình đó, hét lên: “Cứu tôi với”. Cái khối hình âm thanh quyến rũ kia lộn nhào xuống nước và biến mất giữa lòng sông mênh mang. Vừa lúc đó, người nhà phú hộ tìm đến, hỏi: “Việc gì đã xảy ra”? Nàng thở dài, buồn bã nói: “Tắm sông cho mát thôi mà”.

Sau đêm đó, ông phú hộ thuê hai hầu gái thay nhau quạt mát cho nàng và khóa mọi cửa trong cửa ngoài. Nàng không thể ra sông được nữa. Chỉ ngồi bên cửa sổ nghe tiếng sáo, tiếng hát từ phía sông. Nàng hỏi người thổi sáo và hát là ai, người hầu gái nhanh nhảu trả lời: “Đấy là Trương Chi, người thì thật xấu, hát thì thật hay”! “Vậy sao”! Nàng thở hắt ra. Rồi lại thở dài. Lại tắm đêm. Một ngày nọ, không nghe thấy tiếng hát, tiếng sáo. Nàng lại hỏi: “Tại sao”? Cô hầu gái nói không biết! Nàng ngã xuống, ngồi lên. Sốt nóng, sốt lạnh. Trong lòng trống rỗng, nhạt nhẽo. Không muốn ăn gì hết. Nàng ngã bệnh.

Không chỉ có nàng, Trương Chi cũng ngã bệnh. Từ sau đêm cứu vớt nàng, chàng ăn ngủ không yên. Tâm trí chàng luôn bị bờ vai, đôi môi, đôi chân của nàng ám ảnh. Đặc biệt là đôi môi và hơi thở. Trông đó như có lửa, có gió. Gió thổi lửa lên đủ ấm. Lửa thắp lên để gió mát từ trong thổi ra, từ ngoài thổi vào. Trương khao khát được có thứ lửa, thứ gió đó. Dìm nỗi khao khát ấy dưới nước, nó lại nổi lên. Nhiều lần trong đêm. Trương bị cảm sốt. Toàn thân đau nhức, sức lực suy kiệt, không ăn được, không đủ sức đưa thuyền vào bờ. Ba ngày liền, không nghe thấy tiếng hát của Trương, dân làng chài kéo nhau đi tìm. Họ tìm thấy chàng trên con thuyền. Mê man, bất tỉnh. Chín phần chết, một phần sống. Người làng đưa Trương vào bờ. Thầy lang bắt mạch, xem lưỡi, bảo: “Có thể bị bệnh thương hàn”. Mọi người sợ, bỏ đi. Thầy lang gọi: “Bớ mọi người, xin hãy mang thứ người này về. Tôi làm sao chữa trị được”! Thầy lang tuổi cao, sức yếu. Còm nhom như rễ cây khô. Tiếng gọi thều thào đứt quãng. Đột nhiên, từ trong vườn chuối chui ra một người đàn bà áo váy chỉ che được một phần ba cơ thể. Người đàn bà to cao có dáng đi như gấu ngựa hăm hở chạy tới bế xốc Trương vào lòng, bảo: “Để tôi”! Thầy lang mừng rỡ nói: “Tốt rồi”!

Hình minh họa.

Người đàn bà này bị mù từ nhỏ. Một đứa trẻ trôi dạt trên sông. Không chết nhưng bị mù. Người làng chài thay phiên nhau cưu mang nuôi dưỡng. Đứa bé gái lớn mạnh hồng hộc. Như ngựa phi. Chẳng mấy chốc đã thành thiếu nữ. Cao hơn, to hơn các cô gái khác. Cũng chẳng mấy chốc, đã trở thành một cô gái già. Cô bị mù, tâm trí không bình thường. Thường lên cơn động kinh vào lúc trời chuyển mùa, lúc đêm về sáng. Có khi ôm cây rung lắc. Có khi lăn lộn đào bới trên đất. Không ai dám đến gần, đừng nói đến chuyện cưới hỏi. Làng xóm thương tình, cho cô miếng đất gần nhà thầy lang. Cô dựng lều, trồng chuối. Cô chỉ dữ tợn khi bị động kinh. Bình thường cô như con bò cái, hiền lành cam chịu. Rất khỏe và rất thạo việc. Hùng hục suốt ngày dưới sông bắt cá, trên bờ cuốc đất, cày bừa. Như người tỉnh mắt. Người đàn bà mù đưa Trương về nhà nuôi dưỡng thuốc thang. Quạt cho người bệnh mát. Ôm ấp để người bệnh ấm! Thầy lang cho không ba thang thuốc. Người làng cho ít gạo, ngô. Sau bảy ngày, Trương khỏi bệnh. Ăn được, nói được. Không hỏi chủ nhà là ai, hỏi cô gái bị đuối nước là ai. Người đàn bà gần đến tuổi 40 vẫn hồn nhiên như một đứa trẻ. Kể chuyện về cô gái con nhà phú hộ giàu có một cách cung kính, ngưỡng mộ: “Cô ấy bị bệnh từ nửa tháng nay. Có nhiều thầy thuốc danh tiếng từ kinh thành đến để chữa trị vẫn chưa biết là bệnh gì”! Đôi mắt mù rớt xuống hai giọt nước mắt. Không biết cô khóc vì ai.

Trương thở dài, buồn bã: “Không biết cô ấy có sao không”? Người đàn bà mù lau nước mắt, hỏi: “Lo cho cô ấy lắm hả?” Trương không nói gì. Lại thở dài, nằm xuống. Người đàn bà da nâu sạm như một khối đất nung, nói khẽ: “Để tôi đến phủ hỏi xem”. Trương nhớ tới cái đạp dữ dội của người đẹp, vội vã xua tay: “Không cần”! Người đàn bà to lớn, kềnh càng nhưng tiếng cười rất thanh mảnh, êm nhẹ. “Cần mà! Cần mà”! Trương nhìn sâu vào đôi mắt chỉ có lòng trắng, không có lòng đen. Thảng thốt kêu lên: “Đằng ấy bị mù, đi sao được”! Ở vùng này có rất nhiều cách xưng hô theo tôn ti trật tự, theo các mối quan hệ. Khi gọi nhau là “đằng ấy” nghĩa là định vị, định hình mối quan hệ bạn bè thân thiết. Người đàn bà mù kéo dài tiếng cười theo chiều ngang. “Tôi đi và làm việc bằng tai, không phải bằng mắt”!

Rồi Trương cũng tìm đến phủ đệ nhà phú hộ. Theo chỉ dẫn của người đàn bà mù. “Cô ấy nhớ tiếng sáo tiếng hát của đằng ấy nên sinh bệnh. Là tâm bệnh. Nặng lắm. Chỉ có đằng ấy mới chữa khỏi”. Người đàn bà luôn lẩn tránh mọi người, một chữ bẻ đôi không biết, ra sức thúc giục: “Đi đi, đến cứu người”!

Trương đến nhà phú hộ lúc chiều muộn. Nấp sau cây liễu bên hàng rào, hướng về phía lầu hai nơi người đẹp đang gục mặt trên gối thở ngắn, thở dài. Trương hát: “Tháng giêng hoa đào nở. Hồng thắm những hạt sương. Tháng ba hoa xoan rụng. Tím ngát những con đường. Tháng năm hoa sen nở. Bốn phương trời thơm mát. Tháng tám cúc bừng nở. Vàng rực khắp chân trời. Tháng mười ơi, tháng mười. Gió lạnh về hun hút. Hoa mai thấp thoáng chơi vơi”… Lời hát như từ đáy sông dâng lên. Uốn cong theo sóng. Bay lên theo gió. Lồng lộng mênh mang. Trời hát. Đất cũng hát. Có tiếng sấm rền. Tiếng mưa thao tháo. Tiếng suối reo. Tiếng chim ca hát. Tiếng vượn hú tìm bạn… Hết thảy mọi người trong vùng đều yên lặng lắng nghe. “Thiên kim tiểu thư” nhà phú hộ nhảy ra khỏi giường, qua các bậc cửa, hổn hển chạy tới. Vòng tay mở rộng ôm lấy tiếng hát. Chỉ lá cây liễu thôi.

Người hát đã bị phú hộ sai nô bộc trói chặt ở gốc cây xoan đào cạnh đó. “Hát nữa đi anh”. Nàng thổn thức, nghẹn ngào. Chàng cũng thổn thức, kêu to: “Tôi ở bên này”. Nàng đi tới. Nửa chừng dừng lại. Không phải là mơ. Người đàn ông xấu xí giống vượn nhiều hơn giống người bị trói ở kia chính là người đã hát, người đã ôm nàng từ trong dòng nước xoáy, người đã hôn nàng nhiều lần… Nàng hét lên: “Không phải, không phải”! Rồi ngã xuống, mê man. Những người chứng kiến im lìm bất động. Không biết phải làm sao. Phú hộ sai người đưa con gái về. Lại sai người đánh Trương một trận. Đánh đến ói máu trong miệng, trong tai.

Người đàn bà mù lại phải ôm cái thứ người một phần chết hai phần sống về nhà. Thầy lang bảo: “Nội thương rồi! Cho uống nước cua”. Một bài thuốc dân gian dành cho người bị đánh đòn, bị té ngã. Cua giã nhỏ, lấy nước, cho uống ba bát. Ba ngày sau, Trương khỏi bệnh. Phú hộ đến, chọc gậy bịt sắt vào ngực Trương, lạnh lẽo nói: “Biến khỏi làng ngay, còn nghe thấy tiếng hát của mày, tao đánh tiếp”! Tối đến, Trương lầm lũi đi ra sông. Người đàn bà mù hỏi: “Đằng ấy đi đâu”? “Không biết nữa”! “Tôi theo được không”? “Đi thôi”! Đoạn đối thoại này do thầy lang kể lại.

Từ đó người làng chài và cả vùng ngã ba sông không thấy bóng dáng Trương Chi và người đàn bà bị mù nữa. Có người nói họ theo thuyền cùng về xuôi làm ăn. Cũng có người bảo họ lên núi Đầu Rùa sống chung với lũ vượn…

Tags

Bình luận

Xem nhiều



Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.


Căn bệnh virus sưng chồi ca cao (CSSVD) do loại rệp sáp gây ra đang tàn phá những rừng cây ca cao ở Tây Phi và có khả năng khiến nguồn cung chocolate toàn cầu gặp nguy hiểm.
Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất