, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 22/03/2024, 20:00

Đến Nhà Lớn, đảnh lễ một chữ "Trần"

TRÂM ANH
Nghe “Đạo ông Trần”, tưởng “Trần” là tên hoặc là họ của người khai đạo. Quả có một người đàn ông khai đạo ông Trần, nhưng tên đạo không phải tên ông. Bây giờ, gần một thế kỷ kể từ ngày ông tạ thế, ở Đảo Long Sơn (TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn còn những di sản vật thể và phi vật thể mà ông để lại. Nhưng sự hiện diện của di sản lúc bấy giờ đã trở thành một phần cuộc sống tự nhiên của cư dân Long Sơn. Tất cả di sản đều vừa vặn và lý giải được bằng sự sống hiện hữu của người đương thời, không có dấu ấn độc lập của người khai đạo. Kể cả trong một cái tên.

Một “tập tục” giải nhiều tập tục

Nói vậy, không có nghĩa là người ta đã quên ông Lê Văn Mưu - người lập làng, khai đạo. Câu chuyện về ông vẫn bàng bạc khắp Long Sơn. Hình ảnh của Lê Văn Mưu trăm năm trước vẫn hiện diện trong cư dân Long Sơn lúc bấy giờ: mặc áo bà ba, tóc búi tó, đi chân trần, trọng lễ nghĩa, hành xử khiêm cung, đối dãi thơm thảo với nhau và với khách. 

Lê Văn Mưu là người Kiên Giang từng ly hương tìm đến An Giang xin đầu quân cho phong trào kháng pháp của Ngô Lợi (giáo chủ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa). Năm 1890, cuộc khởi nghĩa tàn lụi theo cái chết của Ngô Lợi, Lê Văn Mưu về quê ở ẩn, rồi lại cùng gia đình vượt biển đến Vùng Vằng (nay thuộc thị xã Bà Rịa) để tránh sự chú ý của giặc Pháp.

Tại đây, Lê Văn Mưu lặng lẽ sống bằng nghề làm muối, bốc thuốc chữa bệnh. Nhưng ông lại phải di cư sang Rạch Dừa (thuộc TP Vũng Tàu ngày nay), rồi tiếp tục sang khai phá khu vực đông nam đảo Long Sơn để đáp ứng số người xin theo ngày một đông. 

Từ một vùng rừng rậm hoang vu, nhiều sình lầy, lắm thú dữ, Long Sơn trở thành một vùng dân cư khấm khá với nghề làm muối, đánh bắt hải sản. Được chính quyền cho phép qui dân lập làng, ông Mưu quy tụ người ở khắp nơi đến cùng khai phá, mở rộng không gian sống.

Lê Văn Mưu và ấp Bà Trao (cũ) nổi tiếng khắp vùng Tây Nam bộ vì những lần mở kho gạo cứu đói sau thiên tai, hay sự cởi mở tiếp đón người nghèo khổ đến tá túc hoặc sinh sống lâu dài.

Đất đai, sinh kế vững chãi, Lê Văn Mưu còn quan tâm phổ cập con chữ, nâng cao tri thức cho trẻ nhỏ và người dân trong vùng. Dưới sự dẫn dắt của ông, cộng đồng Long Sơn còn gắn bó như những người “đồng đạo”.

Cái tên “đạo ông Trần” chính là do cư dân Long Sơn đặt theo hình ảnh “đầu trần, chân đất” miệt mài lao động của Lê Văn Mưu. Nhưng đó không phải là một tôn giáo, không chuông mõ, kinh kệ. Chịu ảnh hưởng bởi đạo Nho, đạo Phật và đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, nhưng đạo ông Trần cởi bỏ những chấp niệm về hình tướng, lễ nghĩa.

Lễ trong đạo ông Trần chỉ là cái lễ vốn dĩ trong đời sống thuận hòa giữa người với người. Đó chỉ là lối sống hướng đến hạnh phúc vẹn toàn, vững chãi của một cộng đồng. Người ta được sống trong sự lột trần những định kiến, hay cả những tập quán đày ải con người.

Bây giờ, bước vào Nhà Lớn đạo ông Trần, vẫn thấy chiếc áo quan nổi tiếng của cộng đồng cư dân Long Sơn. Áo quan (quan tài) làm bằng tre, sơn đỏ, vẽ hoa văn vàng. Đó là chiếc áo cuối cùng tiễn mọi cư dân ở Long Sơn vào đất mẹ. Người chết, không phân biệt giàu nghèo, tuổi tác, giới tính, đều dùng chung chiếc áo quan này. Khi đến nghĩa trang, họ được mang ra khỏi áo quan, chôn trần với lớp võng thân làm từ vải và chiếu. Áo quan chung được mang về, cất giữ ở Nhà Lớn.

Cách tiễn đưa người chết ở đảo Long Sơn còn gây hiếu kỳ bởi quy tắc “sáng tử chiều táng, chiều tử sáng táng, xả tang tại mộ”. Tất cả từ lễ tang cho đến hạ huyệt, xả tang sẽ chỉ diễn ra trong 24 tiếng đồng hồ. Không kèn trống, không tụng kinh, không vang ồn tiếng khóc và không phúng điếu. Phần mộ được xây bằng nhau, bia mộ để trống, không khắc tên, không đính kèm di ảnh. 

Một thế kỷ qua, Long Sơn đã không còn cách trở, cuộc sống cộng đồng không hề cô lập, không thiếu sự giao thoa, nhưng họ vẫn thực hành táng tục kỳ lạ. Có lẽ, mọi cuộc giao thoa lành mạnh đều giúp con người sống nhẹ nhõm, hạnh phúc hơn. Mà cách đạo ông Trần hành xử với cái chết đã đạt đến đỉnh cao của sự nhẹ nhõm. Ở đó, không ai phải khổ sở vì không mua nổi quan tài cho người chết. Không ai nặng lòng về quy mô mồ mả cha mẹ, ông bà. Không một sự hiếu nghĩa hay giá trị nào của con người được gắn với sự hoành tráng của lễ tang hay mồ mả.

Ở cuối con đường, mọi người đều như nhau, đến hình tướng cũng hư vô khi chẳng ai gắn hình ảnh của mình lên mồ mả. Người ta thực hành tang lễ như một lần nếm trải cái hư vô của kiếp người, để gột bỏ những tham ái vô nghĩa vẫn làm khổ con người trên khắp thế giới này. Bỏ qua tham ái vô nghĩa, người ta đủ rỗng rang để yêu thương người khác, để toàn tâm hướng đến những giá trị cốt lõi của đời người, mà an vui, hạnh phúc.

Đó, là một nét nghĩa khác của chữ “trần” mà người ta đặt cho ông Trần, nay trở thành tên của đạo. Dù nếu ngôn từ rộng rãi hơn, hẳn nên có từ khác thay cho từ “đạo” để tránh lối hiểu nhập nhằng, tránh quy nếp sống, triết lý sống của nơi này về một tín ngưỡng, tôn giáo… 

Cái “lớn” của Nhà Lớn đạo ông Trần

Lòng vòng ở đảo, bạn dễ bị bắt mắt bởi chiếc cổng chào ghi Khu di tích lịch sử Nhà Lớn Long Sơn khá “mới” trên nền cổ kính của khối kiến trúc cổ Nhà Lớn đạo ông Trần.

Trên khuôn viên rộng 4ha, Nhà Lớn rộng chừng 2ha với nhiều khu vực, nhiều dãy nhà, cùng nhiều sắc thái của lối kiến trúc đình làng Việt Nam. Những căn nhà trệt nối tiếp những căn nhà lầu, bất quy tắc, nhưng hài hòa với công năng rõ rệt: nhà thờ, khu nhà chức năng và khu lăng mộ.

Tiếp chúng tôi là bà Lê Thị Kiềm - người vẫn được dân Long Sơn gọi là cô Ba Nhà Lớn - cháu đời thứ tư của “ông Trần”. Cô Ba hiện là người trông coi Nhà Lớn. Ở tuổi 80, cô Ba vẫn tinh anh và hồn hậu đúng như thần thái quen thuộc của người dân ở đảo này.

Nhìn nhà, hiểu chủ. Cả một khu nhà đồ sộ, nhiều ngóc ngách, và có tuổi đời đến trăm năm nhưng vẫn tinh tươm, chỉn chu mọi góc. Sự chỉn chu không quá khó hiểu với một không gian đã được xếp hạng di tích lịch sử. Nhưng theo người dân Long Sơn, Nhà Lớn từ trăm năm trước đã nề nếp như vậy.

Năm 1910, Nhà Thánh (thờ Khổng Tử) được xây đầu tiên, đây là khu chính điện. Tiếp theo đó là Lầu Trời, Lầu Tiên, rồi Lầu Phật, đến Lầu Cấm. Sau đó là hai ngôi nhà dành cho khách, cổng tam quan, vườn hoa và Lầu Dài, kho thóc, nhà chợ… Toàn bộ công trình được làm từ gỗ quý (lim, đen, trắc…) nên càng lâu năm lại càng đẹp và mịn màng.

Nhà Lớn còn lưu giữ rất nhiều đồ cổ, hàng chục tủ thờ, lư hương, đèn, tranh kính, hoành phi tinh xảo… Ông Trần còn sưu tập được bộ bàn ghế bát tiên từng được vua Thành Thái sử dụng ở Bạch Dinh.

Đặc biệt, hơn một trăm năm qua, cửa Nhà Lớn chưa từng đóng với bất kỳ một người cùng khổ nào. “Đạo” gốc rễ nhất ở cộng đồng ông Trần là đạo làm người. Họ lấy Nhân làm gốc, Lễ dẫn lối để sống và làm việc theo Nghĩa – Trí – Tín. Làm người, đơn giản là hiếu thảo với cha mẹ, ông bà; nghĩa vụ với đất nước, đồng bào; thiện lành với người yếu thế, kẻ khó khăn. “Ông Trần” từng chia lúa cứu đói nhiều nơi, chia đất cho dân cùng an cư lạc nghiệp. Để hơn trăm năm sau, cánh cửa Nhà Lớn vẫn không ngừng mở, cho những người cùng đường từ một bữa no đến một cơ hội được sống, được làm lại cuộc đời. 

Tôi được trải nghiệm “nếp nhà” ở Nhà Lớn qua câu nói hiền khô mà chắc chắn của bà Lê Thị Kiềm: “Khách tới đây đều được đãi đặc sản, có thể ở lại qua đêm. Nhà Lớn mời khách, miễn phí hoàn toàn”. Tôi từng nghe bao mô tả thú vị từ những đàn anh yêu văn hóa, về những lần họ được ngồi đàm đạo thâu đêm, được nếm những món ngon xứ biển trong mạch kể chuyện chân phương, hồn hậu của cư dân Long Sơn.

Với người yêu văn hóa, thì Nhà Lớn như một “viện bảo tàng bé nhỏ”. Với người đam mê nhiếp ảnh, Nhà Lớn là một studio cổ kính, không góc chết. Còn với mọi người, dù mối quan tâm vốn đặt vào đâu, thì khi đến Nhà Lớn Đạo ông Trần, người ta cũng được trải nghiệm một lần rũ trần những gánh nặng hư ảo, trở về với những giá trị căn bản của con người. Những giá trị khiến người ta sống nhẹ nhõm với nhiều cảm hứng, tình yêu thương và hạnh phúc.

Tags

Bình luận

Xem nhiều


Anh Hoàng Vân là một trong những người tiên phong trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ cho cá tại Việt Nam. Hơn 10 năm nay, anh thực hiện cắt mí mắt, cắt môi, sửa vảy, mang... cho hàng trăm con cá rồng. Thu nhập mỗi tháng lên đến chục triệu đồng.

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).


Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm





Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất