, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 20/04/2024, 10:05

H5N1 có trong sữa động vật: Cảnh báo đại dịch tồi tệ hơn Covid-19

TRUNG NGUYÊN
Ngày 19/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ra thông báo đã phát hiện vi rút cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh.

Lo ngại từ giới chuyên gia

Theo The New York Times, việc này đã “dấy lên lo ngại” khi thời gian qua dịch cúm H5N1 bùng phát ở bò sữa tại nhiều bang của Hoa Kỳ và ít nhất có một trường hợp mắc cúm gia cầm ở người tại bang Texas.

Theo tờ New York Post số ra ngày 4/4, các chuyên gia cảnh báo đại dịch cúm gia cầm có thể tồi tệ gấp 100 lần so với dịch Covid-19. Khả năng xảy ra một đại dịch mới toàn cầu về chủng cúm gia cầm H5N1 rất cao. Tiến sĩ Suresh Kuchipudi, một chuyên gia nổi tiếng về cúm gia cầm ở Pittsburgh (Hoa Kỳ), nói: “Chúng ta đang tiến gần đến mức nguy hiểm với loại virus có khả năng gây ra đại dịch”.

Thống kê của Tổ chức Thú y Thế giới cho thấy, từ tháng 10/2021 đến đầu năm 2023, cả thế giới ghi nhận 42 triệu trường hợp cúm gia cầm ở cả gia cầm và chim hoang dã. 15 triệu cá thể gia cầm chết vì nhiễm bệnh và 193 triệu con bị tiêu hủy. 

Theo nhiều chuyên gia, bản thân cúm gia cầm đã là một đại dịch của động vật. Cúm gia cầm là loại bệnh chủ yếu ở các loài chim, bùng phát vào thời điểm mùa thu, giảm dần vào mùa xuân và hạ. Còn theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Thú y thế giới (WOAH), trong 2 tháng đầu năm 2024 đã có gần 1.300 ổ dịch cúm gia cầm xảy ra tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Cúm gia cầm đã dẫn tới cái chết của hàng chục triệu gia cầm và chim hoang dã. Các động vật có vú sống trên cạn và ở biển cũng bị mắc bệnh. Từ năm 2003 đến ngày 1/4 vừa qua, WHO đã ghi nhận 463 trường hợp tử vong trong tổng số 889 trường hợp mắc cúm A/H5N1 ở người tại 23 quốc gia, đưa tỉ lệ tử vong do căn bệnh này lên 52%.

Chim hoang dã, di cư được xem là nguồn lây của H5N1

Thế nhưng tại Việt Nam, chim hoang dã được bày bán tràn lan, từ quê đến phố. Khi cơ quan chức năng truy quét, thì họ nhốt chim trong… lồng online. Trên mạng, bao nhiêu lời rao bán, không thiếu thứ gì, với các “Hội chim đêm Miền Bắc", "Hội bẫy chim di cư ban đêm phương Bắc". Ở đó, ai tìm sâm cầm, vạc, cò trắng, rẽ giun, mòng két, diệc, én… có hết. Đi kèm đó là các clip về bẫy chim, dạy cách bẫy, lừa chim di cư và những cuộc ngã giá.

Mà đâu chỉ chợ online, có một kiểu mua bán chim trực tiếp nhưng chính quyền không đụng tới, là bán chim phóng sinh vào các ngày rằm, mồng 1. Cho nên một chủ tài khoản mạng mua bán chim hoang dã đã bắt bẻ: “Chim bán phóng sinh, dù có mục đích gì, cũng là mua bán, sao chính quyền đồng tình? Có mua mới có bán chứ? Chính quyền cấm được người mua, thì tôi dẹp tiệm ngay. Xử lý chúng tôi theo luật, không sai, nhưng vậy là không công bằng”.

Lại nhớ, năm nào ra Tết, các địa phương có phong trào thi chim hót. Một cán bộ kiểm lâm lắc đầu khi được hỏi sao không bắt: “Chúng tôi truy quét, nhưng ngành văn hóa tổ chức thi, trao giải! Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Mai này mà dịch cúm H5N1 thành đại dịch ở Việt Nam, thì tôi đảm bảo không chặn được. Nuôi chim, bán mua tràn lan, cả quán cà phê chim đua nhau mở, đi đâu cũng thấy”.

Đừng cười cợt rằng “chim hoang nó ở trên trời, dịch bệnh ở đâu đâu”. Chim di cư vượt đại dương, xuyên biên giới, truyền bệnh từ vùng này sang vùng khác là bình thường. H5N1 chưa có thuốc chữa, chính vì thế nó là thảm họa nếu bùng phát đại dịch.

Luật để chế tài có hết, nhưng thực tế cứ trêu đùa. Một khi cơ quan chức năng còn lơ là, bất cập trong nhìn nhận, xử lý, thiếu quan điểm nhất quán về việc mua bán, sử dụng chim hoang dã trong mục đích kinh doanh, vui chơi, thì đừng mong ngăn chặn nạn này.

Chơi chim là một thú vui, nhưng nuôi hiểm họa. Người Việt có thói tật cảnh báo không bao giờ thèm nghe, chỉ khi xảy ra chết người thì mới la làng, cuống lên. Lúc đó, nước đã quá… mũi!

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất