, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 18/03/2024, 19:30

Lời hồi đáp cho một vị tướng

MINH TRÂM
Đối diện ông Nguyễn Đức Quang, ông Phan Khắc Hy dừng lại một nhịp, rồi nói: "Anh này lên rừng xuống biển với tôi…" Đó là một lời chào. Chúng tôi không biết rằng vị tướng 97 tuổi “đang quên”, cho đến khi ông “chào” ông Quang bằng một ký ức.

Cách gọi tên của ông Phan Khắc Hy

Đó là khoảnh khắc đầu tiên khi ông Nguyễn Đức Quang - Tổng biên tập Tạp chí Nông thôn Việt - đến thăm Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, tại nhà riêng, trước thềm Tết 2024. Ông Phan Khắc Hy đã 97 tuổi, vận một bộ đồ trắng tinh tươm kiểu một lão gia chủ, vẻ mặt tĩnh lặng, cử chỉ từ tốn. Sau thông tin đầu tiên về ông Quang, vị tướng nhìn sang bà Nguyễn Thị Quốc Hương - Phó Tổng biên tập Tạp chí Nông thôn Việt, tiếp tục mạch nhớ:

- Cô này đi Đồng Hới với tôi…

Mọi người cùng bật cười. Ông nhớ những ký ức về họ khi còn chưa kịp nhớ tên. Quả đúng là bà Hương từng đi cùng ông trong những chuyến Quảng Bình, mà những kỷ niệm sâu sắc nhất là ở Đồng Hới. Tất cả những chuyến đi đó nằm trong hành trình trả nghĩa cho Trường Sơn mà ông Quang khởi xướng.

Thời ông Phan Khắc Hy là Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, ông Quang mới là tân binh “leo” Trường Sơn để vào chiến trường Nam bộ. Năm 2009, ông Quang đưa một nhóm phóng viên trở lại Trường Sơn và sau đó mở ra một chương trình vận động thiện nguyện mang tên “Nghĩa tình Trường Sơn” của báo Sài Gòn Giải Phóng. Năm 2014, một năm sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục chương trình này với cái tên “Nghĩa tình biên giới” tại Tạp chí Nông thôn Việt.

Suốt chừng đó thời gian, việc “lên rừng xuống biển” để tìm lại những dấu mốc từng làm nên Trường Sơn huyền thoại của ông Quang có vị Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đồng hành. Tướng Phan Khắc Hy theo vị lính trẻ năm nào đến những vùng rừng núi ở thượng nguồn sông Bến Hải, sang cả khu vực Ngã Ba Biên Giới ở Kon Tum, tìm lại làng Ho lịch sử và những tọa độ máu suốt lối ngang ngõ dọc vào Trường Sơn ở Quảng Bình. Theo chân họ, những ngôi đền tưởng niệm và hàng ngàn ngôi nhà tình nghĩa đã “mọc lên” suốt dặm dài Trường Sơn.

Những di vật khai quật được trưng bày tại Di tích lịch sử Hang Tám Cô.

Dường như, ông Phan Khắc Hy cũng vừa kịp kết nối được với những thông tin về người đã cùng mình “lên rừng xuống biển”. Ông nhìn ông Nguyễn Đức Quang một hồi, rồi bật ra: “Quang!”.

Lúc này, ông Quang lấy ra một chiếc máy tính bảng, nói: - Em mở cho Cụ xem đền Cà Roòng nhé?

Tướng Hy đã linh hoạt hẳn. Ông gật đầu. Nhạc hiệu của đoạn phim phóng sự Lễ khánh thành Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn - Đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng - ATP vang lên, ông cầm lấy chiếc máy tính bảng, chăm chú theo dõi. Chuyến thăm trong phút chốc như một cuộc trở về. Những người trẻ mang về câu chuyện khám phá của một năm dằng dặc những chuyến đi. Lúc đoạn phóng sự kết thúc, tướng Hy vỗ tay như thể đang xem chương trình trực tiếp. Mạch ký ức đã thông suốt. Ông ngồi đó như một vị chỉ huy đang hài lòng vì những điều vừa được mắt thấy tai nghe về hành trình tìm lại Trường Sơn của những người lính thân yêu.

Nhưng, nét rạng rỡ của tướng Hy lúc này còn đến từ những rung động riêng tư. Với vị tướng dành phần lớn cuộc đời trận mạc cho Trường Sơn, đền Cà Roòng là giấc mơ. Đầu năm 2023, khi nhắc về Nguyễn Đức Quang, về Trường Sơn, ông nói:

- Ý tưởng về một tượng đài tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn đã có từ trong chiến tranh và việc nhận thức được, lĩnh hội được khí thiêng sông núi tụ về Trường Sơn cũng có từ chiến tranh. Anh Quang này là người đã làm được việc đó.

Đền Cà Roòng là ngôi đền thứ 4 trong dự án trả nghĩa Trường Sơn mà ông Quang theo đuổi. Nhưng suốt 4 năm từ khi ngôi đền khởi công, hành trình của ông Phan Khắc Hy đã gián đoạn vì tuổi cao và những lần vào ra bệnh viện. Ông chỉ dự phần qua lời kể, qua hình ảnh từng giai đoạn từ khi đoàn công tác của Nguyễn Đức Quang băng rừng đi khảo sát, cho đến khi ngôi đền uy nghi hiện ra giữa núi rừng Thượng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình - ngay vùng biên giới từng là tọa độ máu của Trường Sơn.

Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn - Đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng - ATP.

Khi vị tướng đứng lên

Câu chuyện chung đã hiện diện trọn vẹn giữa cuộc gặp gỡ cuối năm, ông Quang nói: 

- Mấy năm trước Cụ dặn dò là xây đền xong phải tìm cách cho người ta lên thăm đền, làm sao bảo quản cho ngôi đền tồn tại vĩnh cửu và làm sao cho đời sống người dân ở đó sinh động, khấm khá hơn. Nay em báo cho Cụ mừng là vừa có một công ty du lịch chuyên nghiệp, sau khi ông chủ cùng em lên thăm đền Cà Roòng, thăm bản đồng bào Ma Coong trở về, đã xây dựng tour du lịch “Đi tìm dấu ấn Trường Sơn huyền thoại”. Hành trình là trọn đường 20 Quyết Thắng, dừng chân ở đền Cà Roòng, rồi ghé trải nghiệm đời sống văn hóa người Ma Coong. Tour đi một ngày từ Phong Nha lên tới Thượng Trạch, lên cột mốc biên giới với nước bạn Lào. Tour này đặc biệt miễn phí cho các cựu chiến binh Trường Sơn…

Vị tướng im lặng lắng nghe. Gương mặt ông thường trực một nét cười.

Tướng Phan Khắc Hy là vị chỉ huy duy nhất còn lại của Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, là người trực tiếp chỉ huy Đoàn 470, mở những cung đường Trường Sơn từ Nam Lào, Đông Bắc Campuchia đến Nam bộ. Ông mang nỗi ám ảnh về Trường Sơn trong thời kỳ gian nan và khốc liệt nhất. Sống giữa “Sài Gòn đã giải phóng”(*), ông thao thức những giấc mơ gian nan không kém cho Trường Sơn thời hậu chiến. Làm sao để từng chiến địa bi hùng xưa kia đón được những bước chân hành hương của hậu thế? Làm sao để những bản làng vùng biên đỡ xa xôi, cách trở được tiếp cận với tiện ích xã hội của thời bình?

Trong niềm thao thức đó, ông gặp Nguyễn Đức Quang là một người lính thời chiến, và là một nhà báo ở thời bình. Lúc gặp nhau, ông Quang đã sẵn một dự phóng về hành trình trả nghĩa. Và ở hành trình đó, tướng Phan Khắc Hy tự nguyện làm một nhân chứng, một “người dẫn đường”. 

Di tích lịch sử Hang Tám Cô nằm trên đường 20 Quyết Thắng.

Nhìn lại những tấm hình cũ, tôi giật mình thấy giữa những con đường rừng có một tướng Phan Khắc Hy còn rắn rỏi, và một Nguyễn Đức Quang mái đầu còn xanh. Bây giờ, ngồi kể về những con đường hoang vu “đã có người đi” là một người lính tóc bạc, và một vị tướng đã vào hàng bách tuế. Chợt thấy, hữu hạn của đời người kể ra cũng… vô hạn.

Từ những con người tôi nhìn thấy trong tấm hình cũ cho đến chuyến thăm trước thềm Tết 2024 này, đã có hàng ngàn ngôi nhà tình nghĩa được dựng lên cho gia đình cựu binh và nhân dân dọc Trường Sơn. Có 4 ngôi đền được xây lên, tạc vào núi rừng vạn trang sử. Và bây giờ là một tour du lịch đi vào con đường mà cách đây vài năm còn là hiện thân của sự cách trở, của nỗi sợ “lãng quên”. Nếu không có hành trình miệt mài đến xanh bạc mái đầu, nhiều sự thật lịch sử ở chốn thâm sâu có lẽ chỉ còn là dã sử.

- Từ giờ trở đi, sẽ ngày càng có nhiều người lên đường 20 Quyết Thắng để viếng Đền Liệt sĩ Trường Sơn trọng điểm Cà Roòng - ATP rồi đó Cụ!

Ông Quang ngước lên, đúc kết lại lần nữa về những diễn biến mình vừa kể. Vị tướng ban nãy còn “nhớ nhớ quên quên”, bây giờ đã minh mẫn và linh hoạt kỳ lạ. Khi chị Quốc Hương xin phép chụp một tấm hình, chị Lan - con gái tướng Hy vội vã chạy lại định giúp ông ngồi cho thẳng. Chẳng ngờ, ông từ tốn đứng thẳng lên, và nói vui:

- Phải đứng chứ!

Mọi người quá bất ngờ, bật cười trước sự khỏe khoắn và phấn khởi bất chợt từ ông. Nhìn chuyển biến tích cực ở sức khỏe và tinh thần của ông Phan Khắc Hy, ông Quang khởi xướng: - Lần này, thấy sức khỏe Cụ tốt hơn, em muốn Cụ đặt mục tiêu tập luyện, mỗi ngày đi bộ 50m – 100m rồi lên 500m, để tháng 4 này em đưa Cụ ra thăm đền Cà Roòng!

Ông Hy gật đầu, ánh mắt rạng rỡ hẳn lên như thể hiện một quyết tâm. Chị Lan vội chen vào:

- Muốn được thế thì Cụ phải ngủ sớm để dậy sớm, không được thức khuya xem đá bóng như thanh niên, để rồi sáng ra không dậy được...

Nghe con gái “tố”, ông Hy cười hiền, ra vẻ “thừa nhận”…

Mới cách chừng một giờ đồng hồ, khi nghe có khách, vị tướng 97 tuổi phải có người dìu ra bàn ngồi. Vậy mà lúc chia tay, ông phấn khởi tuyên bố và trình diễn tác phong của một người “sắp quay lại Trường Sơn”. Ông tiễn chúng tôi ra tận cổng, từ chối mọi cánh tay dìu đỡ. Ông đứng hồi lâu ở cổng để tham gia vào cuộc “giao kèo” hạ quyết tâm trở lại Trường Sơn vào tháng 4/2024, nhân kỷ niệm 70 năm mở Đường Trường Sơn. Lúc chia tay, ông Nguyễn Đức Quang nói:

- Cụ nhớ không, năm ngoái em ghé thăm thì Cụ nói rằng “tôi bây giờ chỉ biết ngày nào hay ngày đó”. Nhưng giờ Cụ “biết” được một năm rồi. Giờ mình phải tính lại theo năm, không tính ngày nữa.

Ông lại gật đầu, như khẳng định!

Chị Lan chợt nhớ lại những biến cố sức khỏe của người cha ở tuổi “xưa nay hiếm”. Chị kể, năm 2021, ông phải mổ cắt bỏ túi mật sau 4 tháng trời tự điều trị với kháng sinh suốt giai đoạn thành phố phong tỏa do dịch bệnh. Năm 2023, ông lại mổ thoát vị bẹn. Và cũng trong năm 2023, người vợ tào khang của ông qua đời. Mất mát và những cuộc đại phẫu đã mang khỏi ông nhiều phần sức sống và sự linh hoạt. Vậy mà sức mạnh tinh thần trong một buổi chiều “đoàn tụ”, đã tưới tắm tất cả.

Bản Tuộc - một trong những điểm đến trong tour du lịch “Đi tìm dấu ấn Trương Sơn huyền thoại”.

*

“Từ giờ trở đi, sẽ ngày càng có nhiều người lên trọng điểm Cà Roòng - ATP rồi đó Cụ!”. Tôi vẫn nhớ câu nói như một báo cáo đầy tự hào của người lính với vị chỉ huy cao nhất của mình. Lại nhớ, trong những lá thư tình giữa chiến trận của ông Phan Khắc Hy gửi người vợ tào khang, có một lá thư viết ngay sau ngày giải phóng. Ông viết: “Chắc em không ngờ 7/5 năm nay anh lại ngồi viết thư cho em tại Sài Gòn đã giải phóng”. Hay lúc gặp lại Nguyễn Đức Quang trong một mùa xuân đã nhập nhòa ký ức, ông thốt lên: “Anh này lên rừng xuống biển với tôi”.

Họ gọi tên một thành phố bằng 5 chữ Sài Gòn đã giải phóng. Gọi tên một công trình, một tour du lịch bằng sự thông thương, nhiều người có thể lên Cà Roòng. Và gọi tên một người bạn đường bằng hành trình đã cùng đi và cùng thao thức. Tất cả bật ra như ngôn ngữ tự nhiên từ niềm chú tâm chân thật với những điều họ theo đuổi bằng tất cả tuổi trẻ, đời người, và sinh mạng. Đó là ngôn ngữ từ những điều khắc cốt ghi tâm - ngôn ngữ đời người.

Ông Nguyễn Đức Quang có rất nhiều cách để kể về tour du lịch trong mơ Đi tìm dấu ấn Trường Sơn huyền thoại. Nhưng người lính sống bằng nỗi ám ảnh hậu chiến như ông chỉ có một cách duy nhất để hồi đáp giấc mơ của một vị tướng. “Từ giờ trở đi, sẽ ngày càng có nhiều người lên trọng điểm Cà Roòng – ATP” - là ngôn ngữ của những người tự vác lên mình sứ mệnh mở đường, giữa Trường Sơn hay giữa những nhớ quên của hậu thế. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều


Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).

Anh Hoàng Vân là một trong những người tiên phong trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ cho cá tại Việt Nam. Hơn 10 năm nay, anh thực hiện cắt mí mắt, cắt môi, sửa vảy, mang... cho hàng trăm con cá rồng. Thu nhập mỗi tháng lên đến chục triệu đồng.


Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất