, //, :: GTM+7

Gìn giữ kỷ niệm cho mai sau

Cửa hàng tiện lợi (convenience store) rất phổ biến tại Hàn Quốc và là một nét văn hóa hiện đại của xứ Kim chi. Mặc dù convenience store có hàng vạn chi nhánh tại các đô thị và lan rộng ra các vùng nông thôn, nhưng vẫn tồn tại những tiệm tạp hóa xinh xắn ở các góc nhỏ thân thương. Tiếc rằng những địa chỉ độc lập ấy đang ngày càng biến mất dần vì không đủ sức cạnh tranh.

Lee Me Kyeoung bên các tác phẩm của cô tại xưởng vẽ thành phố Hana, tỉnh Gyeonggi.

Nhiều năm qua, nữ họa sĩ Lee Me Kyeoung đã vẽ hàng loạt tranh về các cửa tiệm bé nhỏ yên ả giấu mình dưới tán cây anh đào đang rộ hoa hay bên gốc cây hồng trĩu quả vào mùa xuân; hoặc lặng lẽ cạnh một thân cây dẻ trơ trụi cành lá mùa đông…

Dù diện tích có phần khiêm tốn so với cửa hàng tiện lợi nhưng các tiệm tạp hóa ấy vẫn đầy ắp hàng hóa dự trữ trên các kệ tủ, được quảng cáo ngoài cửa ra vào hay cửa sổ. Và để làm duyên, trước cửa tiệm thường có một chiếc xe đạp của chủ nhân, vài ghế dài hay ghế gấp dành cho khách… 

“Chestnut tree valley store” (2020).
Tiệm Jeongdeun (2020).

Trong gần hai thập niên, Lee Me Kyeoung đã đi khắp các nẻo đường đất nước - từ Mokpo đến Jeju, từ Seoul đến Gapyeong - để lấy tư liệu hình ảnh về những tiệm tạp hóa dân dã xinh xắn đã và đang nhanh chóng mất dần. Để có được trọn vẹn cảm xúc, nữ họa sĩ còn dành thời gian để trò chuyện với chủ nhân các cửa tiệm để có thể đan dệt các câu chuyện ấy vào tác phẩm.

Dùng mực và acrylic vẽ trên giấy để thể hiện từng chi tiết thật tinh tế, sống động, Lee Me Kyeoung đã tạo nên những họa phẩm đặc sắc, độc đáo như một cách giữ lại cho mai sau những kỷ niệm và ký ức xã hội một thời. Cô chọn thời điểm vào giữa trưa để vẽ nhằm tránh bóng đổ hay sương mù sớm mai hoặc chiều muộn, tạo sự trong trẻo cho cảnh sắc và sự vật được vẽ.

Cửa tiệm hoa đào nở (2020).

Trong cuộc phỏng vấn của tạp chí The Korea Herald, nữ họa sĩ cho biết: “Khi tôi bắt đầu vẽ những cửa tiệm tạp hóa nhỏ, có nhiều người không muốn thấy những thứ cũ kỹ và lỗi thời như thế nữa. Họ cho rằng những góc nhỏ nhoi đó như thể là tàn dư của sự nghèo khó trong quá khứ, cần phải quên đi. Nhưng tôi không nghĩ vậy; tôi luôn hướng tới những gì còn tồn tại, vốn đang lát con đường riêng của tôi. Nhưng đến một ngày, tôi đã nhận ra chẳng có lối đi nào như thế cho riêng tôi… Bạn không thể cứ thẳng tiến trên lối đi ấy mà không có chút tha thiết nào về việc vẽ được những gì thường xuyên tạo cảm hứng cho bạn”. 

Tiệm tạp hóa ở Haman (2019).

Sau khi tốt nghiệp hai trường mỹ thuật có uy tín tại Seoul, Lee cảm thấy hết sức bất an vì không biết rõ mình phải vẽ gì. Thế rồi vào năm 1998, lúc đi dạo quanh ngôi nhà cô đã dọn đến ở một năm trước ở làng Gwaneum-ri, tỉnh Gyeonggi, bất giác một tiệm tạp hóa nhỏ đã khiến Lee say đắm ngắm nhìn.

Lee kể: “Đó là nơi tôi đã đi qua hàng ngày, thế nhưng hôm đó, sắc màu bí ẩn của mái tôn cửa tiệm hắt nắng chiều tà khiến tôi chú ý. Rồi tự hỏi sao mình chẳng nghĩ đến vẽ khung cảnh ấy”. 

Tiệm cây bạch quả (2021).

Bắt đầu từ năm 1998, trong gần 20 năm, nữ họa sĩ đã vẽ hơn 450 tiệm tạp hóa gia đình tại các làng quê khắp đất nước. Những năm gần đây, các tiệm tạp hóa như thế ngày càng mất dần khiến Lee phải thường xuyên đi đến các vùng nông thôn để khám phá các cửa tiệm cũ và mới. Ban đầu Lee chọn cách vẽ hiện thực thật chính xác các cửa tiệm cũ; thế nhưng theo mong muốn của các chủ tiệm, cô lại vẽ chúng trông như thể đang vào thời hoàng kim rực rỡ nhất, thêm vào tranh những nét đặc trưng mới trên cơ sở xác nhận của chủ nhân.

Cô cố gắng trò chuyện lâu dài với họ bất kỳ lúc nào tìm thấy một điều gì tốt hơn cho tác phẩm của mình. Chẳng hạn đó là những bóng cây đang nở rộ hoa - chúng đã bị đốn đi khi những con đường nhựa được mở ra gần các cửa tiệm - và một chiếc ghế dài vốn là nơi gặp gỡ, trò chuyện của cư dân địa phương: “Tôi đã vẽ những tiệm tạp hóa ấy như thể đó là hình ảnh cuối cùng sẽ được trưng bày vào tang lễ của chúng. Bạn muốn nhìn thấy những cửa tiệm đẹp đẽ và trang nhã hơn là những gì già cỗi và đau buồn. Điều đó cho thấy cách mà các chủ tiệm và gia đình họ muốn chúng được nhớ đến mãi”. 

Tiệm Korye (2019).
Tiệm Deayul (2019).
Tiệm tạp hóa trên đảo Gyodong (2019).

Loạt tranh “Những cửa tiệm nhỏ xinh” của Lee Me Kyeoung đã được giới thiệu tại gallery Imazoo ở khu Gangnam của Seoul và còn kéo dài đến hết tháng 7/2024. Cùng với triển lãm là một tập sách tranh được xuất bản, qua đó cho người xem biết những tiệm tạp hóa - có lẽ là cuối cùng - vẫn còn mở cửa để họ có thể tìm đến...


DIÊN VỸ
|
17/04/2024
Tags

Bình luận

Thời sự


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất