, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 17/04/2024, 13:19

Tỉnh Nghệ An yêu cầu xem xét lại quy trình đặt tên xã "Đôi Hậu"

ĐỨC TRUNG
Xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về việc ghép tên 2 xã để làm tên mới khi sáp nhập xã Quỳnh Đôi và xã Quỳnh Hậu, tỉnh Nghệ An đã yêu cầu huyện Quỳnh Lưu làm lại quy trình.
Xã Quỳnh Đôi nhìn từ trên cao - Ảnh: Đức Trung.

Tỉnh chưa chấp nhận tờ trình về việc điều chỉnh tên xã

Ngày 17/4, ông Nguyễn Xuân Dinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, tờ trình của huyện gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An về việc điều chỉnh tên xã mới sau sáp nhập đơn vị hành chính không được tỉnh không chấp thuận.

UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu UBND huyện Quỳnh Lưu thực hiện lại các bước đề nghị sắp xếp đơn vị hành chính. Việc điều chỉnh tên xã mới phải có sự đồng thuận của người dân.

Huyện Quỳnh Lưu có 15 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sáp nhập thành 7 đơn vị hành chính cấp xã mới giai đoạn 2023 - 2025. Trong đó, có 2 đơn vị hành chính mới sau sáp nhập sẽ có tên mới, 5 đơn vị hành chính khi sáp nhập được lấy tên bằng cách ghép từ 2 tên của các xã cũ.

Đáng chú ý trong số này là xã dự kiến có tên là Đôi Hậu, được thành lập từ xã Quỳnh Đôi và xã Quỳnh Hậu. Tên gọi mới đã làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Theo ông Dinh, do còn có nhiều ý kiến trái chiều nên việc xác định tên gọi các đơn vị hành chính sau sáp nhập huyện tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của cử tri và nhân dân, dự kiến tổ chức vào ngày 3 và 5/5.

“Phần lớn các xã khác đều không có ý kiến gì. Chỉ riêng ở xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu hiện đang có nhiều ý kiến” - ông Dinh nói.

Theo ông Dinh, hiện huyện Quỳnh Lưu đang làm việc với xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu để tuyên truyền, vận động trong việc giữ lại tên xã Quỳnh Đôi khi sáp nhập. Tuy nhiên, nếu người dân 2 xã không đồng tình thì sẽ tìm một tên khác trên cơ sở cân nhắc cẩn trọng, đảm bảo hài hòa, tôn trọng ý kiến cộng đồng dân cư.

Tượng “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương trong di tích quốc gia nhà thờ họ Hồ - Ảnh: Đức Trung.

Người dân đề nghị một địa danh gắn với ký ức

Theo phương án ban đầu, UBND huyện Quỳnh Lưu từng đưa ra phương án giữ tên Quỳnh Đôi khi sáp nhập song xã Quỳnh Hậu không đồng ý do xã Quỳnh Hậu diện tích lớn, đông dân hơn. Về quy mô dân số, xã Quỳnh Đôi có khoảng 5.600 người, còn xã Quỳnh Hậu có 8.600 người.

Đây cũng là vấn đề được người dân Quỳnh Hậu và Quỳnh Đôi bàn tán xôn xao thời gian gần đây. Đặc biệt là với người dân xã Quỳnh Đôi, nơi được biết đến là cái nôi đất học của xứ Nghệ.

Đây là đất “địa linh nhân kiệt” nơi sinh ra nhiều danh nhân. Tiêu biểu trong đó là Hoàng giáp - Thượng thư Quỳnh Quận công Hồ Phi Tích; ông Hồ Sỹ Dương đậu giải nguyên Đông các; nữ sĩ Hồ Xuân Hương - Bà chúa thơ Nôm thế kỷ XVIII với những đóng góp to lớn cho nền văn học Việt Nam và thế giới, là Danh nhân Văn hóa Thế giới được UNESCO công nhận.

Xã Quỳnh Đôi chỉ rộng 4,15km2, song hiện có tới 11 di tích quốc gia, 3 di tích văn hóa cấp tỉnh cùng các nhà bia tưởng niệm dọc quanh đường làng. Những điểm nhấn này đã tạo nên một làn sóng rất lớn khi Quỳnh Đôi được đổi tên thành Đôi Hậu sau khi sáp nhập với xã Quỳnh Hậu.

Hàng loạt di tích, nhà bia tưởng niệm ở xã Quỳnh Đôi - Ảnh: Đức Trung.

Ông Hồ Bá Thiện (63 tuổi, trú xã Quỳnh Đôi) cho biết, cái tên “Đôi Hậu” nghe khá ngộ, không hay, cũng không có điểm nhấn gì. Quỳnh Đôi là một vùng đất văn minh, hiếu học đã có tiếng nên khi đặt tên mới thì cần phải tìm một cái tên có ý nghĩa. “Nếu không thể giữ tên cũ thì chúng tôi rất tiếc. Nhưng nếu đặt tên mới, tại sao không lấy tên những nhân vật Hồ Xuân Hương, hay Hồ Tùng Mậu… đặt đi” - ông Thiện nói.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất