, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 16/05/2022, 05:59

Cơ hội vàng cho hàng xuất khẩu Việt Nam đến Trung Đông sau đại dịch

TUẤN ANH
Trung Đông đang nổi lên như thị trường xuất khẩu tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Trung Đông là khu vực có dân số đông (khoảng 400 triệu dân) bao gồm 16 quốc gia và mức thu nhập bình quân đầu người cao.

Nhiều dư địa cho xuất khẩu

Theo ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), Trung Đông có nhu cầu nhập khẩu rất lớn đối với các mặt hàng như đồ gỗ, ngũ cốc, giày dép, dệt may... Giá trị mỗi loại ước tính từ 2 đến 8 tỷ đôla Mỹ. Đây đều là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ trọng các mặt hàng này của Việt Nam trong cơ cấu hàng nhập khẩu của các nước Trung Đông vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Riêng các mặt hàng nông sản chế biến thì ngay trong thời gian khó khăn do đại dịch Covid-19 vẫn đạt tăng trưởng tốt. Tại UAE, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản của Việt Nam năm 2021 đạt trên 183 triệu USD, tăng 55,58% so với năm 2020 (gần 117,6 triệu USD).

Ngành nông nghiệp ở các nước Trung Đông chưa phát triển do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Công nghiệp sản xuất cũng ít phát triển. Do vậy, khu vực này vẫn phải nhập khẩu nhiều thực phẩm, hàng tiêu dùng. Theo thống kê, các quốc gia Trung Đông nhập khẩu khoảng 80% lương thực, thực phẩm, tương đương khoảng 40 tỷ USD/năm. Đến năm 2035, tổng giá trị nhập khẩu lương thực, thực phẩm của các nước vùng Trung Đông dự kiến sẽ tăng lên 70 tỷ USD/năm. Trong khi đó, năm 2020, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam của các nước GCC (Gulf Cooperation Council - Hiệp hội hợp tác các tiểu vương quốc Ả Rập vùng Vịnh) chỉ đạt 4,9 tỷ USD, chiếm 1% tổng kim ngạch nhập khẩu của các nước GCC. Tỷ trọng này cho thấy cơ hội mở rộng thị phần cho hàng hóa Việt Nam còn rất lớn.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), cơ hội xuất khẩu hàng hóa vào các quốc gia thuộc GCC đang mở rộng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành khiến nguồn cung trên toàn cầu bị đứt gãy. Khi dịch bệnh được khống chế, nhu cầu nhập khẩu các loại sản phẩm nông sản thiết yếu tăng cao hơn bao giờ hết để bù đắp sự thiếu hụt trong thời kỳ “tạm thời đóng cửa”. Những loại nông sản mà các nước này cần là ngũ cốc, hạt tiêu, hạt điều, chè, cà phê, thịt, sữa và sản phẩm sữa, rau củ quả các loại, thực phẩm hữu cơ, đồ uống, bánh mì, thảo dược… Vấn đề là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam có chuẩn bị sẵn sàng để vào thị trường này với những loại sản phẩm phù hợp hay không.

Chứng nhận Halal là chương trình đánh giá theo chuẩn mực quốc tế cho sản phẩm/dịch vụ có trách nhiệm. Theo đó, doanh nghiệp cần đáp ứng được đồng thời 2 điều kiện là nguyên liệu Halal và dây chuyền sản xuất Halal. 

Thuế nhập khẩu thấp

Ông Ngô Toàn Thắng - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Kuwait, cho biết quan hệ thương mại của Việt Nam với khu vực Trung Đông chủ yếu tập trung vào các quốc gia thuộc GCC như Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Kuwait, Bahrain, Qatar và Oman với tổng dân số 65 triệu người năm 2021. Sáu nước thuộc GCC nói trên đều là thành viên của WTO nên Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi khi tham gia thị trường này. 

Thêm nữa, Việt Nam có quan hệ ngoại giao, quan hệ hợp tác truyền thống hữu nghị lâu dài với các nước GCC. Hai bên có khuôn khổ pháp lý khá đầy đủ cho việc phát triển và tăng cường quan hệ hợp tác (Việt Nam đã ký các Hiệp định Hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật với 5/6 nước, ký hiệp định thương mại 2/6 nước; Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với 5/6 nước GCC; Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với 4/6 nước; Hiệp định về vận chuyển hàng không với 5/6 nước; Thành lập Ủy ban liên Chính phủ/Ủy ban hỗn hợp với 5/6 nước GCC).

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các nước GCC gia tăng nhanh chóng và có mức tăng đột biến từ năm 2012 đến nay. Nếu như năm 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các nước GCC mới đạt 2,7 tỷ USD, thì tới năm 2021 đã tăng gấp 4,6 lần, đạt 12,5 tỷ USD. Một thuận lợi nữa khi xuất khẩu sang Trung Đông là mức thuế nhập khẩu chỉ khoảng 0% - 5% đối với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài khối. Đây là thuận lợi rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. 

Đơn cử như Kuwait, nơi tiêu dùng nội địa chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu. Kuwait hiện chưa áp dụng thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân. Đây là nước có lượng lao động nhập cư chiếm phần lớn dân số nên nhu cầu sản phẩm đa dạng về chủng loại, chất lượng. Cư dân 
Kuwait có mức thu nhập bình quân 25.000 USD/năm/người, nền kinh tế có nội lực, ít chịu tác động của suy thoái kinh tế thế giới và đang tiếp tục tăng trưởng mạnh. Ông Ngô Toàn Thắng khẳng định hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm… của Việt Nam đã tạo được chỗ đứng tại thị trường Kuwait và có sức cạnh tranh cao so với hàng Trung Quốc, Malaysia.

Chuẩn bị gì để vào thị trường này

Rào cản thương mại tại thị trường các quốc gia Hồi giáo là việc sản phẩm phải có giấy chứng nhận về tiêu chuẩn, kiểm định chất lượng, nhãn mác… do Tổ chức tiêu chuẩn và Đo lường vùng Vịnh (GSMO) cấp và đặc biệt là phải có giấy chứng nhận Halal đối với các sản phẩm thực phẩm, thủy sản nhập khẩu.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng - Giám đốc Marketing Văn phòng chứng nhận Halal (HCA Việt Nam), chứng chỉ Halal là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào được thị trường các quốc gia Hồi giáo cũng như gia tăng cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu và sản phẩm Halal 
toàn cầu. 

Hiện tại, các quốc gia Hồi giáo chưa đồng nhất về chứng nhận Halal mà có những yêu cầu và tiêu chuẩn Halal riêng theo từng quốc gia như quy định của các nước vùng Vịnh (GGC), Quy định của UAE (ESMA)… Do vậy, các doanh nghiệp Việt cần chú ý và chuẩn bị đủ các chứng nhận Halal phù hợp với từng nước.

Việc tiếp cận thị trường Trung Đông chưa đầy đủ dẫn đến thiếu thông tin liên quan thanh toán hoặc logistics là trở ngại lớn cho nhiều doanh nghiệp Việt. Do vậy, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ thông tin cũng như tham vấn về chính sách, về khảo sát thị trường, kết nối giao thương và gặp gỡ các nhà phân phối hiện đại tại khu vực Trung Đông từ các cơ quan, tổ chức ngoại giao cũng như các cơ quan chuyên môn khác của Việt Nam như ITPC, VCCI…

Những năm đây, kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM sang các quốc gia Trung Đông tăng đều theo các năm. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 của TP.HCM và UAE ước đạt 340 triệu USD; trong đó xuất khẩu ước đạt 230 triệu USD, tăng 12% so với năm 2020. Xuất khẩu của TP.HCM sang Iraq ước đạt trên 130 triệu USD năm 2021, tăng 21%.

Tags

Bình luận

Xem nhiều



Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.


Căn bệnh virus sưng chồi ca cao (CSSVD) do loại rệp sáp gây ra đang tàn phá những rừng cây ca cao ở Tây Phi và có khả năng khiến nguồn cung chocolate toàn cầu gặp nguy hiểm.
Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất